23/10/2013 - 21:16

KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Nhiều nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân

(TTXVN)- Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 23-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về hai nội dung quan trọng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội. Nhiều nội dung đã được chỉnh lý hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với đa số nội dung đã được ban soạn thảo tiếp thu và giải trình, đặc biệt là các nội dung về chương Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chương về bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội...

Bàn về nội dung chính quyền địa phương nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; tán thành với dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Dự thảo.

Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung chế định Hội đồng bầu cử Quốc gia, thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, thể chế hóa một trong những chủ trương của Đảng là "tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…"; "nghiên cứu, bổ sung một số thiết chế độc lập như cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan bầu cử quốc gia". Có ý kiến cho rằng việc bổ sung thêm chế định này rất cần thiết vì liên quan đến chế định quan trọng là dân chủ đại diện. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, cân nhắc thêm về nội dung này.

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có nhiều thay đổi về nội dung và có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước. Để thực hiện một số quy định mới của Hiến pháp và những nội dung được thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp, cần có những quy định vừa bảo đảm chuyển tiếp, vừa bảo đảm tính ổn định, liên tục của bộ máy nhà nước; đồng thời, phải có một thời gian nhất định để rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp...

Mặt khác, để đảm bảo cho Hiến pháp được quán triệt và thi hành đầy đủ, đúng đắn, phù hợp với lộ trình hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp, đảm bảo cho Hiến pháp được thực hiện nghiêm chỉnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn sửa đổi và thi hành các Hiến pháp trước đây. Thực tế cho thấy, sau khi các Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 được thông qua, Quốc hội đều ban hành Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nhằm đảm bảo sự ổn định, liên tục của bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong giai đoạn chuyển tiếp thi hành giữa Hiến pháp mới và Hiến pháp hiện hành.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Tờ trình của Chính phủ về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 -2016 và các báo cáo thẩm tra các nội dung trên.

 

Chia sẻ bài viết