08/11/2015 - 09:07

PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH

Những bước chuyển thời công nghệ

Hơn 50 năm trước, nghệ thuật thứ bảy và phê bình luôn song hành với nhau. Thời đó, những bài bình phim của giới phê bình được xem là chuẩn mực giúp nhà sản xuất biết phim của họ hay ở chỗ nào và yếu chỗ nào để rút kinh nghiệm cho các phim tiếp theo; đồng thời, giúp khán giả biết giá trị thực của bộ phim, từ đó nâng cao hiểu biết về điện ảnh... Tuy nhiên, ngày nay, quan niệm đó dần thay đổi.

Phê bình phim thời công nghệ

Trước đây, phê bình phim ảnh được chia ra hai dạng. Thứ nhất là dạng học thuật (tiên phong có nhà phê bình André Bazin, Jean-Luc Godard) chủ yếu phê bình về kỹ thuật và thông điệp ngầm của bộ phim. Thứ hai là dạng đại chúng do các "cây bút" của các tạp chí điện ảnh nổi tiếng (Pauline Kael, Roger Ebert, Derek Malcolm, Michael Phillips…) phê bình theo góc nhìn của khán giả, chỉ ra những ưu và khuyết của một tác phẩm để khán giả lựa chọn nên hoặc không nên xem. Với sự phát triển của internet, các trang phát hành phim trên mạng đã đa dạng hóa quan điểm phê bình đối với phim ảnh. Đặc biệt, trong bối cảnh phim thị trường đang nở rộ, sự phân chia trong giới phê bình càng phức tạp.

Theo giới phê bình điện ảnh, phim ảnh nên có chiều sâu về nội dung và thông qua đó, truyền tải thông điệp sâu xa đến công chúng, giống như các phim "Boyhood", "Citizen Kane", "Carol", "12 Years A Salve", "Son of Saul"... Nhưng thực tế, rất ít khán giả- người bỏ tiền mua vé, đến rạp- nghĩ đến những triết lý sâu xa của bộ phim mà chỉ đơn thuần là họ muốn giải trí.

"Khẩu vị" của khán giả và giới phê bình đối lập nhau. Giới phê bình hướng tới những thước phim tinh tế, còn khán giả thì chỉ cần những màn hành động mãn nhãn, kỹ xảo sắc nét. Vì vậy, hàng loạt "bom tấn" ("Transformers", "James Bond", "Impossible", "Avengers"…) dù bị giới phê bình chê tả tơi, nhưng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. "Transformers" ngoài những màn rượt đuổi ngoạn mục, kỹ xảo CGI thì nội dung phim chẳng truyền tải thông điệp sâu xa gì. Dẫu vậy, siêu phẩm này vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả và doanh thu mang về cao gấp 3-4 lần kinh phí đầu tư. Phần mới nhất "Transformers: Age of Extinction" (2014) thu về khoảng 1 tỉ USD. Giới phê bình học thuật cho rằng "Transformers" không đáng xem, nhưng giới báo chí thì cho rằng phim gần với thị hiếu khán giả. Cây bút Roger Ebert thừa nhận việc xem phim là trải nghiệm chủ quan, và một bài phê bình cũng cần phải đứng ở góc độ khán giả.

 “Everest” đang nhận những phản hồi tích cực của khán giả và giới phê bình.

Nhiều năm qua, các nhà phê bình học thuật có vẻ hứng thú với dòng phim độc lập, nghệ thuật, ít kinh phí và luôn chỉ trích những phim "bom tấn" thu hút khán giả. Điều đó vô tình tạo nên cuộc đối đầu không hồi kết và nhà phê bình trở nên lạc lõng với phần lớn độc giả của họ, dù lời phê bình có xuất sắc đến đâu. Khi internet và mạng xã hội phát triển, khoảng cách đánh giá nghệ thuật giữa giới phê bình và khán giả ngày càng rộng hơn.

Internet phản ánh xác thực hơn thị hiếu của khán giả đại chúng vì có nhiều trang cá nhân: blog, facebook, twitter… dành cho khán giả đánh giá và bày tỏ quan điểm của mình. Doanh thu của một bộ phim có thể bị chi phối bởi luồng phê bình này. "Frozen" là một điển hình, sự tương tác từ mạng trực tuyến, xã hội đã góp phần đưa doanh thu của phim lên đến 1,2 tỉ USD. Nhà làm truyền thông điện ảnh Charles McDonald cho rằng mạng xã hội có thể được coi như một kênh phê bình phim. Dẫu vậy, tính xác thực của sự "phê bình" khiến nhiều người lo ngại. Nhà phê bình phim kỳ cựu Barry Norman cho rằng: "Internet ở đó, có hàng triệu người đưa lên ý kiến, bạn chả biết họ là ai, bao nhiêu tuổi, đã xem bao nhiêu phim. Nói thật, họ không đáng tin".

Sự lo lắng của Barry Norman là có cơ sở, bởi internet đã tạo nên xu hướng phê bình mới, xuất hiện nhiều trang trực tuyến phê bình phim như: Rotten Tomatoes, Metacritic… lưu trữ các nhận xét, các điểm số tạo thành hệ thống đo lường so sánh khách quan tổng hợp trên tất cả ý kiến, bình luận của nhiều mgười. Nhưng vấn đề là nhiều khán giả quan tâm điểm số hơn nội dung nhận xét, bỏ qua các bài phân tích đầy đủ.

Một vấn đề nữa, ngày nay đánh giá một tác phẩm trước ngày công chiếu thực sự không hề dễ dàng. Bởi quá trình quảng bá, các nhà sản xuất đều đưa ra những tình tiết, nút thắt hấp dẫn để chiêu dụ khán giả. Thêm vào đó, các nhà phê bình đang trở thành lực lượng viết quảng cáo thuê cho các hãng phim. Vì vậy, chất lượng phê bình điện ảnh thực sự đang khiến người ta trăn trở.

Phê bình đại chúng tạo nên xu hướng phim ảnh?

Không thể phủ nhận giá trị của các bài phê bình từ giới theo học thuật và cả đại chúng. Phê bình- hay còn gọi là phản biện- là chất xúc tác để phim ảnh nâng chất tác phẩm. So với trước kia, số lượng tác phẩm vừa được khen ngợi về mặt nghệ thuật vừa ăn khách tăng hơn. Nếu trước kia, mỗi mùa phim chỉ có từ 2-3 tác phẩm may mắn nhận được tán thưởng đồng nhất từ hai phía- giới phê bình chuyên môn và khán giả, thì khoảng ba năm trở lại đây, số lượng này đã tăng gần gấp đôi. Điều thay đổi đáng kể chính là nhà phê bình và khán giả đều không kén chọn thể loại. Các dòng phim tiểu sử, chính trị, đậm chất nghệ thuật như: "Lincoln", "Gravity", "12 Years A Salve", "Carol", "Everest"… vốn được giới chuyên môn ưa chuộng đang dần lôi kéo được khán giả đến rạp và những "bom tấn" thị trường như: "The Lord of The Ring", "The Dark Knight", "Avatar", "Birdman", "Fast & Furious 7", "Jurassic World", "Mad Max: Fury Road"… cũng khiến giới phê bình phải nhìn nhận bằng "đôi mắt xanh". Thậm chí, không ít "bom tấn" thị trường từng giành chiến thắng Oscar như: "The Dark Knight", "Avatar", "Birdman"…

Ngày nay, với sự phát triển mạnh của công nghệ, việc chăm chút cho một tác phẩm về nội dung lẫn kỹ xảo luôn là điều các nhà làm phim quan tâm. Yếu tố hàng đầu của các nhà làm phim không còn là giải thưởng hay chiều lòng giới phê bình như trước kia, mà mục tiêu chính của họ là khán giả thông qua sự tương tác từ các trang mạng xã hội. Việc này làm thay đổi một số nguyên tắc trong phê bình. Một vài tác phẩm trước khi công chiếu chính thức ngoài rạp sẽ có buổi chiếu giới thiệu tại các liên hoan phim. Dư luận về phim từ các nhà phê bình, khán giả tại các kỳ liên hoan sẽ nhanh chóng lan truyền trên các mạng trực tuyến, xã hội, các báo mạng Variety, The Hollywoodreporter, Times, The New Yorker… tạo nên mặt bằng phê bình tổng thể cho tác phẩm. Tác phẩm được nhắc đến nhiều chưa hẳn đã hay nhưng gợi tò mò và gây chú ý, có thể giúp phim lôi kéo khán giả đến rạp, thậm chí chiến thắng các giải thưởng điện ảnh. Như cách chia sẻ khôi hài của Dargis, cây bút của tờ Times, thành công của tác phẩm bây giờ lệ thuộc ít nhiều vào tâm lý đám đông và không ít các nhà phê bình cũng lệ thuộc vào những "phê bình" nghiệp dư kiểu này.

Có một điều không thể phủ nhận, phê bình đại chúng đang là xu hướng phù hợp trong nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, tạo nên sự gắn kết, tác động qua lại giữa phim- khán giả- các nhà phê bình.

ÁI LAM (Tổng hợp từ Newyorker, screenrant)

Hai nhà phê bình phim xuất sắc quốc tế

Jean– Luc Godard: người đứng bên lề danh vọng

 

Nhà làm phim kiêm phê bình Pháp Jean– Luc Godard là một trong những người đặt nền móng cho "Làn sóng mới"- trào lưu của các nhà làm phim trẻ châu Âu trong thập kỷ 1950 và 1960, phá bỏ đi những nguyên tắc bảo thủ.

Từ những năm 1950, Jean–Luc Godard bắt đầu sự nghiệp phê bình phim, song hành với quá trình làm phim. Jean– Luc Godard khá thẳng thắn trong cách nhận xét, đặc biệt chú trọng đến các ngôn ngữ, kỹ thuật dựng phim. Ngôn ngữ bình luận của Jean –Luc Godard rất sáng tạo và phong phú. Còn đối với sự nghiệp làm phim, ông có hơn 70 tác phẩm với phong cách đậm chất nghệ thuật Pháp, tinh tế và sâu sắc. Tạp chí Sight & Sound của Viện phim Anh từng bình chọn ông ở vị trí thứ ba trong tốp 10 đạo diễn xuất sắc nhất mọi thời đại. Jean– Luc Godard nổi tiếng với các phim kinh điển như: "Breathless", "Contempt", "Weekend"…

Jean –Luc Godard được Hollywood săn đón, nhưng ông không ngần ngại khước từ mọi thứ, kể cả các giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Jean –Luc Godard chính là người truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn tài năng sau này: Martin Scorsese, Quentin Tarantino, Robert Altman, Wong Kar-wai, Bernardo Bertolucci…

Roger Ebert: cây "đại thụ" của giới phê bình điện ảnh đại chúng

 

Roger Ebert là nhà phê bình phim người Mỹ nổi tiếng. Ông là nhà phê bình phim duy nhất từng đoạt giải Pulitzer (1975), cũng là nhà phê bình duy nhất được gắn sao trên Đại lộ danh vọng (2005).

Roger Ebert bắt đầu sự nghiệp phê bình từ năm 1967, được biết đến với phong cách tinh tế, sắc bén và kiến thức uyên thâm. Roger Ebert cũng là một trong những nhà phê bình cá tính tiên phong theo phong cách phê bình đại chúng. Không giống các nhà phê bình đương thời, Roger Ebert chỉ tập trung phê bình ở vài thể loại phim: tiểu sử, chính trị, thảm họa. Roger Ebert rất được giới phê bình, nhà làm phim ở Mỹ kính nể. Họ thường gọi ông là "nhà phê bình nổi tiếng nhất tại Mỹ". Trong suốt sự nghiệp, Roger Ebert đã viết hơn 20 cuốn sách, phê bình hơn 10.000 bộ phim.

MINH NHIÊN (Tổng hợp từ guardian, hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết