08/07/2013 - 20:01

Nhân rộng những mô hình hiếu học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và khu dân cư khuyến học được tuyên dương tại Đại hội.  

5 năm qua, phong trào thi đua gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học của thành phố được triển khai sâu rộng, từng bước được nhiều tầng lớp đồng tình ủng hộ, mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa trong xã hội; qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của công tác khuyến học khuyến tài đối với phát triển kinh tế xã hội góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học trong toàn dân…

Gia đình là tế bào của xã hội và cũng chính là trường học đầu tiên hình thành nhân cách cho mỗi thành viên. Những năm qua, số lượng gia đình, dòng họ hiếu học góp phần xây dựng xã hội học tập trong thành phố tăng từng năm. Năm 2012, thành phố có 122.117 gia đình được công nhận gia đình hiếu học (trong đó có 16.762 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học xuất sắc tiêu biểu). Các gia đình hiếu học ngày càng được mở rộng về quy mô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Qua đó, xuất hiện nhiều gia đình khó khăn nhưng vẫn quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, tạo điều kiện cho con em ăn học thành tài, trở thành người hữu ích cho xã hội.

Tiêu biểu trong số đó là gia đình bà Hoàng Thị Ngọc Thuận, ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh. Chồng bà Thuận mất khi người con út mới biết đi chập chững, con lớn mới 14 tuổi. Bà Thuận giấu nỗi đau góa bụa, vất vả làm lụng để nuôi 9 người con học hành và đều tốt nghiệp đại học. Hiện nay, các con bà người là giáo viên, cán bộ, bác sĩ quân y, công an, nhiều người giữ vị trí cao trong xã hội… Hay như gia đình nông dân Trần Cư, ở ấp An Lộc, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, có 5 con đều tốt nghiệp đại học. Gia cảnh nghèo, hằng ngày, vợ chồng ông Cư phải đi giăng câu, hái rau, bắt ốc, bán lấy tiền lo cho con ăn học. Nhờ sự động viên và giáo dục của ông mà các con luôn có ý thức tự lập trong học tập và cuộc sống. Trải qua 25 năm vượt khó, nhờ sự tảo tần, thương khó của cha mẹ, các con ông Cư đã có việc làm, thu nhập ổn định. Ông Trần Cư cho biết: "Chúng tôi luôn quan niệm, muốn con cái có tương lai sự nghiệp, không gì bằng trang bị kiến thức, ý thức tự vươn lên, không chùn bước trước khó khăn. Chính vì thế, tuy gia cảnh nghèo khó, thiếu thốn nhưng các con tôi đều được đến trường".

Nếu gia đình là tế bào của xã hội thì dòng tộc là tổ chức xã hội thu nhỏ, việc xây dựng gia đình hiếu học được gắn kết với dòng họ hiếu học. Các dòng họ ngoài việc khuyến khích tinh thần học tập con cháu còn ủng hộ quỹ khuyến học, giúp học sinh nghèo hiếu học. Điển hình như, Chi hội họ tộc hiếu học Lê - Huỳnh (ở ấp Vĩnh Qui, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh), hội viên đóng hội phí, góp quỹ khuyến học, tương trợ lẫn nhau, không để con cháu trễ nải đóng học phí. Mỗi dịp giỗ, Tết, chi hội họ tộc họp mặt con cháu, tổ chức biểu dương gương vượt khó, học tốt, động viên tinh thần hiếu học; đồng thời, khen thưởng các học sinh giỏi nhằm khích lệ tinh thần, tạo khí thế thi đua trong học tập. Chính vì thế, các gia đình trong họ tộc đều có người học giỏi, xuất sắc, hạnh kiểm tốt. Hiện trong dòng họ có 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 19 cử nhân... Hằng năm, Chi hội họ tộc Lê - Huỳnh còn đóng góp ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương. Các thành viên trong họ tộc Lê - Huỳnh còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, hiến máu nhân đạo.

Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học là thể hiện truyền thống hiếu học ở các địa phương, nét văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, không chỉ được khơi dậy trong từng gia đình mà đã lan tỏa ra toàn xã hội. Ở huyện Vĩnh Thạnh, hầu hết gia đình trong ấp đều có con em đã hoặc đang học đại học được gọi là "ấp đại học" hay "ấp cử nhân". Những năm qua cộng đồng dân cư khuyến học khu vực 4, phường An Thới là điểm sáng xây dựng phong trào cộng đồng dân cư khuyến học của địa phương. Với 26 tổ khuyến học, có 732 hội viên (tất cả đảng viên đều là hội viên khuyến học), số lượng gia đình, dòng họ hiếu học mỗi năm đều tăng, hiện có 470 gia đình hiếu học xuất sắc. Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của việc học tập nên các gia đình tự khuyến khích con em nỗ lực học tập, bản thân các gia đình, dòng họ thi đua nhau học tập. Ngày nay, chuyện cả nhà có trình độ đại học hoặc các con đều học thạc sĩ, tiến sĩ, không là chuyện hiếm hoi. Ngoài việc tiếp sức cho học sinh nghèo không bỏ học, Chi hội khuyến học của khu vực còn khen thưởng khuyến khích các em đậu đại học, sau đại học.

Phát biểu tại Đại hội tuyên dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học lần thứ III (2008-2012), Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Toản, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, ghi nhận và biểu dương Hội khuyến học TP Cần Thơ đã có những chủ trương và giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học… Phó giáo sư, Tiến sĩ nhấn mạnh: "Việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học ở các địa phương được Trung ương Hội Khuyến học coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc nói chung và cũng là truyền thống hiếu học của các gia đình Việt Nam nói riêng. Thời gian tới, thành phố cần quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học với việc xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa…".

Bài, ảnh: Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết