Bài cuối: Giải pháp nào để giáo dục mầm non phát triển?
|
Bà Lâm Thị Tuyết, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đón cháu đi học về. |
Thành quả nổi bật nhất của phổ cập giáo dục mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi ở ĐBSCL đến thời điểm này không phải chỉ là số phòng học được xây mới hay tuyển được bao nhiêu giáo viên mà chính là ý thức của người dân về việc chăm lo cho trẻ học ở bậc học này. Từ sự đồng thuận đó, rất cần thêm những chính sách đột phá để giáo dục MN phát triển hơn nữa trong thời gian tới
* Nâng cao nhận thức của người dân
Chị Lâm Thị Tuyết ở ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đón các cháu đi học về, nói: “Đây là cháu ngoại tôi học ở Trường Mầm non Hướng Dương, còn hai đứa này là con người hàng xóm nhờ tôi rước về giùm. Hôm nào mình không đi rước cháu được thì nhờ hàng xóm rước lại. Mấy đứa này không chịu nghỉ học ngày nào đâu. Với lại về nhà, các cháu dạn dĩ, ngoan hơn và hay ca hát nên nhà nào cũng muốn cho con cháu học mẫu giáo”. Về xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang vào dịp tan học, chúng tôi thấy nhiều chiếc ghe, chiếc xuồng đến rước trẻ đi học về. Chị Lê Hồng Thắm, ấp Trường Bình, xã Trường Long A, nói: “Con gái tôi tên Lê Quỳnh Hương, học Mẫu giáo ở Trường Mẫu giáo Trường Long A. Ngày trước, mình không đi học được. Giờ hai vợ chồng làm thuê làm mướn cũng gắng cho con đi học”. Có cùng suy nghĩ như trên, bà Danh Thị Dậy, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nói: “Trước đây, vợ chồng tôi không quan tâm đến chuyện học của con nên bây giờ đứa nào không được học tụi nó khổ lắm. Vì vậy, vợ chồng tôi cho đứa cháu ngoại đi học từ lớp mầm để tiến cho bằng bạn bè”.
Hình ảnh phụ huynh bơi xuồng, chèo ghe, chạy xe, dắt bộ
đưa trẻ đi học mẫu giáo ở vùng sâu, xa của vùng ĐBSCL không còn hiếm nữa. Hơn 10 năm trước những hình ảnh ấy thật khó tìm ở ĐBSCL bởi nhiều phụ huynh chưa quan tâm cho con em đi học mẫu giáo. Ngoài nguyên nhân mất thời gian đưa rước, hầu hết các gia đình đều nhờ ông, bà quá sức lao động ở nhà trông coi hộ. Đến khi trẻ đủ tuổi vào lớp 1 sẽ cho cháu vào học luôn. Bây giờ, suy nghĩ của phụ huynh đã khác, nhất là khi phụ khuynh nhận thấy trẻ dạn dĩ, lễ phép hơn khi được đi học. Nhà này thấy chuyện cho trẻ học MN là có ích nên nhà kia làm theo, công tác vận động trẻ ra lớp cũng dễ dàng hơn. Bà Đào Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Nhiều phụ huynh ở Trà Vinh còn nghèo nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc huy động trẻ học bán trú hoặc 2 buổi/ngày. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đề nghị phụ huynh ở xã Tập Sơn, huyện Trà Cú mang cơm theo cho các cháu học cả ngày, khỏi phải đưa rước. Phụ huynh đã nhiệt tình hưởng ứng. Mô hình này đang được triển khai ở nhiều nơi trong tỉnh”.
Theo thống kê bước đầu của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp ở ĐBSCL đạt tỷ lệ khá cao, nhiều nơi đạt trên 80%... Cô Tăng Thị Ngọc Mai, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, khẳng định: “Phụ huynh rất muốn cho con đến trường nhưng quan trọng là mình có đủ phòng học, đủ giáo viên để nhận các cháu không”.
* Để phát triển bền vững
Do trước đây, bậc học MN chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên cơ sở vật chất trường lớp của bậc học chắp vá. Vì vậy, khi thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, mỗi tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần xây dựng hàng chục trường mới theo hướng đạt chuẩn với kinh phí nhiều tỉ đồng. Với tình hình kinh tế như hiện nay, đây là điều cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, không thể để cái khó làm giảm tiến độ phổ cập, các tỉnh thành đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục MN, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để thực hiện phổ cập ở bậc học này. Chẳng hạn, năm 2011, TP Cần Thơ đã dành 100 tỉ đồng từ nguồn kinh phí cơ bản, xổ số kiến thiết để xây dựng nhiều trường, MN, mẫu giáo trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục. Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ đã vận động hỗ trợ 45 tỉ đồng để xây dựng 4 trường MN: MN Sơn Ca (Bình Thủy), MN thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền), MN Xuân Thắng (huyện Thới Lai và Mẫu giáo An Bình (quận Ninh Kiều) và vừa khởi công xây dựng MN Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh) với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên theo bà Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nếu không có sự đột phá trong đầu tư cho giáo dục nói chung và giáo dục MN nói riêng thì sẽ khó đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, khẳng định: “Cái khó nhất hiện nay khi thực hiện đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi ở Trà Vinh vẫn là thiếu kinh phí. Thiếu kinh phí để xây dựng trường, trang bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ và để hỗ trợ thêm cho giáo viên nhằm thu hút người giỏi cho bậc học này”.
Thời gian qua, ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL phối hợp với các trường sư phạm mở hàng loạt lớp chuẩn hóa, chuyên tu và xuống tận các huyện để chiêu sinh mở các lớp trung cấp sư phạm MN. Về cơ bản, lực lượng giáo sinh này sẽ từng bước lấp đầy khoảng thiếu hụt hằng năm khi các trường vận động trẻ ra lớp. Tuy nhiên, việc giữ được giáo viên MN hay thu hút được người giỏi, tâm huyết vào bậc học này là nan giải. Vì vậy, ngay sau khi Bộ GD&ĐT triển khai Thông tư số 48 về việc quy định chế độ làm việc cho giáo viên MN, một số tỉnh, thành đã xây dựng kế hoạch và xin ý kiến Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thực hiện. Theo đó, ngoài thời gian làm việc theo qui định, thời gian dư, giáo viên MN sẽ được qui đổi. Theo ông Nguyễn Văn Tươi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, đầu năm học 2012-2013, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện quy định làm việc 40 giờ/ tuần của Nhà nước, số giờ còn lại của giáo viên MN sẽ được kê qui mô theo Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT. Một số tỉnh, thành khác cũng đang trình HĐND xem xét thực hiện thông tư này
Đây là tín hiệu rất vui cho giáo viên MN.
Nhìn lại quá trình phổ cập còn lo lắng nhiều lắm bởi thời hạn kết thúc đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi đã gần kề. Nếu không có giải pháp đột phá mà đợi “nước đến chân”, phải đẩy nhanh tiến độ về xây dựng cơ sở vật chất, về đào tạo con người để đạt chỉ tiêu phổ cập đề ra liệu có đảm bảo chất lượng? Cái lo lớn nhất không phải chỉ là lo đạt chuẩn phổ cập MN mà là chất lượng của phổ cập giáo dục MN, vì đây là nền tảng để các em vững vàng ở các bậc học tiếp theo.
Bài, ảnh: HÀ THANH