23/07/2013 - 08:29

Việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp

Nỗ lực từ ba phía

Sinh viên Trường CĐN Cần Thơ trong giờ thực hành.

Lâu nay, chuyện tìm việc làm của học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề mà nhà trường, nhà tuyển dụng quan tâm; nhất là trong bối cảnh hiện nay, tình hình HSSV tốt nghiệp không tìm được việc có chiều hướng tăng. “Làm thế nào để giúp HSSV tìm việc làm dễ dàng sau khi tốt nghiệp?”- đó là vấn đề thảo luận tại Hội thảo Nhà trường - HSSV  và doanh nghiệp, với chủ đề “Hành trang giúp sinh viên tiếp cận thành công nhà tuyển dụng”do Trường Cao đẳng Nghề (CĐN) Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ vừa tổ chức.

* Nỗ lực chung

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐN Cần Thơ, trường được Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội (LĐ-TB&XH) xét chọn là một trong 26 trường trọng điểm đào tạo nghề chất lượng cao có cấp độ khu vực và quốc tế. Việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội rất quan trọng nhằm thay đổi tư duy và cách làm giáo dục hiệu quả hơn; đặc biệt trong điều kiện TP Cần Thơ đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ông Sơn nói: “Ngay từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng nhiều kế hoạch đưa sinh viên đến công ty và “đưa” trường học đến khu chế xuất, khu công nghiệp để nối dài hoạt động từ nhà trường ra thực tế. Từ kế hoạch đặt ra bước đầu, chúng tôi đã từng bước đưa hoạt động này vào chương trình đào tạo của các ngành đào tạo ở trường. Đến nay, hoạt động thực tập tốt nghiệp đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với sinh viên trước khi ra trường”. Trường CĐN Cần Thơ có nhiệm vụ đào tạo 3 bậc nghề (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề) và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm... Trường hiện có trên 2.300 HSSV ở các bậc, hệ đào tạo; 131 cán bộ, giảng viên (trong đó có 108 giảng viên); 100% giảng viên đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, với trên 20% giảng viên trình độ sau đại học.

Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, trong nội dung chương trình đào tạo ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề có khoảng 30% là phần “mềm”, 70% chương trình “cứng”. Tùy theo đặc thù, các trường phân bổ chương trình đào tạo phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Đối với các chương trình đào tạo nghề, tỷ lệ lý thuyết và thực hành là 30:70, điều này có nghĩa HSSV ở các trường nghề sẽ thực hành nhiều hơn so với học lý thuyết. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường CĐN Cần Thơ đã và đang đầu tư nguồn lực, phục vụ cho các nghề trọng điểm, như: đã cử 15 giáo viên đi đào tạo tại Malaysia năm 2012; 3 giáo viên dự khóa bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề cấp độ quốc tế tổ chức tại Việt Nam, do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Năm 2013, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trường đầu tư 3 tỉ đồng để đưa giáo viên đi học nước ngoài. Về trang thiết bị, năm 2013 và năm 2014, trường được đầu tư 59 tỉ đồng để bổ sung trang thiết bị thực hành, thực tập. Ngoài ra, trường còn đầu tư xây dựng các nhà xưởng như: hoàn thành xưởng điện công nghiệp; dự kiến cuối năm 2013, tiếp tục hoàn thành nhà xưởng 4 tầng và thư viện điện tử…

* Trang bị “hành trang” tìm việc

Mặc dù, Trường CĐN Cần Thơ đã có nỗ lực đầu tư nguồn lực nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng theo đánh giá của các đơn vị sử dụng lao động, HSSV tốt nghiệp từ các trường nghề vẫn còn thiếu kỹ năng “mềm” (tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, kiến thức xã hội…). Mới đây, tại Hội thảo Nhà trường - HSSV và doanh nghiệp, với chủ đề “Hành trang giúp sinh viên tiếp cận thành công nhà tuyển dụng” do Trường CĐN Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, các nhà tuyển dụng cho rằng, ngoài trình độ chuyên môn tay nghề, HSSV cần phải trang bị thêm kỹ năng “mềm” bổ sung “hành trang” tìm việc. Mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, đã đặt câu hỏi: “HSSV biết gì về Hiệp hội Doanh nghiệp? Doanh nghiệp là gì?”, rất ít HSSV trả lời.

Tại hội thảo, nhiều HSSV mong muốn các nhà sử dụng lao động chia sẻ kinh nghiệm tìm việc hiệu quả. Bạn Ngô Thanh Sơn, sinh viên Trường CĐN Cần Thơ, hỏi: “Sau khi tốt nghiệp ra trường, ngoài bằng cấp, công ty cần thêm điều kiện gì ở HSSV để có thể vào làm việc trong công ty”. Theo ông Nguyễn Quan Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần CII, để tìm được việc làm dễ dàng, ngoài tay nghề, HSSV phải chuẩn bị tốt về trình độ tay nghề, tức là HSSV phải trang bị cho mình kiến thức vững vàng và  bản thân đam mê, xác định mục tiêu nghề nghiệp và chịu khó làm việc. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, chia sẻ: “Khi tuyển dụng người lao động, công ty thành lập Hội đồng tuyển dụng để phỏng vấn, ngoài chuyên môn, yếu tố để chúng tôi tuyển chọn HSSV phải yêu nghề và muốn gắn bó lâu dài với nghề. Khi trúng tuyển, tùy từng vị trí làm việc mà công ty trả mức lương tương xứng. Các HSSV phải làm việc bằng chính sức lao động và tay nghề của mình”.

Theo các nhà sử dụng lao động, những người thành đạt trong cuộc sống, trình độ chuyên môn, bằng cấp hay chứng chỉ chiếm 25%, còn 75% còn lại do kỹ năng “mềm” quyết định. Thế nhưng, ở các trường đại học, cao đẳng, nghề, việc trang bị kỹ năng “mềm” cho HSSV chưa thể hiện rõ nét. HSSV học được kỹ năng “mềm”, thông qua quá trình trui rèn từ cuộc sống thực tế. Vài năm gần đây, nhiều trường đã đẩy mạnh các hoạt động Đoàn, Hội cũng như chuyến đi thực tế ở các doanh nghiệp, giúp HSSV có vốn kiến thức xã hội và trau dồi thêm khả năng giao tiếp. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Sơn nói: “Thông qua các hoạt động chuyên đề, hội thảo, tạo điều kiện để nhà trường - HSSV tiếp cận doanh nghiệp; qua đó, giúp trường định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và giúp sinh viên trang bị “hành trang”, để tìm việc thuận lợi hơn. Đối với doanh nghiệp, có được nguồn nhân lực đúng nhu cầu đơn vị, không phải mất công đào tạo bổ sung hay đào tạo lại”. Năm 2011, Trường CĐN Cần Thơ đã thành lập Phòng nghiên cứu khoa học - Quan hệ Doanh nghiệp, để tiếp tục tăng cường liên kết giữa trường với doanh nghiệp.

Rõ ràng, nếu có sự gắn kết chặt chẽ từ 3 phía: “nhà trường- HSSV và doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục, dạy nghề sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường nói chung và trường nghề nói riêng, hạn chế thấp nhất tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực.

Bài, ảnh: Bích Kiên

 

Chia sẻ bài viết