22/03/2010 - 14:11

Công tác phòng chống tham nhũng

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, công tác PCTN đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, yếu kém nên tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là Nghị quyết 294A/2007/UBTVQH 12 về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về PCTN và nhiều quy định pháp luật về PCTN mới được ban hành, đang trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Xung quanh vấn đề này, Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Triển khai công tác PCTN BCĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua hội nghị này, Phóng viên Báo Cần Thơ xin lược ghi một số ý kiến của các đại biểu:

VĂN PHÒNG BCĐ CẤP TỈNH PHẢI THỂ HIỆN VAI TRÒ ĐẦU MỐI

 

Đồng chí Nguyễn Thế Bình, Vụ Trưởng Vụ Theo dõi việc xử lý một số vụ án và vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp: Có thể nói, công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng hết sức khó khăn, phức tạp, cần có sự tập trung chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy, của lãnh đạo các ngành, các cấp. Từ khó khăn đó, Đảng, Nhà nước đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện tổ chức các cơ quan PCTN; đã giao cho các cơ quan PCTN nhiệm vụ rất quan trọng và quyền hạn tương xứng để phục vụ cho hoạt động đấu tranh PCTN. Trong đó, BCĐ, Văn phòng BCĐ về PCTN đóng vai trò đặc biệt quan trọng là: chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng tại địa phương trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng.

Cơ quan giúp việc cho BCĐ thường xuyên thu thập, nghiên cứu các thông tin, tài liệu, báo cáo về các vụ việc, vụ án để hiểu và nắm bắt được bản chất của vụ việc, vụ án tham nhũng. Từ đó, đôn đốc hoạt động của các cơ quan chức năng đảm bảo chất lượng và tiến độ điều tra theo quy định của pháp luật. Tham mưu, đề xuất BCĐ chỉ đạo đảm bảo các yếu tố chính trị, pháp luật; tranh thủ được sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Cơ quan thường trực BCĐ phải thực hiện chức năng, đầu mối tổ chức các hoạt động phối hợp như: tổ chức giao ban định kỳ để thường xuyên nắm vững tiến độ điều tra, xử lý vụ việc, vụ án; họp liên ngành để thảo luận và tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc, vụ án; thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp nghiên cứu hồ sơ trong quá trình xử lý vụ việc; hoặc trong quá trình tiền tố tụng, các cơ quan tố tụng không nhất thiết chờ đến khi tiếp nhận hồ sơ mới chính thức nghiên cứu, nhằm giúp việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án được kịp thời, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương...

Trong thực tế đấu tranh chống tội phạm, hệ thống pháp luật không bao quát hết quá trình phát triển và những biến động của đời sống xã hội. Do đó, hoạt động phối hợp chính là việc tạo điều kiện để cơ quan và người tiến hành tố tụng nắm bắt nội dung sự việc nhanh, chính xác đầy đủ hơn, sớm đưa ra các quyết định đúng đắn. Muốn vậy, Văn phòng BCĐ cấp tỉnh phải thể hiện vai trò là đầu mối giúp phối hợp giữa các cơ quan chức năng về PCTN.

CẦN QUAN TÂM ĐẾN CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG BCĐ

 

Đồng chí Dương Thanh Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Cao Bằng về PCTN: Một xã hội văn minh lành mạnh sẽ công khai minh bạch mọi mặt, chắc chắn phòng ngừa được tham nhũng. Tuy nhiên, công tác này rất hạn chế, do đó cần đẩy mạnh công tác PCTN trong mọi hoạt động. Những cơ quan, cấp, ngành nếu có xảy ra tham nhũng thì bưng bít, không tội tình gì họ báo cáo tham nhũng của họ. Vì nếu báo cáo tham nhũng đương nhiên mất thành tích của cơ quan và còn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Riêng ở Cao Bằng, tất cả vấn đề đều phải đưa lên bàn nghị sự để bàn. Hoạt động của Thường trực BCĐ đạt yêu cầu thì phải có tổ chức tốt. Trong Nghị quyết 294A/2007/UBTVQH 12 còn nhiều vấn đề bất cập. Do đó, phải thống nhất cơ cấu tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, theo quy định Văn phòng BCĐ có 3 biên chế thì làm sao thành lập được văn phòng. Chúng tôi muốn thực hiện công việc cho tốt, nhưng không đủ nhân sự nên không thể làm được. Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng đề nghị trước tiên phải quan tâm đến cơ cấu tổ chức, nhân sự của Văn phòng BCĐ, mới có thể thực hiện tốt công tác.

ĐẨY MẠNH PHỐI HỢP ĐỂ PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG

 

Đồng chí Nguyễn Hùng Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo TP Cần Thơ về PCTN: Thời gian qua, BCĐ TP Cần Thơ về PCTN đẩy mạnh công tác phối hợp nên công tác phòng ngừa tham nhũng đã phát huy hiệu quả. BCĐ đã xây dựng quy chế phối hợp với hầu hết các cơ quan chức năng. Từ công tác phối hợp này các vụ việc khiếu nại tố cáo được giải quyết tốt. Qua tiếp nhận đơn tố cáo, BCĐ phát hiện tiêu cực, báo cáo UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra. Đơn tố cáo liên quan đến ngành nào, căn cứ vào quy chế phối hợp để dễ dàng xử lý. BCĐ đã xây dựng một đơn vị chuyên về phòng ngừa tham nhũng (quận Bình Thủy, mấy năm liền không xảy ra vụ việc tham nhũng), chọn 1 đơn vị chuyên phát hiện tham nhũng (huyện Phong Điền cho thanh tra, kiểm tra thường xuyên để phát hiện tham nhũng), chọn 1 đơn vị chuyên đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng (như Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ). Đề nghị Trung ương sớm có cơ chế chính sách bảo vệ người tố cáo, khen thưởng kịp thời và cho phép thành viên BCĐ xây dựng mạng lưới cộng tác viên chuyên cung cấp tin PCTN.

CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ TRONG XỬ LÝ THÔNG TIN TỐ CÁO

 

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh về PCTN: BCĐ có chức năng như thế nào, chúng ta nên làm đúng chức năng đó, không nên quá đà và cũng không nên làm hời hợt. Đề nghị Văn phòng BCĐ Trung ương nên có hướng dẫn công tác phối hợp giữa BCĐ cấp tỉnh với thường trực HĐND, Mặt trận Tổ quốc, UBKT tỉnh. Ngoài ra, trong tiếp nhận thông tin tố cáo hành vi tham nhũng, Văn phòng BCĐ Trung ương cần hướng dẫn cách nắm thông tin, nếu không có hướng dẫn cụ thể các BCĐ sẽ dễ bị rơi vào làm thay các cơ quan công an, UBKT và sẽ trở thành cơ quan tiếp nhận thông tin tố cáo. Đề nghị sửa đổi một số văn bản về công tác phòng ngừa tham nhũng không đúng với chức năng, nhiệm vụ của BCĐ như các Nghị định về chuyển đổi vị trí công tác, kê khai minh bạch tài sản... Thời gian đầu những nhiệm vụ này được giao cho thanh tra, đến khi có BCĐ PCTN thì cả BCĐ và thanh tra đều phải làm, chúng tôi đã có kiến nghị sửa đổi nhưng đến giờ vẫn chưa được điều chỉnh...

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC CUỘC KIỂM TRA PCTN

 

Đồng chí Nguyễn Văn Tiếp- Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác PCTN ở địa phương: Từ khi thành lập đến nay, BCĐ các tỉnh, thành phố đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN tại quận, huyện, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn. Hoạt động này đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực bước đầu trong công tác PCTN. Tuy nhiên, thời gian qua công tác này còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, như: thời gian để đơn vị được kiểm tra chuẩn bị còn ngắn, việc nắm tình hình địa phương được kiểm tra của văn phòng BCĐ để tham mưu cho các thành viên BCĐ trước khi kiểm tra chưa kỹ lưỡng, việc chuẩn bị báo cáo của các cơ quan chuyên môn ở địa phương còn sơ sài, chưa có tài liệu chứng minh, gây khó khăn cho việc đánh giá; thời gian tiến hành một cuộc kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, theo định kỳ thường ngắn nên nhiều vấn đề chưa được xem xét một cách thấu đáo. Trước khi tiến hành kiểm tra, cần thông báo cho đối tượng được kiểm tra về các vấn đề của cuộc kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị; yêu cầu đơn vị được kiểm tra cử đúng thành phần đi dự, chuẩn bị đầy đủ tài liệu phục vụ kiểm tra. Quá trình làm việc cần tập trung trao đổi những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những điểm yếu, hạn chế của địa phương để tháo gỡ. Cần có thời gian kiểm tra thực tế đối với một số nội dung của cuộc kiểm tra. Kết luận kiểm tra cần ngắn gọn, rõ việc, rõ trách nhiệm. Ngoài ra, cần theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra. Nếu có vấn đề cần phải xử lý tiếp thì phải có công văn chỉ đạo cho cơ quan liên quan để thực hiện (thanh tra, kiểm tra, điều tra...).

Tuy là các cuộc kiểm tra, đôn đốc của BCĐ, nhưng Văn phòng BCĐ phải đóng vai trò chủ động, là lực lượng chủ yếu trong các khâu của quá trình kiểm tra, đôn đốc để các cuộc kiểm tra, đôn đốc của BCĐ mới thật sự có hiệu quả.

SƠN HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết