22/02/2020 - 18:19

Phòng tránh dịch COVID-19

Nhiều hình thức dạy và học hiệu quả 

Trong thời gian tạm nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19, các trường học ở TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều giải pháp hướng dẫn học sinh học tập tại nhà, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Những tuần qua, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Chi (quận Ninh Kiều) cùng con trai (đang học Trường Tiểu học Ngô Quyền) ôn lại bài tập Toán và Tiếng Việt. Đây là các bài tập được anh Chi tải và in từ đường link của trường, từ tài liệu do giáo viên chủ nhiệm gửi vào nhóm zalo của phụ huynh. Anh Nguyễn Văn Chi cho biết: "Lúc trước, con học bán trú nên thời gian học tại nhà không nhiều. Giờ nghỉ học khá dài, tôi lo con quên kiến thức, lại sợ mê điện thoại, nên rất ủng hộ khi giáo viên giao bài tập về nhà học". Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, có con trai học Trường THPT An Khánh, chia sẻ: "Ngoài các bài tập in ra giấy A4, giáo viên cũng giảng dạy qua phương tiện công nghệ thông tin. Cháu còn cùng các bạn khác học, giải bài tập, rồi quay video đưa bài giải lên mạng…".

Nhiều giáo viên ở các trường phổ thông dạy học sinh qua mạng trực tuyến.

Để phòng tránh dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ đã thông báo đến các đơn vị trực thuộc cho học sinh, học viên các bậc học nghỉ học từ ngày 3-2 đến hết tháng 2-2020. Đồng thời, ngành ban hành Công văn 316/SGDĐT-GDTrH (ngày 7-2-2020) về việc hướng dẫn tổ chức cho học sinh học tập tại nhà nhằm ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự học. Đối với học sinh cuối cấp, nội dung dạy học theo hướng tóm tắt lý thuyết, bài tập áp dụng, các câu hỏi kiểm tra đánh giá cho từng chủ đề, chuyên đề cụ thể theo kế hoạch ôn thi THPT Quốc gia, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Học sinh các khối lớp còn lại, nội dung học tập chủ yếu là các kiến thức đã được học trước khi nghỉ Tết. Tùy thực tế mỗi đơn vị, hình thức tổ chức dạy học đa dạng, có thể tổ chức, hướng dẫn dạy học qua các phương tiện công nghệ thông tin, như: thư điện tử, zalo, facebook, messenger, classroom, viber, trang mạng Trường học kết nối… 

Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn học sinh học tại nhà  do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông ở Cần Thơ đều cho rằng, sau hơn một tuần thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: "Trường tập huấn cho giáo viên các phần mềm ứng dụng dạy học, có phương án phân công các bộ phận để hướng dẫn cho học sinh học tại nhà". Lãnh đạo Trường THPT Thới Lai đã chọn ứng dụng công cụ Goolge classroom (quản lý lớp học) vì dễ sử dụng, nhiều tiện ích, giúp giáo viên thiết kế và gửi tóm tắt bài học lý thuyết, bài tập, đề kiểm tra… cho học sinh; đồng thời giáo viên có thể kiểm soát quá trình học của học sinh. Trường hợp không tham gia, giáo viên bộ môn sẽ điện thoại trực tiếp cho học sinh, phụ huynh. Trường đã mở được 465 lớp học trên Goolge classroom. Thầy Định cho biết: "Mỗi thầy cô khi dạy 3 lớp sẽ tạo 3 lớp học trên mạng và có 3 mã bảo mật. Những mã này, ban giám hiệu, thầy cô tổ trưởng nắm rõ để có thể theo dõi quá trình tương tác giữa thầy - trò để góp ý. Hiện nay học sinh tham gia rất tốt".

Một số trường phổ thông khác sử dụng nhiều ứng dụng phần mềm để thiết kế bài kiểm tra cho học sinh. Sau khi học lý thuyết, học sinh làm bài tập, rồi tải kết quả lên mạng để giáo viên kiểm tra, giải đáp bài tập. Thầy trò có thể tương tác trực tuyến theo thời khóa biểu cố định. Với cách làm này, thầy trò Trường THPT Châu Văn Liêm thực hiện từ ngày 10-2 đến ngày 15-2. Trường xây dựng thời khóa biểu cho học sinh học online. Ví dụ như thứ hai (từ 7 giờ đến 9 giờ), học sinh  môn Văn; từ 9 giờ 30 đến 11 giờ, học môn Vật lý. Trường phân công, phân nhiệm cụ thể từng thành viên trong Ban Giám hiệu để quản lý việc dạy và học của giáo viên, học sinh; khuyến khích giáo viên sử dụng các phần mềm khác để hướng dẫn dạy cho học sinh. Qua khảo sát, trường có 28/69 giáo viên sử dụng được phần mềm dạy trực tuyến. Tuy nhiên, trường vẫn còn một số hạn chế, như: Một vài giáo viên chưa sử dụng thuần thục các phần mềm, học sinh thiếu thiết bị để tham gia lớp học trực tuyến… Giáo viên còn dạy lấn giờ, thậm chí dạy ban đêm nên học sinh "đuối" vì bị giao bài tập quá nhiều, có em "ôm" máy tính từ sáng đến tối. Cô Trần Thị Lụa, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: "Trường có 85% giáo viên thực hiện phương pháp dạy bằng nhiều hình thức khác nhau, với hơn 90% học sinh tham gia. Sắp tới, trường sẽ thực dạy và học theo thời khóa biểu chính khóa; duy trì phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp để học sinh ôn tập tại nhà đạt hiệu quả hơn".

***

Thành phố có tất cả 103 trường THCS, THPT triển khai thực hiện hướng dẫn tổ chức cho học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học. Theo đánh giá của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố, các đơn vị tích cực tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở. Trường có kế hoạch, phân công giáo viên dạy học sinh phù hợp đến từng đối tượng. Thầy trò có sự tương tác với nhau trong dạy và học. Nhà trường, giáo viên kết nối được với phụ huynh để theo dõi học sinh học tập tại nhà... Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhiều đơn vị thực hiện sáng tạo, mang bài tập đến tận nhà học sinh. Hoặc thay vì mang bài tập đến từng nhà, trường tổ chức cho học sinh này đến nhà của một bạn cùng lớp có thiết bị để học. Điều này vừa giúp học sinh cùng nhau làm bài tập, vừa giúp các em tham gia đầy đủ giờ học trực tuyến do đơn vị tổ chức. Bà Thắm cho biết: "Sắp tới, ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trên cơ sở bám sát văn bản hướng dẫn học sinh học tập tại nhà, có thể điều chỉnh thực hiện phù hợp hơn, tạo sự hứng thú cho học sinh trong học tập. Tuy giáo viên không nhất thiết đến trường mà có thể chọn địa điểm phù hợp để dạy học sinh, nhưng nếu dạy tại phòng máy của trường, hiệu quả sẽ tốt hơn, vì tập trung giờ dạy, hiệu trưởng dễ quản lý".

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết