03/05/2008 - 09:50

Những điều cần biết về bệnh hen phế quản

Hình ảnh phế quản bị viêm. Nguồn: drgreene.org

Hen phế quản là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới, ước tính có đến 11%-12% danh sách các nước mắc hen phế quản ở các nước phát triển và đang phát triển. Trong 2-3 thập kỷ qua, tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở trẻ em. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc hen phế quản chiếm khoảng 5% dân số. Tuy không điều trị khỏi hoàn toàn nhưng người mắc hen phế quản có thể có cuộc sống bình thường như bao người khác, nếu biết cách phòng ngừa và điều trị bệnh đúng cách.

Hen phế quản là bệnh viêm mãn tính của đường thở, gây khò khè, khó thở, tức ngực, ho tái đi tái lại. Bệnh thường xảy ra về đêm hoặc sáng sớm. Hen phế quản là bệnh có thể xảy ra cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng. Hen phế quản không lây nhưng có tính di truyền nên nhiều trường hợp cùng một gia đình có nhiều người mắc bệnh. Bệnh hen phế quản thường được chẩn đoán nhanh chóng dựa trên các triệu chứng như là khó thở, khò khè, ho, nặng ngực thành cơn, các triệu chứng này thường xuất hiện từng đợt sau khi tiếp xúc dị nguyên, khi thay đổi mùa, trong gia đình có người bị hen phế quản...

Hình ảnh phế quản bị co thắt làm giảm thông khí phổi trong bệnh hen phế quản.

Có nhiều yếu tố gây khởi phát cơn hen phế quản, như: thú có lông, khói thuốc, khói củi, bụi trên giường gối, bụi khi quét nhà, mùi và hơi xịt nồng, phấn hoa, thời tiết, cảm cúm, chơi thể thao và lao động nặng... Tuy không chữa khỏi hẳn nhưng có thể khống chế được bệnh hen phế quản bằng cách: tránh xa những gì có thể làm cơn hen phế quản khởi phát; sử dụng thuốc hen phế quản đúng như bác sĩ chỉ dẫn; tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Đa số bệnh nhân hen phế quản cần hai loại thuốc: thuốc cắt cơn và thuốc ngừa cơn. Thuốc cắt cơn được dùng khi cơn hen phế quản khởi phát (ho, khò khè, nặng ngực, thức giấc về đêm, mệt); chơi thể thao và lao động nặng. Riêng thuốc ngừa cơn được dùng hàng ngày, kéo dài, liều giảm dần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu điều trị đúng phương pháp, người bệnh có thể kiểm soát hen được. Tức là bệnh nhân hoàn toàn có thể sống một cuộc sống bình thường, không có triệu chứng hàng ngày, không cần dùng thuốc cắt cơn, không có cơn kịch phát, không thức giấc ban đêm, chức năng phổi bình thường... Tuy nhiên để đạt được kiểm soát hen phế quản tốt cần thiết lập mối quan hệ đồng hành giữa bác sĩ và bệnh nhân. Theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh tự quản lý bệnh hen phế quản, tự nhận biết và giảm yếu tố nguy cơ, dùng thuốc theo hướng dẫn và tái khám đúng hẹn.

Như vậy, việc dùng thuốc cắt cơn và thuốc ngừa cơn lâu ngày có hại không? Nhiều người nhầm tưởng dùng hai loại thuốc trên lâu ngày, ít nhiều bị tác dụng phụ của thuốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, người bệnh nên hiểu đủ, hiểu đúng về hai loại thuốc trên. Chẳng hạn, dùng thuốc cắt cơn và thuốc ngừa cơn dạng xịt rất an toàn. Người bệnh dùng lâu dài nhưng không gây mập, không gây mục xương, không gây đau bao tử... Quan trọng là người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh hen phế quản.

Chúng ta nên phòng ngừa hen phế quản, nhất là với những trẻ con. Khi trong gia đình có người bị hen phế quản. Bạn có thể phòng tránh cho con bạn không mắc bệnh bằng cách: Khi có thai bạn không được hút thuốc lá; không cho trẻ chơi với thú; giữ giường ngủ sạch, gọn, không ẩm mốc.

BS TRẦN NHẬT QUANG

(Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ)

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PAL TẠI TP CẦN THƠ

    Tại TP Cần Thơ, 6 tháng cuối năm 2008, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ sẽ triển khai áp dụng chiến lược PAL (trong Chương trình chống lao Quốc gia), nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề các bệnh hô hấp hay gặp như: lao phổi, viêm hô hấp cấp (ARI) chủ yếu là viêm phổi, hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Phương châm của PAL (Pratical Approach to lung health) là lồng ghép việc quản lý ca bệnh hô hấp ở tuyến cơ sở bằng hai con đường tiếp cận là: Chuẩn hóa qui trình chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp và điều phối hoạt động giữa các tuyến y tế từ cơ sở đến trung ương.

    Để chiến lược PAL thành công, chúng ta cần phải có một chương trình chống lao đủ mạnh, thực hiện DOTS (điều trị lao ngắn ngày trực tiếp có kiểm soát) thành công; có một chính sách xây dựng và củng cố hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt; có sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp. Đồng thời, cán bộ từ trung ương đến địa phương phải có chuyên môn và tích cực hợp tác cao. Những yếu tố trên tại TP Cần Thơ đều hội tụ đủ. Tuy nhiên, do điều kiện nhân sự và trang thiết bị ở tuyến cơ sở còn thiếu nên cần tập trung triển khai thí điểm tại một số quận, huyện trọng điểm để chiến lược PAL hoàn thành.

BS NGUYỄN THỊ THANH NHÀN

(Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết