09/07/2017 - 16:49

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng

Theo báo cáo của Chính phủ, tuy 6 tháng đầu năm tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành đổi mới, quyết liệt nên các chỉ số cơ bản của nền kinh tế đạt khá tốt. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát ở mức thấp; tăng trưởng phục hồi mạnh (quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,17%). Đây là sự tăng trưởng rất ngoạn mục, góp phần đưa GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,73%. Trong đó, khu vực I tăng 2,65%; khu vực II tăng 5,81% (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,52%); khu vực III tăng 6,85%.

Chuyển biến tích cực

Các ngành nông nghiệp và dịch vụ phục hồi mạnh, đặc biệt khách du lịch quốc tế tăng trên 30%, đưa Việt Nam đứng hàng thứ 6 trong 12 nước dẫn đầu thế giới về tăng trưởng du lịch. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, chứng khoán phù hợp với định hướng duy trì ổn định của Chính phủ, trong đó tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng khá, với 7,54% so cuối năm 2016. Đây là mức tăng cao so với 6 năm gần đây, thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế. Thu, chi Ngân sách nhà nước (NSNN) đáp ứng được tiến độ dự toán đề ra. 6 tháng đầu năm, tổng số thu khoảng 563,5 nghìn tỉ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ; tổng chi 582,965 nghìn tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, 6 tháng qua, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 674,8 nghìn tỉ đồng, bằng 32,8% GDP, tăng 10,5% so với cùng kỳ các năm từ 2013 đến 2016. Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong 6 tháng qua, với tổng số đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 19,2 tỉ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ. Trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút 9,48 tỉ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất...

Hồ Bún Xáng là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đang được tập trung thi công để hoàn thành vào cuối năm nay. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố thị sát công trình hồ Bún Xáng. Ảnh: Thiện Khiêm

Môi trường kinh doanh của tất cả các lĩnh vực từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp. Cả nước đã có thêm 61.300 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký khoảng 597 nghìn tỉ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp, tăng 39,4% về số vốn đăng ký hoạt động. Đây là mức tăng cao nhất từ năm 2014 trở lại đây.

Tháo gỡ khó khăn

Báo cáo tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, cho biết: Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm của TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,13%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 835,3 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Về đầu tư phát triển, 6 tháng qua, thành phố có tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội xấp xỉ 27.700 tỉ đồng, tăng trên 36%; giải ngân công trình xây dựng cơ bản được 2.014 tỉ đồng, đạt 51,3% kế hoạch năm. Thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 626 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 2.585 tỉ đồng, tăng cao so với cùng kỳ. Công tác thu, chi ngân sách đạt dự toán đề ra, ước tổng thu NSNN đạt 5.688 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ; tổng chi 4.972 tỉ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ... "Kết quả trên đã góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương..." – Chủ tịch Võ Thành Thống chia sẻ.

Công trình hồ Bún Xáng đang được tập trung thi công để hoàn thành trong năm 2017. Ảnh: Thiện Khiêm

Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Thống, để vùng ĐBSCL tăng trưởng và phát triển KT-XH bền vững thì Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, như: ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng kém hiệu quả, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất; sớm đầu tư và triển khai Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và hướng tới khởi công Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ trong giai đoạn 2016 -2020; sớm triển khai các giải pháp công trình, phi công trình để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông tại vùng ĐBSCL; quan tâm, hỗ trợ thực hiện Dự án khai thông kênh Quan Chánh Bố để các loại tàu biển từ 20.000 tấn trở lên ra vào các cảng trên sông Hậu, vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu; hỗ trợ dự án tuyến đường sắt cao cấp TP Hồ Chí Minh – TP Cần Thơ sớm triển khai thực hiện... Đây là những dự án quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng ĐBSCL.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiêm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của các địa phương và sớm xem xét giải quyết. 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng KT-XH đã đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Năm 2017, Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, chúng ta tăng trưởng đạt 5,73%, do đó 6 tháng cuối năm GDP của cả nước phải tăng trưởng 7,42%. Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở thực hiệt đạt mục tiêu này, bởi các ngành kinh tế đang đà phục hồi mạnh; các đánh giá tích cực của những tổ chức thế giới về nền kinh tế Việt Nam, từ nước có nền kinh tế ổn định sang nước có nền kinh tế tích cực, đổi mới sáng tạo. Nhưng, chúng ta không chủ quan, thỏa mãn mà phải duy trì thường xuyên, nỗ lực thực hiện...".

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết