Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, thời gian qua, phần lớn đội ngũ y, bác sĩ đã và đang công tác trong ngành y tế thành phố luôn phấn đấu học tập, trau dồi chuyên môn, y đức. Tuy mỗi người đảm đương những vai trò, nhiệm vụ khác nhau nhưng ở họ có chung lòng say mê, tâm huyết với nghề và tận tụy chăm sóc sức khỏe nhân dân
Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi đã gặp gỡ một số gương mặt trong nhiều cán bộ y tế tâm huyết
 |
Bác sĩ Lưu Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều. |
1. Gần 20 năm công tác trong ngành y, với hơn 15 năm phục vụ ở lĩnh vực y tế công cộng, bác sĩ Lưu Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều, luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ và cố gắng vận dụng, đúc kết trong suốt quá trình công tác. Theo anh, cán bộ làm công tác y tế dự phòng không chỉ yêu nghề, nhiệt tình mà còn phải luôn gắn bó với cơ sở... Bác sĩ Việt bộc bạch: “Công việc của chúng tôi nhìn bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản, hiệu quả thường không cụ thể, nhưng lại là công việc nhiều vất vả, nguy hiểm. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là làm sao không để dịch bệnh lớn xảy ra trên diện rộng...”.
Gần ba năm qua, ở cương vị Giám đốc, bác sĩ Việt không chỉ gương mẫu trong các phong trào, dành nhiều thời gian tổ chức, triển khai có hiệu quả các mặt công tác, anh còn tranh thủ mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới trang, thiết bị để phục vụ cộng đồng ngày một tốt hơn... Anh cũng luôn quan tâm, động viên các đồng nghiệp phấn đấu rèn luyện, trau dồi chuyên môn, y đức và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Cá nhân bác sĩ Việt đã đăng ký thực hiện, nghiệm thu 4 đề tài cấp cơ sở. Hiện nay, anh đang thực hiện đề tài “Kiến thức của chủ cơ sở về pháp luật về An toàn thực phẩm”. Theo anh, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá lại thực trạng, đề tài nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người dân... Với sự nỗ lực của tập thể trung tâm, đứng đầu là bác sĩ Việt, những năm qua, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong công tác chủ động phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh lớn trên địa bàn và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2010, Trung tâm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các chương trình, công tác đều đạt trên 94%. Nhiều năm liền, bác sĩ Việt được tập thể bình chọn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhận Bằng khen của Bộ Y tế, UBND TP Cần Thơ; đồng thời được Quận ủy Ninh Kiều tặng Huy hiệu Bác Hồ năm 2010.
 |
Bác sĩ Vương Ngọc Hải, Trưởng khoa Khám-Dược-Cận lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ. |
2. Tốt nghiệp Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 1989, bác sĩ Vương Ngọc Hải có hơn 10 năm công tác tại chuyên khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ (tỉnh Cần Thơ trước đây). Đến năm 2000, do hoàn cảnh gia đình, anh xin chuyển công tác về Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ. Hiện bác sĩ Hải đang giữ chức vụ Trưởng khoa Khám-Dược- Cận lâm sàng. Chia sẻ về những khó khăn, bỡ ngỡ khi về nhận nhiệm vụ mới, bác sĩ Hải bộc bạch: “Đối tượng bệnh nhân của tôi đã khác nên tâm lý tiếp xúc cũng phải thay đổi cho phù hợp. Bên cạnh nỗ lực bổ sung kiến thức chuyên môn, học tập kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước, tôi còn phải học cách giải thích, trấn an người nhà bệnh nhân và cả cách đương đầu và vượt qua những tình huống kích động của bệnh nhân diễn ra hàng ngày...”. Với lòng yêu nghề, cầu thị học hỏi, tinh thần tận tụy trong công việc, bác sĩ Hải đã nhanh chóng được đồng nghiệp, bệnh nhân và thân nhân người bệnh tín nhiệm, yêu mến. Cũng với mong muốn nâng cao hiệu quả điều trị, nên dù công việc khá bận rộn nhưng anh cố gắng sắp xếp thời gian lên TP Hồ Chí Minh học chuyên khoa cấp I về chuyên ngành Tâm thần.
Có chứng kiến cảnh bác sĩ Hải khám bệnh, ân cần trò chuyện với bệnh nhân mới hiểu được những khó khăn, vất vả của công việc và tấm lòng yêu nghề, yêu thương con người của người thầy thuốc. Chị Cao Thị Mỹ Kiều, quê ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, có gần 4 năm túc trực nuôi em gái bị bệnh đang điều trị tại bệnh viện, tâm sự: “Các bác sĩ ở đây đều rất tốt, tận tâm với công việc. Đối với bác sĩ Hải, mọi người đều quý mến. Bác sĩ luôn gần gũi, quan tâm, nhiệt tình chữa trị cho các bệnh nhân...”. Còn với bác sĩ Hải, không gì vui cho bằng việc những bệnh nhân của anh sau khi khỏi bệnh về nhà, tìm được công việc làm ổn định, thỉnh thoảng vẫn đến thăm, cảm ơn... Đó chính là động lực giúp anh vượt qua những khó khăn, thử thách để càng thêm yêu và gắn bó hơn với công việc của mình.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn là khám, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, bác sĩ Hải còn là giám định viên của Hội đồng Giám định Y khoa TP Cần Thơ và Trung tâm Pháp y thành phố. Anh cũng nhiệt tình hướng dẫn thực tế cho các sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ tìm hiểu về chuyên ngành tâm thần...
 |
y sĩ đông y Nguyễn Hồng Đắc, Phó trưởng Trạm Y tế xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. |
3. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em ở xã Thới An Đông, nay là phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, tuổi thơ của y sĩ đông y Nguyễn Hồng Đắc, Phó trưởng Trạm Y tế xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, từng trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hình ảnh bà con lao động nghèo ở quê anh vất vả chèo chống ghe xuồng đi khám bệnh thật xa luôn khiến anh trăn trở và quyết định khăn gói lên TP Hồ Chí Minh học về Y học dân tộc, để trở về quê trị bệnh cho bà con... Anh Đắc tâm sự: “Trong trường, chúng tôi được đào tạo để chữa trị đông-tây y kết hợp. Nhưng càng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực đông y, tôi thấy yêu thích và gắn bó đến bây giờ”. Cũng theo anh Đắc, tây y thích hợp điều trị đối với những bệnh cấp, đông y thích hợp điều trị bệnh mãn tính, vừa ít có tác dụng phụ, chi phí điều trị khá rẻ, người bệnh có thể tận dụng những cây thuốc nam sẵn có quanh vườn nhà.
Chấp hành sự phân công, điều động của Sở Y tế, anh đã trải qua nhiều địa bàn công tác khác nhau, nhưng dù ở vai trò, vị trí công việc nào, anh Đắc cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đồng nghiệp, bệnh nhân tin cậy, quý mến. Bác sĩ Nguyễn Văn Liêm, Trưởng Trạm Y tế xã Giai Xuân, cho biết: “Anh Đắc là một trong những cán bộ nhiệt tình, yêu nghề, luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Anh cất công sưu tầm, cải tạo “Vườn thuốc nam”, với hơn 50 cây thuốc nam thông dụng”. Để giúp bà con nhận dạng và hiểu rõ hơn về công dụng của từng cây thuốc nam, anh Đắc đề xuất làm những tấm bảng ghi đầy đủ tên, thành phần, công dụng... của từng cây thuốc. Anh dự định sẽ tiếp tục cải tạo, lát gạch quanh các lối đi và trồng những cây thuốc trong chậu, để tạo mỹ quan và thuận tiện cho người dân đến tham quan, tìm hiểu...
Không chỉ phụ trách công tác khám chữa trị bằng phương pháp đông y, với vai trò là Phó Trạm y tế xã, anh Đắc còn chủ động tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm.
Lòng yêu nghề, sự tận tụy chăm sóc sức khỏe nhân dân, cùng những nỗ lực đóng góp thầm lặng trong nhiều năm của bao thầy thuốc tâm huyết như bác sĩ Việt, bác sĩ Hải, y sĩ Đắc... thật đáng trân trọng.
QUỲNH LAM