02/05/2022 - 09:53

Nỗ lực giải quyết khó khăn khi dạy các môn năng khiếu lớp 10 

Để giải quyết việc thiếu giáo viên và phòng chức năng giảng dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật chương trình lớp 10 mới sẽ áp dụng vào năm học 2022-2023, ngành Giáo dục TP Cần Thơ có giải pháp linh hoạt vận dụng nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất từ các trường phổ thông. Các trường cũng đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới).

Một buổi học môn Âm nhạc của thầy trò Trường THCS Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều. Ảnh: B.NG

Một buổi học môn Âm nhạc của thầy trò Trường THCS Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều. Ảnh: B.NG

Trường THPT Vĩnh Thạnh hiện có 58 giáo viên các môn Ngữ Văn, Toán, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, nhóm môn Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội… Lực lượng giáo viên cơ bản đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT mới, nhưng vẫn còn thiếu ở một số môn Tiếng Anh, Kỹ thuật công nghiệp… đặc biệt chưa có giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Thầy Phạm Đức Quyền, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh, cho biết giải pháp là nhà trường hợp đồng với giáo viên dạy môn Tiếng Anh; còn với môn Mỹ thuật và Âm nhạc, nhà trường cũng hợp đồng với giáo viên có chuyên môn nếu học sinh có nguyện vọng.

Về cơ sở vật chất, Trường THPT Vĩnh Thạnh hiện chưa có phòng chức năng phục vụ cho bộ môn Âm Nhạc và Mỹ Thuật, trong khi một số phòng bộ môn và đa chức năng đã xuống cấp. Ban Giám hiệu trường đang rà soát, thống kê tình trạng phòng lớp, thiết bị dạy học hiện có; từ đó đề xuất đầu tư thêm để đảm bảo phục vụ cho Chương trình GDPT mới.

Các trường THPT khác trên địa bàn thành phố cũng gặp khó khăn trong việc giảng dạy bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật lớp 10 trong Chương trình GDPT mới. Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), trường cơ bản đảm bảo đội ngũ giáo viên giảng dạy các tổ hợp môn học Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ môn học Âm nhạc, Mỹ thuật nên khi xây dựng 16 tổ hợp lựa chọn môn học cho lớp 10 mới, trường chưa có 2 bộ môn này.

Còn tại Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết về cơ bản trường đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện giảng dạy Chương trình GDPT lớp 10 mới. Trường hiện có 90 giáo viên, trong đó có 1 nhà giáo trình độ tiến sĩ, 38 nhà giáo trình độ thạc sĩ, 51 nhà giáo trình độ đại học. Trường đã có danh sách dự kiến các giáo viên dạy các môn học lớp 10 năm học 2022-2023, cũng như chọn và cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng theo quyết định triệu tập của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố. Với môn Âm nhạc, Trường THPT Châu Văn Liêm đã có 1 giáo viên hoàn thành xong chương trình đào tạo Âm nhạc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh với trình độ đại học sư phạm. Tuy nhiên, trường sẽ thiếu giáo viên các bộ môn Mỹ thuật hay Ngoại ngữ 2 ngoài tiếng Pháp (Nhật, Hàn…), khi thực hiện chương trình GDPT mới. Đối với các môn học còn thiếu giáo viên, trường sẽ tìm nguồn, liên hệ giáo viên ký hợp đồng mời giảng và sẽ tuyển dụng thêm.

Hiện tại, phòng GD&ĐT các quận, huyện cũng đã tổ chức thống kê giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật đủ điều kiện để hỗ trợ tham gia giảng dạy chương trình GDPT lớp 10 mới. Rà soát lại trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật, qua đó các phòng GD&ĐT đề xuất linh động sử dụng trang thiết bị sẵn có tại các trường THCS trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT thành phố cũng yêu cầu các trường THCS hỗ trợ các trường THPT, tạo điều kiện cho giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia giảng dạy chương trình mới khi có nhu cầu.

Thầy Trương Thế Bảo, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, thông tin: Ngành đã chỉ đạo các trường THCS thuộc quận rà soát và thống kê số lượng giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất giảng dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật trên địa bàn. Hiện toàn quận có 17 giáo viên môn Âm nhạc và 18 giáo viên Mỹ thuật đủ các điều kiện tham gia giảng dạy chương trình GDPT lớp 10 mới. Phòng GD&ĐT quận đã lập danh sách giáo viên gửi về các trường THPT trên địa bàn quận và khu vực lân cận để hỗ trợ trong công tác tập huấn, chọn sách và giảng dạy Chương trình GDPT mới. Để hỗ trợ cho công tác định hướng lựa chọn tổ hợp môn trong tuyển sinh lớp 10, phòng còn chỉ đạo các trường THCS phối hợp tuyên truyền và hỗ trợ tối đa trong công tác tuyển sinh, định hướng học sinh để không gây biến động lớn.

*  *  *

Theo lộ trình Chương trình GDPT mới, năm học 2022-2023 sẽ thực hiện đối với các lớp: 3, 7 và lớp 10. Hiện nay, lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, các trường THPT tổ chức tập huấn thay sách, đôn đốc việc học tập, chuẩn bị các nội dung bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới. Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, để chuẩn bị đội ngũ đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT lớp 10 mới (nhất là bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật), sắp tới, ngành sẽ phối hợp với ngành chức năng rà soát các nghệ nhân văn hóa, nghệ thuật tại địa phương đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu, tham gia giảng dạy tại các trường THPT.

NGỌC TIẾN

Chia sẻ bài viết