06/08/2015 - 20:15

NHÓM SINH VIÊN CHẾ TẠO MÁY DỆT LỌP TỰ ĐỘNG

Cuối tháng 6-2015, nhóm 3 sinh viên của Khoa Công nghệ (Trường Đại học Cần Thơ), gồm: Bùi Thanh Phong, Huỳnh Trung Kiên và Nguyễn Minh Dụng đã xuất sắc vào vòng chung kết cuộc thi Holcim Prize năm 2015 và đạt giải Phát triển cộng đồng với đề tài: "Chế tạo máy dệt tự động cho làng nghề đan lọp tép xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp". Đề tài của nhóm sinh viên thực hiện được đánh giá cao bởi những lợi ích thiết thực cộng đồng, nâng cao năng suất lao động, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững…

Hỏi ý tưởng nghiên cứu chế tạo máy dệt lọp tự động, Trưởng nhóm thực hiện đề tài Bùi Thanh Phong – sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động, chia sẻ: "Gia đình em quê ở xã Hòa Long, sống bằng nghề thu mua lọp tép của bà con địa phương rồi phân phối đi khác vùng khác. Người dân chủ yếu làm thủ công nên quá trình dệt thân lọp tốn nhiều thời gian, năng suất lại không cao". Vì vậy, đầu năm 2014, khi trường phát động sinh viên đăng ký nghiên cứu khoa học, Phong cùng với 2 người bạn là Huỳnh Trung Kiên, học cùng lớp và Nguyễn Minh Dụng, sinh viên ngành Cơ khí chế tạo máy đăng ký thực hiện đề tài. Dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Võ Minh Trí, Trưởng Bộ môn Tự động hóa (Khoa Công nghệ), nhóm sinh viên cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu đề tài. Cuối tháng 12-2014, nhóm báo cáo nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và được thầy cô đánh giá loại xuất sắc. Đề tài cũng đạt giải Ba Giải thưởng nghiên cứu khoa học trẻ Đại học Cần Thơ năm 2015 dành cho sinh viên. Từ kết quả đạt được, nhóm tiếp tục cải tiến và tham gia cuộc thi Holcim Prize và xuất sắc vào vòng chung kết toàn quốc, kết quả đề tài đạt giải Phát triển cộng đồng.

Nhóm sinh viên Trường Đại Cần Thơ đạt giải Phát triển cộng đồng Giải thưởng Holcim Prize 2015. Ảnh: CTV 

Nhớ lại những thời gian đầu thực hiện đề tài, Phong kể mình gặp nhiều khó khăn. Bởi để chế tạo máy dệt lọp tự động không chỉ đòi hỏi Phong phải có kiến thức vững về chuyên ngành kỹ thuật điều khiển, tự động, mà còn ở lĩnh vực cơ khí – chế tạo máy. Rất may mắn Phong có người bạn học ngành này khá tốt – đó là Nguyễn Minh Dụng, thế là Phong "rủ" bạn tham gia thực hiện đề tài. Nhờ sự hợp sức của cả 3 sinh viên, chỉ sau 5 tháng nghiên cứu, nhóm đã chế đạo được máy đan lọp tự động, hoạt động đúng nguyên lý. Cụ thể, máy gồm các bộ phận cấp nang, bộ phận chứa dây và đánh xoắn dây, bộ phận giữ nang và đánh dây dệt. Đối với bộ phận cấp nang có chức năng tự động rút nang và phóng vào khung dệt, nhóm đã phải dày công thử nghiệm nhiều lần để đảm bảo mỗi lần phải rút được một thanh nang và bắn đúng vào vị trí khung dệt. Dù vậy, trong quá trình dệt, những sản phẩm ban đầu còn thưa, không đẹp và bền chắc như sản phẩm thủ công. Không bằng lòng với kết quả nghiên cứu, nhóm tiếp tục họp bàn cách khắc phục, nhờ vậy máy chế tạo lọp tự động ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo Phong, để làm ra "mình dệt" bằng phương pháp thủ công cần 2 người lao động, một người đưa nang, một người đánh dây và dập nang. Hai người lao động có thể làm ra từ 60 đến 80 sản phẩm mỗi ngày, với thu nhập 1.000 đồng/mình lọp, như vậy mỗi ngày tổng thu nhập 2 người cộng lại cao nhất là 80.000 đồng. Có thể thấy việc sản xuất thủ công khiến bà con mất nhiều thời gian, sức khỏe, năng suất thấp dẫn đến thu nhập bấp bênh. So với hiệu suất hoạt động của máy dệt lọp tự động do nhóm sinh viên nghiên cứu ra rõ ràng máy có nhiều ưu điểm nổi bật. Cụ thể, năng suất có thể đạt 20 sản phẩm/giờ, rút ngắn thời gian sản xuất gấp 5 lần so với làm thủ công, giải phóng lao động chân tay, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó góp phần phát triển làng nghề và kinh tế ở vùng nông thôn. Ngoài ra máy còn áp dụng vào dệt mành tre, trúc để treo cửa sổ hoặc các mành tre – trúc dùng để viết thư pháp trang trí…

Còn với Huỳnh Trung Kiên, sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động, quá trình tham gia thực hiện đề tài giúp Kiên học được phương pháp nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng thuyết trình, cách thực hiện bài báo cáo khoa học hoặc khả năng lập luận, cách trình bày vấn đề nghiên cứu sao cho hấp dẫn, thuyết phục… Đó là những kỹ năng mềm bổ ích cho các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp sau này. Trong nhóm 3 bạn trẻ trên, có 2 sinh viên (Huỳnh Trung Kiên và Bùi Thanh Phong) đã bảo vệ thành công luận văn và đang chờ nhận bằng tốt nghiệp. Huỳnh Trung Kiên đang tham gia khóa đào tạo nhân sự của Công ty TNHH xi măng Holcim Việt Nam. Cả 3 bạn trẻ trên đều mong muốn đề tài nhóm dày công nghiên cứu sẽ sớm được áp dụng rộng rãi vào sản xuất…

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết