10/03/2014 - 19:42

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014

Những điểm mới

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cơ bản “chốt” lại những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Ghi nhận tại các trường ĐH, CĐ ở TP Cần Thơ, việc tuyển sinh vẫn chưa có nhiều thay đổi so với năm 2013. Tuy nhiên, những điểm mới mà Bộ GD&ĐT ban hành có tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ quản lý giáo dục và học sinh?

* Vẫn giữ “3 chung”

Theo PGS.TS Đặng Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành một số điểm mới. Một trong nhiều điểm mới đáng quan tâm là giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Nếu có nguyện vọng tuyển sinh riêng, trường cần xây dựng dự án và trình Bộ GD&ĐT phê duyệt, tiến hành tổ chức kỳ thi riêng; còn nếu chưa được Bộ duyệt hoặc chưa có phương án thi riêng, trường tuyển sinh theo phương thức thi “3 chung” như các năm trước. Điểm mới nữa là Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn, thay vào đó là thành lập Hội đồng tư vấn giúp Bộ GD&ĐT, nhằm xác định mức điểm tối thiểu để xét tuyển nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường.

Học sinh nêu thắc mắc về điểm mới tuyển sinh năm 2014 tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2014
tổ chức Trường ĐH Cần Thơ.  

Ghi nhận tại các cơ sở giáo dục ở TP Cần Thơ, như: ĐH Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ… vẫn tuyển sinh như những năm trước. Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết: “Đây là năm thứ 2, trường tuyển sinh bậc ĐH chính quy, do chưa có đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi riêng nên cơ bản vẫn như năm trước. Song, điểm mới năm nay, trường vừa tổ chức thi tuyển, vừa xét tuyển nguyện vọng 2 của thí sinh. Trường tổ chức thi tuyển theo “3 chung” của Bộ GD&ĐT, dưới sự hỗ trợ của Trường ĐH Cần Thơ trong tiếp nhận, sao in đề thi, cán bộ coi thi, chấm thi… Sau khi xét những thí sinh thi tuyển, nếu như còn chỉ tiêu, trường tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 2. Đây là những thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường, đã dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT”. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Năm nay, ở bậc cao đẳng, trường dựa vào điểm xét tuyển theo từng chuyên ngành học; tuyển sinh theo hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đã dự thi ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT”.

* Thí sinh thận trọng hơn

Năm nay, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có nhiều điểm mới. Song, theo dự đoán của cán bộ quản lý giáo dục các trường, nguồn tuyển sinh sẽ không biến động nhiều. Tuy nhiên, điều băn khoăn là chuẩn để xét tuyển “đầu vào” các trường sẽ ra sao, bởi Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm sàn? Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2014 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ đầu tháng 3, nhiều học sinh các trường THPT khu vực ĐBSCL thắc mắc: Năm nay, nếu Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn thì thi bao nhiêu điểm sẽ trúng tuyển? Việc xác định điểm đầu vào như thế nào? Theo PGS.TS Đặng Quang Việt, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có quyết định chính thức về việc bỏ hay không bỏ điểm sàn. PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Mặc dù chưa có quyết định chính thức từ Bộ GD&ĐT về bỏ điểm sàn, nhưng qua trao đổi về chuyên môn, cách tính đầu vào không thay đổi so với điểm sàn. Nghĩa là, thí sinh dự thi 3 môn và điểm từng môn thi phải đạt mức trên trung bình mới có thể trúng tuyển. Tùy theo từng trường, xác định ngưỡng đầu vào tối thiểu để các em có thể học tốt bậc ĐH”.

Bên cạnh điểm mới về thi tuyển sinh, PGS.TS Đặng Quang Việt cho biết thêm: Năm nay, thí sinh cần lưu ý về phân chia khu vực tuyển sinh và đối tượng ưu tiên tuyển sinh. Khu vực 1 chỉ tính thí sinh những xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trong Quyết định số 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đối tượng ưu tiên cũng thay đổi theo quyết định trên. Nghĩa là, chỉ có học sinh trong khu vực 1 mới hưởng đối tượng 1. Hằng năm, học sinh dân tộc Khmer là đối tượng ưu tiên nhưng năm 2014, học sinh dân tộc Khmer các xã nghèo thuộc Quyết định số 539/QĐ-TTg mới được hưởng ưu tiên.

Nhiều năm qua, các trường, các tổ chức chính trị - xã hội rất quan tâm công tác tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh cho học sinh. Qua đó, giúp nhiều học sinh Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung cân nhắc hơn khi lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bạn Lê Tấn Tài, học sinh Trường THPT Tầm Vu 2 (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Học lực của em chỉ trung bình - khá, điều kiện kinh tế gia đình mức trung nông nên em tìm hiểu các ngành học của trường quân đội”. Còn bạn Huỳnh Mỹ Diễm, học sinh Trường THPT Lương Định Của (tỉnh Sóc Trăng), cho rằng: “Em học giỏi môn Ngoại ngữ và muốn tìm hiểu ngành Hợp tác quốc tế khác với ngành Quốc tế học ra sao để chọn lựa cho phù hợp”. Theo cán bộ quản lý giáo dục ở các trường, nhìn chung năm nay, việc chọn lựa ngành nghề của thí sinh có sự chuyển biến rõ nét hơn. Bằng chứng là, những học sinh dù rất thích học y - dược nhưng vẫn không dám chọn vì học lực trung bình. Hay theo dự báo của chuyên gia kinh tế, nhân lực ở lĩnh vực này đang có xu hướng “thừa người, ít việc” nên các học sinh ít quan tâm khi được tư vấn về ngành này. Phần lớn, học sinh thiên về các ngành lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, du lịch, quân đội…

Cùng với sự thay đổi trong tuyển sinh ĐH, CĐ, nhận thức của học sinh, phụ huynh về chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế có chuyển biến khá tốt. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý giáo dục, nhiều phụ huynh, học sinh còn tâm lý chọn nghề theo kiểu “nhất y, nhì dược…”, nên đòi hỏi sự vào cuộc hơn nữa của nhà trường và tổ chức chính trị- xã hội. Bên cạnh đó, khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, đòi hỏi khâu quản lý phải đảm bảo minh bạch, chất lượng, điều xã hội đang kỳ vọng.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết