04/01/2016 - 21:13

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NĂM 2016

Nhiều tín hiệu lạc quan

Mặc dù chịu rất nhiều ảnh hưởng từ yếu tố khách quan trên thế giới trong năm qua như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD, Trung Quốc phá giá đồng Nhân Dân Tệ, giá dầu tiếp tục sụt giảm mạnh... Tuy nhiên TTCK Việt Nam năm 2015 vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Khởi sắc

Phiên giao dịch ngày 31-12 kết thúc năm 2015 đã khép lại với chỉ số VN-Index giảm 0,45 điểm, đạt mức 579 điểm, tăng 34 điểm (6,2%) so với hồi đầu năm. Trong phiên cuối cùng của năm 2015 này, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng lên đến 321 tỉ đồng, đưa tổng khối lượng mua ròng của khối này trên 2 sàn chính thức cả năm 2015 là 3.215 tỉ đồng, mặc dù ở các TTCK mới nổi khác đa phần bị khối này rút vốn ròng do lãi suất đồng USD tăng giá. Trong những ngày cuối năm 2015 sàn giao dịch Upcom đã chứng kiến một cuộc giao dịch kỷ lục đó là khớp lệnh trực tiếp trên sàn Upcom tới 122 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) được Bộ Công Thương thoái vốn. Điều bất ngờ là với số lượng cổ phiếu bán kỷ lục như vậy nhưng chỉ trong vòng 20 phút đã có nhà đầu tư mua hết. Giá bán trung bình khoảng 18.000đồng/một cổ phiếu đã thu về cho ngân sách khoảng 2.200 tỉ đồng. Đây thực sự là các bước chạy nước rút ngoạn mục để cán đích của TTCK cuối năm.

Ngoài ra, trong năm 2015 TTCK cũng chứng kiến hàng loạt vụ IPO lớn nhỏ và tiếp nhận hàng chục doanh nghiệp niêm yết mới trên 2 sàn giao dịch chính thức HOSE và HNX. Trong đó ngành giao thông vận tải là ngành có nhiều doanh nghiệp IPO và niêm yết nhất trong năm 2015 như Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đây là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất được IPO thành công trong năm 2015 với giá đấu thầu thành công là 14.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 10-12-2015 vừa qua.

Rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống còn T+2 là kỳ vọng lớn nhất của Nhà đầu tư trong năm 2016. Đồ họa: VNDirect

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp Chính phủ trực tuyến ngày 28-12 là năm qua đã có sự khởi sắc của TTCK. Quy mô giao dịch bình quân thị trường là 4.960 tỉ đồng/phiên. Vốn hóa thị trường tăng 15% so với cuối năm 2014, tương đương 34% GDP. Tính cả trái phiếu, quy mô của thị trường là 57% GDP. Trên sàn giao dịch Upcom cũng tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp niêm yết mới và thanh khoản. Tổng giá trị huy động vốn năm 2015 đạt 283.000 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Sự thành công trong năm qua của TTCK Việt Nam có vai trò rất quan trọng của cơ quan quản lý với hàng loạt chính sách được đưa ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn. Có thể kể đến những chính sách quan trọng nhất đã và đang tác động tới TTCK Việt Nam trong năm 2015 như: Tăng biên độ giá trên sàn giao dịch Upcom từ 10% lên 15% từ ngày 1-7-2015; Ban hành Thông tư 200 về thay đổi chuẩn mực kế toán doanh nghiệp giúp doanh nghiệp niêm yết ngày càng minh bạch hơn và tiệm cận với chuẩn mực kế toán của thế giới, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết; Ban hành Thông tư 180 hướng dẫn giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết; Thông tư 36 định hướng lại dòng tiền trên các thị trường tiền tệ và thị trường vốn cũng có tác động giúp TTCK ổn định hơn về lâu dài; Nghị định 60 về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100%; Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ cũng tạo ra một không khí hào hứng khi nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội nắm giữ cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt này, nhất là các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra như VNM, FPT, BMP...

Kỳ vọng ở năm 2016

Tin vui đã đến với Nhà đầu tư chứng khoán khi những ngày cuối tháng 12-2015 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên TTCK. Nội dung Thông tư 203 có nhiều bước cải tiến về giao dịch so với Thông tư 74 trước đây. Cụ thể như: rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ từ 8 giờ ngày T+3 xuống còn 16 giờ ngày T+2 và được áp dụng ngay từ ngày 1-1-2016; cho phép giao dịch vừa mua vừa bán cùng một loại cổ phiếu trong cùng lúc cùng tài khoản và cho phép bán cổ phiếu chờ về cũng sẽ được áp dụng từ ngày 1-7-2016. Ngoài ra, Thông tư còn quy định kiểm soát chặt chẽ việc giao dịch cổ phiếu quỹ như buộc phải có đặt lệnh mua/bán cổ phiếu trong thời gian đăng ký mua/bán; cấm việc doanh nghiệp, tổ chức niêm yết đưa ra mức giá dự kiến mua, dự kiến bán cổ phiếu quỹ để hạn chế tối đa việc làm giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tổ chức niêm yết. Đây là thông tư được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng nhất trong hơn 4 năm qua và cũng tiến dần tới để bắt kịp với quy trình giao dịch của chứng khoán thế giới.

Việc rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ từ T+3 về T+2 về mặt giao dịch cổ phiếu thì nó không có lợi gì cho nhà đầu tư vì lúc 16 giờ là lúc đã kết thúc phiên giao dịch nên nhà đầu tư cũng không thể bán được cổ phiếu trong ngày T+2. Tuy nhiên, về mặt tiền thanh toán thì nhà đầu tư sẽ được lợi một ngày, nhất là những nhà đầu tư dùng margin nó sẽ giảm được 1 ngày lãi vay. Tương tự, việc vừa mua, vừa bán cổ phiếu trong phiên và việc được phép bán chứng khoán chờ về (T+0) sẽ được áp dụng cho nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 và HNX30 trước. Việc cho phép bán cổ phiếu chờ về cũng buộc các công ty chứng khoán phải có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa đầy đủ hơn và công ty chứng khoán sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm thanh toán bù trừ, kế đến là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và Ủy ban Chứng khoán sẽ kiểm soát khâu cuối cùng. Thông tư đã thực sự tạo ra động lực để buộc các công ty chứng khoán phải tăng cường sức mạnh tài chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.

Một kỳ vọng khác đó là ngày 28-12 vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa ký văn bản hướng dẫn danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức niêm yết sớm thực hiện được việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo như Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán, được Chính phủ ký ban hành ngày 26-6-2015. Mặc dù Nghị định 60 có hiệu lực từ ngày 1-9-2015 nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được việc nới room ở ngành nghề kinh doanh chứng khoán, các ngành nghề còn lại muốn nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100% phải chờ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Vì danh mục này liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới Sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng hứa ngay trong tháng 1-2016 này sẽ kiến nghị miễn trừ việc doanh nghiệp, tổ chức niêm yết trên sàn khi được nhà đầu tư nước ngoài mua và nắm giữ 51% cổ phần trở lên là thuộc dạng Doanh nghiệp nước ngoài (FDI) theo Luật Đầu tư mới. Có như vậy thì các doanh nghiệp, tổ chức niêm yết mới mạnh dạn xin ý kiến của cổ đông tại mùa đại hội cổ đông đầu năm 2016 này để sớm thực hiện việc nới room cho nhà đầu tư ngoại, tạo thuận lợi hơn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp, tổ chức niêm yết trên TTCK.

Trần Đăng

Khép lại một năm đầy biến động của Thị trường Chứng khoán (TTCK) thế giới, đặc biệt là Thị trường Chứng khoán Trung Quốc đã mất gần 20% tính từ đỉnh. Các thị trường chứng khoán lớn khác cũng trong xu thế chung là giảm điểm như Thị trường Chứng khoán Mỹ (Dow Jones Indus) mất gần 2%; Luân Đôn (Anh) mất 5,6%, Hồng Kông mất 7,4%, Singapore mất 15%... Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đã tăng được 6,2% và đặc biệt là huy động vốn qua thị trường chứng khoán và niêm yết mới trên sàn Upcom đã tăng mạnh vượt bậc so với năm 2014.

Chia sẻ bài viết