15/09/2014 - 19:52

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT CẦN THƠ

Nỗ lực thực hiện tốt chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ sở giáo dục đại học nói chung, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (CTEC) nói riêng là thực hiện tốt các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên (HSSV), nhất là HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, lãnh đạo CTEC thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp HSSV vượt qua khó khăn, học tốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của trường.

Bạn Trần Thị Cẩm Tú, quê ở tỉnh An Giang, sinh viên cao đẳng ngành Bảo vệ thực vật khóa 2011, cho biết: "Qua gần 3 năm học, tôi nhận thấy nơi đây không chỉ có môi trường sư phạm tốt mà thầy cô rất quan tâm, động viên đến HSSV. Bên cạnh đó, trường còn có nhiều chế độ chính sách dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, học tốt. Những HSSV đạt học lực từ loại khá trở lên, điểm rèn luyện tốt sẽ được nhận học bổng khuyến khích học tập, với mức từ trên 1,5 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng (tùy bậc học và học lực của HSSV)". 3 năm học qua, Tú đạt học lực loại Giỏi trở lên nên 5 lần nhận học bổng của trường và dành một phần học bổng đóng học phí, phần còn lại mua sắm dụng cụ học tập. Theo Cẩm Tú, tuy gia đình không thuộc hộ nghèo nhưng Tú phải nỗ lực rất nhiều để có thể tiếp tục việc học. Từ nhỏ, Cẩm Tú sống với bà nội, bởi cha mẹ Tú phải đi làm ăn xa ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Hằng tháng, cha mẹ Tú gởi tiền về để bà nội lo cho Tú ăn học.

Những suất học bổng khuyến khích học tập của trường đã góp phần tạo động lực giúp HSSV nỗ lực học tập tốt hơn. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Tương tự, bạn Võ Thanh Lâm, HS ngành trung cấp Kế toán khóa 13, quê ở tỉnh An Giang, cha Lâm làm thuê, mẹ quán xuyến việc nội trợ. Để có tiền cho hai chị em Lâm ăn học, cha mẹ Lâm phải cực khổ làm thuê, làm mướn. Chị Lâm tốt nghiệp đại học ngành Tài chính - Ngân hàng và đang đi làm. Hằng tháng, chị và anh bà con chu cấp cho Lâm khoảng một triệu đồng, Lâm phải gói ghém chi tiêu hằng ngày để cha mẹ đỡ lo. Lâm cho biết: "Tôi cố gắng học thật tốt để nhận học bổng khuyến khích học tập của trường. Năm học đầu tiên, nhận học bổng khuyến khích loại Giỏi (1,7 triệu đồng), tôi dành để đóng học phí và phần còn lại mua sắm dụng cụ học tập. Tôi được miễn phí chỗ ở và tham gia một số việc ở ký túc xá".

Không chỉ Cẩm Tú, Thanh Lâm mà nhiều HSSV khác có hoàn cảnh khó khăn đều được nhà trường hỗ trợ. Như việc cấp học bổng khuyến khích học tập cho HSSV, Trường phân bổ học bổng khuyến khích học tập theo chỉ tiêu 8% tổng số HSSV mỗi lớp học. Tính riêng học kỳ I năm học 2013-2014, trường chi trên 620 triệu đồng và dự kiến chi trên 700 triệu đồng trong học kỳ II cho học bổng này. Đối với HSSV người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh các chế độ, chính sách của Nhà nước, trường hỗ trợ tiền tàu, xe về quê ăn Tết. Năm 2013, Hội Khuyến học của trường vận động và chi trên 100 triệu đồng cho HSSV khó khăn. Ngoài ra, những HSSV khó khăn đang ở ký túc xá của trường có nhu cầu làm thêm để trang trải việc học, trường tạo điều kiện cho HSSV làm thẻ riêng để trình bảo vệ khu ký túc xá, có thể về trễ hơn thời gian quy định;… Theo thầy Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng phòng Công tác chính trị - HSSV, thực hiện Nghị định 74 (thay thế Nghị định 49 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân), trường thành lập hội đồng và xét đợt 1, giảm 100% học phí đối với 31 HSSV và 50% học phí đối với 20 HS trung cấp hệ 3 năm. Đồng thời, trường thực hiện nhanh các thủ tục hành chính (xác nhận HSSV đang học tại trường) để HSSV vay vốn tín dụng học tập của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Năm học 2013-2014, trường xác nhận trên 4.300 lượt HSSV. Thầy Thanh nhấn mạnh: "Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần để HSSV nói chung, HSSV khó khăn nói riêng có thể an tâm học tập, rèn luyện tốt".

Có thể nói, một trong những giải pháp để lãnh đạo CTEC thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là việc thực hiện tốt các chế độ chính sách cho HSSV, nhất là HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ những cách làm thiết thực trên, học kỳ I, năm học 2013-2014, trên 10,8% số SV bậc cao đẳng các khóa 2011, 2012 và 2013 đạt học lực loại Xuất sắc, Giỏi; trên 42% đạt loại khá; trên 13% học sinh trung cấp các khóa 2012, 2013 đạt học lực loại Giỏi, Khá… Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng CTEC, nhấn mạnh: "Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường quan tâm việc thực hiện chế độ, chính sách cho HSSV, xem đây là nhiệm vụ chính trị của trường. Nhà trường có nghĩa vụ đối với HSSV, còn HSSV được thụ hưởng các quyền lợi chính đáng. Sắp tới, trường tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được để HSSV không vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của trường".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết