11/01/2016 - 21:51

Nỗ lực đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân

Những năm gần đây, TP Cần Thơ đã tập trung quy hoạch phát triển nhà ở. Đồng thời, thành phố kêu gọi các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế triển khai nhiều dự án nhà ở thương mại, nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên... nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và phát triển mạnh mẽ đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương...

* Ưu tiên cho người thu nhập thấp

Cần tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cư dân thành phố.  

Theo Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai Chương trình phát triển nhà ở của địa phương, thực hiện theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phố đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ cơ bản đáp ứng nhà ở cho mọi đối tượng và hoàn thành việc xóa nhà ở đơn sơ; diện tích sàn bình quân đạt khoảng 25,5 m2/người, diện tích sàn của toàn thành phố tăng thêm 12,8 triệu m2 (khoảng 139.130 căn), quỹ đất phát triển nhà ở tập trung và phi tập trung khoảng 1.200ha; nguồn vốn đầu tư phát triển dự kiến khoảng 57.371 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 1% và còn lại là vốn tư nhân và vốn khác…

Kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở thành phố năm 2012-2015 cũng đạt được kết quả khả quan. Trong đó, Chương trình nhà ở sinh viên: Trên địa bàn thành phố có 32 trường đại học, cao đẳng và trung học (86.490 học sinh, sinh viên); qua khảo sát của các ngành chức năng thành phố có khoảng 19.200 sinh viên có nhu cầu. Đến nay, trên địa bàn thành phố xây dựng được 4 dự án, đáp ứng cho hơn 7.300 sinh viên đang học tập và lưu trú trên địa bàn. Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, công nhân trên địa bàn thành phố có khoảng 30.800 người, đang triển khai 2 dự án (do Công ty Cổ phần Hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ đầu tư), gồm 1.012 căn, dự kiến phục vụ cho hơn 6.000 người. Bên cạnh đó có nhiều doanh nghiệp tự mua đất để xây dựng nhà ở cho nhân viên và công nhân, giải quyết nhu cầu nhà ở cục bộ của các đơn vị. Chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp (nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ), nhu cầu nhà ở chỉ tính riêng đối tượng cán bộ, công chức viên chức, hưởng lương từ ngân sách nhà nước có thu nhập thấp, có nhu cầu được bố trí chỗ ở là có khoảng 7.200 người. Hiện nay đã đáp ứng được 822 căn gồm: 1 dự án nhà ở chung cư do Công ty Cổ phần Thương mại địa ốc Hồng Loan đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng với 288 căn hộ và 1 dự án nhà ở thương mại giá rẻ với 534 căn do Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ đầu tư, đã bàn giao nhà cho người mua. Ngoài ra, còn có 1 dự án nhà ở xã hội chung cư An Bình – Cần Thơ với quy mô 728 căn hộ (do Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng Đại Nam Sơn làm chủ đầu tư) đã được thành phố chấp thuận đầu tư…

Theo đánh giá của các ngành chức năng thành phố, mặc dù đã nỗ lực lớn nhưng việc đầu tư các chương trình xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương. Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn, ngân sách chỉ đầu tư được 3 dự án nhà ở sinh viên; trong khi vốn tư nhân chưa huy động được nhiều do không có quỹ đất sạch. Vì vậy, doanh nghiệp tự đứng ra bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc thỏa thuận với hộ dân. Ngoài ra, phương án thiết kế xây dựng nhà ở chưa đạt hiệu quả tối ưu dẫn đến giá thành dự án cao nên khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Việc cá nhân vay mua nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn hoặc không được xét duyệt cho vay do vướng mắc trong chứng minh thu nhập, nhất là công viên chức có hệ số lương thấp… TP Cần Thơ có vị trí và vai trò trung tâm của cả vùng ĐBSCL, giáo dục chuyên nghiệp và đại học không chỉ đào tạo riêng cho Cần Thơ mà là cho cả vùng. Do đó, TP Cần Thơ đã kiến nghị Bộ Xây dựng, các ngành Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn Trung ương để đầu tư xây dựng thêm các ký túc xá để đến năm 2020 đạt tỷ lệ tối thiểu 80% sinh viên có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

* Cần "gỡ khó" cho nhà ở xã hội

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, về thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố đã phê duyệt 38 dự án. Trong đó có 27 dự án kinh doanh nhà ở và khu đô thị mới đang triển khai thực hiện với tổng số nền là 26.762, diện tích hơn 3,57 triệu m2 và tổng số nhà 6.545 căn; còn lại 11 dự án bị thu hồi. Nhà ở, đất ở đã xây dựng xong chưa bán (đang tồn kho): đất nền làm nhà ở 9.178 nền, 617 căn hộ... Riêng về kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất để xây dựng và mua nhà ở (gói 30.000 tỉ đồng của Chính phủ), đến cuối tháng 9-2015 có 1 tổ chức và 309 cá nhân được vay, tổng dư nợ hơn 126,7 tỉ đồng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, một số doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư các dự án nhà ở xã hội và thương mại giá rẻ trên địa bàn thành phố, nhà xây dựng tiêu thụ hết do các dự án này nằm ở vị trí thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu nhiều đối tượng, các doanh nghiệp có khả năng về vốn. Để phát triển hơn nữa các dự án nhà ở xã hội, đối tượng vay gói 30.000 tỉ đồng nên mở rộng thêm đối tượng vay, không phân biệt đối tượng nông thôn hay thành thị. Đồng thời, các ngành chức năng thành phố nên thống kê, khảo sát lại nhu cầu nhà ở xã hội, từ cơ sở khảo sát có quy hoạch các dự án cho phù hợp...

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng kiến nghị "gỡ khó" để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Ông Trần Tiến Danh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, cho rằng: Thời gian qua, công ty gắn liền mật thiết với chính sách của Trung ương (gói 30.000 tỉ đồng), nhờ chính sách này công ty đã triển khai một số dự án tại TP Cần Thơ mang lại hiệu quả. Tới đây, doanh nghiệp mong muốn thành phố bố trí đất sạch; chính sách ưu tiên, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ; tập huấn, hướng dẫn về các chính sách nhà ở. Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị cho gia hạn thời gian vay đối với gói 30.000 tỉ đồng… Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, nhu cầu nhà ở xã hội tại TP Cần Thơ còn rất lớn. Do đó, đề nghị kéo dài thời gian được ưu đãi trong gói 30.000 tỉ đồng là rất cần thiết để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, thành phố rất quan tâm tạo đất sạch để phát triển nhà ở xã hội. Nhưng cũng có khó khăn là theo quy định của luật khi có dự án đầu tư mang tính khả thi mới đưa vào diện danh mục thu hồi đất được…

Mới đây, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã đến Cần Thơ khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, qua đó đề xuất với Chính phủ có các chính sách nhà ở phù hợp hơn trong thời gian tới. Ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, nhấn mạnh: Các chính sách nhà ở và thị trường bất động sản của Trung ương, Chính phủ để đi vào được thực tế địa bàn của TP Cần Thơ. Thành phố cần đánh giá, phân tích những mặt làm được, còn hạn chế và đưa ra các đề xuất cụ thể, phù hợp với đặc thù Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL và là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Gói 30.000 tỉ đồng, cho vay dư nợ còn thấp cần đẩy mạnh hơn. Các kiến nghị của doanh nghiệp thành phố rất tốt, nhất là mở rộng đối tượng vay mua nhà, đơn giản các thủ tục đối với các dự án nhà ở xã hội, phổ biến và tập huấn các chính sách về nhà ở…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết