19/02/2011 - 21:11

Những "anh hùng SBC"

Anh Thành chuẩn bị một ngày đi thu gom chuột.

Những ngày đầu năm mới Tân Mão 2011, chúng tôi có dịp về vùng Tứ giác Long Xuyên. Sau những ngày đón Tết, người dân bắt tay vào lao động sản xuất, nhất là chăm lo cho vụ lúa đông xuân sắp tới. Bà con vùng này xem đây là vụ lúa chính trong năm nên không thể lơ là. Bởi lẽ, vùng này bây giờ người dân không còn sợ sâu rầy phá hại bằng loài chuột. Chuột vùng này nhiều vô kể, do vùng đất mới, hơn nữa diện tích đất hoang hóa vẫn còn nhiều nên cũng là điều kiện để chúng sinh sôi.

Đi dọc các địa bàn xã Bình Giang, huyện Hòn Đất; Bình Trị, Kiên Bình, huyện Kiên Lương; Phú Mỹ, Phú Lợi, Vĩnh Điều... huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang), nhìn màu xanh của lúa đông xuân đang kỳ trổ đòng, người nông dân nơi đây phấn khởi nhưng canh cánh nỗi lo chuột đồng phá hoại. Ngoài việc dùng bạt ni lông bao bọc, đặt bẫy..., người dân còn sử dụng các loại thuốc diệt chuột, nhưng bấy nhiêu vẫn diệt không xuể lũ chuột tai hại. Cũng vì vậy, người làm nghề săn bắt chuột được xem như cứu tinh ở vùng này, người dân ở đây thường gọi vui là “anh hùng SBC”.

Đang lom khom chuẩn bị đồ nghề cho một ngày đi đặt bẫy, anh Khôn, quê tỉnh An Giang, cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán 2011, tôi cùng một số anh em qua các xã thuộc huyện Hòn Đất và Kiên Lương để đặt bẫy chuột trong những ruộng lúa của người dân sau sạ khoảng 1 tháng để kiếm tiền lo mua sắm đồ Tết cho con. Chuột ở đây rất nhiều, nên chúng tôi thường di chuyển bằng chiếc ghe chở 4 người để đi lại cho tiện. Mỗi sáng khi có “chiến lợi phẩm” chúng tôi chỉ cần ra đầu các kênh là có người chuyên mua gom chuột để chở đi bán cho các quán nhậu, nên không lo không có nơi tiêu thụ”. Theo anh Khôn, nhóm của anh gồm 4 người đều quê ở An Giang qua để làm nghề này, mỗi đêm đi đặt bẫy chuột (bằng lồng) trung bình thu về từ 30-40 kg chuột. Với giá bán ra từ 20-25 ngàn đồng/kg, thu nhập một đêm chia đều cho 4 người cũng được kha khá mà công việc không nặng nhọc lắm.

Tuy nhiên, theo anh Bi và anh Mách cùng nhóm với anh Khôn, lúc đầu các anh đi săn bắt chuột ở một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Do di chuyển bằng chiếc ghe cồng kềnh, nên lúc mới đến bà con cũng nhìn các anh bằng cặp mắt dè chừng, bởi họ không tin là các anh đi diệt chuột, mà nghi là... trộm. Vì tại đây dường như nhà nào làm ruộng cũng có nhiều “chiêu” để bắt chuột nhưng cũng phải bó tay với tốc độ sinh sôi của chúng. Đặc biệt, nếu dùng thuốc thì chỉ một vài con chết là chúng tản đi hoặc không ăn bã chuột nữa; nếu đặt bẫy thì cũng chỉ bắt được vài con trong một đêm. Thế nhưng, khi chứng kiến tận mắt các anh bắt nhiều chuột trong một đêm thì mọi nghi ngờ của bà con tan biến. Lúc này, nhiều bà con ở địa phương còn thết đãi gà, vịt để được các anh đến ruộng lúa mình đặt bẫy. Ông Từ Hùng Tâm, ngụ ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, bộc bạch: “Lúc đầu tôi cũng nghĩ là mấy em này làm sao mà đến đây chỉ để sống bằng nghề bắt chuột, vì chúng tôi làm hết cách nhưng một đêm cũng chỉ bắt được vài con. Thế nhưng, tận mắt chứng kiến mới thấy họ hay thật, một đêm bắt mấy trăm con chuột làm cho bà con ở đây thật hả hê. Tôi nể mấy tay săn chuột này nên mời đến đãi con vịt xiêm với mấy lít rượu đế để thưởng công”. Còn anh Nguyễn Phước Thành, ngụ ấp Rạch Đùng, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, cho biết: “Do vùng này đất đai nhiều, một số nơi còn hoang hóa và các dãy núi cũng nhiều nên chuột có điều kiện sinh sôi. Cũng vì vậy, bà con nông dân làm ruộng ở đây sợ nhất là chuột phá hoại mùa màng”.

Đi dọc các xã biên giới Phú Lợi, Tân Khánh Hòa, Vĩnh Điều..., huyện Giang Thành, ruộng lúa của bà con cũng đến kỳ sắp trổ đòng, đây là lúc chuột “khoái” ăn lúa nhất, nhưng cũng nhờ có những “anh hùng SBC” như anh Khôn, anh Bi... mà ruộng lúa của bà con được bảo vệ. Đồng chí Phạm Thanh Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Điều, cho biết: “Trước đây, có thời gian xã phát động mua lại đuôi chuột để khuyến khích nông dân bắt chuột. Giờ cũng nhờ những người săn bắt chuột chuyên nghiệp từ An Giang qua tình hình chuột phá hoại mùa màng đã được cải thiện đáng kể. Vì vậy, chính quyền địa phương và bà con rất hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để họ đi bẫy chuột”. Đồng chí Trương Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lợi, nói: “Trên địa bàn xã giờ chuột giảm hẳn so với trước, bà con cũng an tâm lao động, sản xuất. Nhớ vài năm trước đây, mỗi khi lũ về chuột leo lên các cây tràm đeo muốn gãy, bắt ăn không hết còn phải làm khô”.

Ngoài những người săn bắt chuột như anh Khôn, anh Bi, anh Mách... cũng nhờ có những người chuyên thu mua chuột chở đi tiêu thụ đã góp phần giảm đáng kể số lượng chuột phá hoại mùa màng. Anh Thành, cũng là người An Giang, mỗi sáng sớm từ huyện Thoại Sơn chạy dọc theo tuyến quốc lộ 80 từ huyện Hòn Đất đến huyện Kiên Lương để thu mua chuột, cho biết: “Tôi hành nghề này gần 3 năm nay, mỗi ngày tôi thu gom khoảng 100kg chuột chở qua TP Cần Thơ tiêu thụ ở các quán nhậu. Nếu chỉ riêng mình tôi, thì tính ra mấy năm nay cũng chở mấy tấn chuột ở vùng này đem đi tiêu thụ nơi khác”. Theo anh Thành, ngoài anh ra, hằng ngày còn có các anh Tiến, Minh, Sang, Lực... cũng hành ngề thu gom chuột dọc các tuyến huyện biên giới Giang Thành, thị xã Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, các anh tự phân chia mỗi người đi một hướng để thu mua chuột, mỗi ngày trung bình có khoảng 1 tấn chuột được thu mua.

Săn bắt chuột không chỉ giúp các anh trang trải cuộc sống mà còn góp phần tạo nên những vụ mùa bội thu ở cánh đồng vùng tứ giác Long Xuyên.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết