08/03/2008 - 09:09

Nhiều địa phương bị thiệt hại do nước mặn xâm nhập

 * Kiên Giang: Chuẩn bị phương án chở nước ngọt ra đảo

(CT)- Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.

Tại Cà Mau, nước mặn đã xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời. Độ mặn tại các tuyến kênh chính như Cơi 5, Minh Hà, 88... đo được từ 8-14‰. Đây là khu vực trồng rau màu và nuôi cá đồng, nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Các kênh phục vụ nước tưới cho ruộng lúa thuộc huyện U Minh cũng đã nhiễm mặn. Chi cục Thủy lợi Cà Mau đã đề xuất đắp khẩn cấp 4 đập giáp ranh giữa 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Ở Kiên Giang, nước mặn đã xâm nhập vào ruộng lúa, ao nuôi trồng thủy sản... Tại khu vực U Minh Thượng, gồm các xã An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận, thiệt hại ban đầu ước tính hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, nước mặn đang tiếp tục xâm nhập thêm vào địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và TP Rạch Giá. Ở Bến Tre, tại sông Cửa Đại, nước mặn vào đến xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, cách biển 30km; tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm độ mặn đo được đã trên 4%o.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn ĐBSCL, từ nay đến cuối tháng 4, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp và nước mặn có khả năng xâm nhập sâu vào đất liền từ 50- 60km.

* Ngay từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ đã xảy ra tại một số hải đảo, vùng đất cao của tỉnh Kiên Giang. Tại xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên), trên 10 hồ, giếng nước ngọt đã cạn kiệt, tuy nhiên chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, vì đã có nhà máy nước thị xã hỗ trợ cho xã này. Còn ở hai xã đảo Nam Du và An Sơn (huyện Kiên Hải) nhiều giếng khơi, giếng đào trên đảo đã bị xâm ngập mặn hoặc nước ngọt còn rất ít. Hiện giá mỗi phuy nước 200 lít bán trên đảo khoảng 30.000 đồng. Các tàu đã chuẩn bị phương án chở nước ngọt từ đất liền ra đảo để “cứu ngọt” cho người dân trên đảo.

Nhóm P.V

Chia sẻ bài viết