11/11/2008 - 20:06

Nhiều quy định mới đối với hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh

Thời gian gần đây, Báo Cần Thơ đã nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh về việc nhà trường thu nhiều nguồn quỹ, trong đó, có quỹ của Ban Đại diện Cha mẹ học sinh (CMHS). Xoay quanh vấn đề này, ông Trần Ngọc Sáu, Quyền Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho biết:

Từ năm học 2008-2009, hoạt động của Hội CMHS trong các cơ sở giáo dục phổ thông, gồm: các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi tắt là nhà trường) được thực hiện theo quy định điều lệ Ban Đại diện CMHS được Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT (ngày 28-3-2008). Trước đây, hoạt động của Hội CMHS chủ yếu là đóng góp tài chính để hỗ trợ nhà trường thực hiện tốt phong trào thi đua 2 tốt. Nay, với điều lệ Ban Đại diện CMHS thì tổ chức Hội CMHS được xem như đơn vị phối hợp cùng ngành giáo dục giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ giữa học sinh - giáo viên - nhà trường, giúp nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy. Với sự hỗ trợ của Ban Đại diện CMHS, nhà trường và giáo viên của nhà trường sẽ thực hiện được yêu cầu dạy chữ và rèn luyện nhân cách cho học sinh trở thành “con ngoan - trò giỏi”. Trên cơ sở này, Ban Đại diện CMHS của nhà trường phải là những thành viên được bầu chọn từ Ban Đại diện CMHS của các lớp học. Trong mỗi năm học, nhà trường phải 3 lần tổ chức họp Ban Đại diện CMHS (của lớp và của trường): vào đầu năm học, khi kết thúc học kỳ I và vào cuối năm học. Trong mỗi kỳ họp, Ban Đại diện CMHS phải báo cáo công khai việc thu, chi nguồn kinh phí do CMHS đóng góp, kết quả các hoạt động giúp đỡ học sinh chưa ngoan hoặc học sinh có hoàn cảnh khó khăn không để xảy ra tình trạng có học sinh bỏ học vì nghèo.

Điểm mới trong Quyết định số 11/2008/QĐ-BGDĐT Bộ GD&ĐT là: Mức đóng góp vào quỹ CMHS phải do UBND tỉnh, thành phố quy định - trước đây do Hội CMHS của từng cơ sở giáo dục tự đề xuất. Nguồn quỹ CMHS trong nhà trường, gồm: nguồn đóng góp tự nguyện từ các bậc CMHS trong nhà trường và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Nguồn kinh phí này phải được sử dụng đúng mục đích, sau khi có sự thống nhất ý kiến từ cuộc họp Ban Đại diện CMHS của nhà trường. Bộ GD&ĐT còn quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục (Sở và các Phòng GD&ĐT), hiệu trưởng các trường và giáo viên chủ nhiệm lớp phải có trách nhiệm phối hợp với Ban Đại diện CMHS để thực hiện các hoạt động thi đua - khen thưởng và xử lý vi phạm của học sinh (nếu có). Kết quả hoạt động của Ban Đại diện CMHS là một trong những tiêu chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục. Trường hợp có cơ sở giáo dục bị phụ huynh học sinh phản ánh về chất lượng hoạt động của Ban Đại diện CMHS trong nhà trường, theo phương án kiểm tra chéo, thanh tra ngành giáo dục sẽ kiểm tra, làm rõ nhằm không để ảnh hưởng đến uy tín của ngành, gây mất lòng tin trong phụ huynh học sinh.

Đ. KHÔI (lược ghi)

Chia sẻ bài viết