27/03/2009 - 08:31

Những giải pháp ngăn ngừa suy giảm kinh tế của các nước trên thế giới và Việt Nam

Ngày 26-3, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “ Những giải pháp ngăn ngừa suy giảm kinh tế của các nước trên thế giới và Việt Nam”.

Chủ trì Hội thảo đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nêu rõ: Cuộc khủng khoảng tài chính - tiền tệ bắt nguồn từ Mỹ đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu đến suy thoái kinh tế ở nhiều nước và đã kéo dài hơn 1 năm nhưng “độ sâu” của nó vẫn chưa xác định được. Cùng với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực của cuộc khủng khoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, thể hiện rõ nét nhất trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư nước ngoài, tài chính tiền tệ, an sinh xã hội và việc làm. Để ứng phó với tình hình này, thực hiện các chủ trương của Trung ương và Quốc hội, đầu tháng 12-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Đi sâu phân tích những tác động của cuộc khủng khoảng tài chính thế giới, nhiều đại biểu nhận định: Tác động đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa lường hết được vì khủng khoảng đang tiếp diễn. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam có thể trầm trọng hơn trong bối cảnh hoạt động ngân hàng, tài chính diễn ra sôi động nhưng kèm theo nhiều rủi ro.

Từ việc xem xét các chính sách kích cầu của các nước trên thế giới và chính sách vừa qua của nước ta, TS Nguyễn Hữu Từ, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị: cần thống nhất nguyên tắc kết hợp giữa tăng cầu đầu tư nhà nước với tăng cầu tiêu dùng dân cư và giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường để xây dựng và điều hành chính sách. Xem xét các giải pháp giảm khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam theo hướng thị trường hơn, lựa chọn lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực có thể giải quyết việc làm, không hỗ trợ đồng loạt và phi thị trường. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng đầu tư hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp; thực hiện tốt hơn các chính sách liên quan đến cải cách hành chính, cắt giảm các khoản phí cho doanh nghiệp. Nhà nước xem xét đến điều chỉnh cơ cấu kinh tế; tăng đầu tư cho khu vực giáo dục, y tế. Đặc biệt cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ người nông dân thông qua việc cấp các khoản tín dụng để đổi mới công nghệ khu vực nông thôn, tín dụng cho tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua khuyến khích tiêu dùng của nhân dân để hướng tiêu dùng của người dân vào hàng Việt Nam. Để các chính sách đi vào cuộc sống và hiệu quả cao, cần phải tiến hành linh hoạt và triển khai nghiêm túc, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Phân tích nền kinh tế Việt Nam trong cơn bão tài chính 2008-2009, TS Vương Hoàng Quân cho rằng: Trong thời kỳ biến động kinh tế, sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp lãnh đạo cao nhất, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, chức năng và sự hỗ trợ tích cực của hệ thống truyền thông là yếu tố then chốt để bình ổn thị trường. Công tác dự báo và nghiên cứu khoa học ứng dụng trong điều hành vĩ mô phải được làm tốt. TS Nguyễn Xuân Kiên (Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương) đề nghị cần đổi mới phương thức điều hành, quản lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết