10/07/2013 - 20:30

LONG AN

Nhà máy không mua đay, người dân điêu đứng

Khi nông dân trồng đay huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã xuống giống đay vụ hè thu, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An mới ra thông báo không thu mua đay trong năm 2013 khiến nông dân trong vùng đay nguyên liệu huyện Thạnh Hóa hụt hẫng. Vậy là bao nhiêu dự định, niềm hy vọng của người dân phút chốc tan biến.

Anh Trần Văn Cường, ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú lo lắng vì đay giống không ai mua. 

Năm 2012, Nhà máy Bột giấy Phương Nam thu mua đay nguyên liệu với giá 850 đồng/kg. Với giá này, người dân trồng đay nguyên liệu ở huyện Thạnh Hóa có lãi từ 15-18 triệu đồng/ha. Chính vì thế, vụ sản xuất năm 2013, nhiều hộ nông dân ở huyện Thạnh Hóa đã mở rộng diện tích trồng đay với hy vọng sẽ được nhà máy thu mua với giá cao. Ông Huỳnh Kim Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Hóa cho biết: "Năm 2012 nhà máy thu mua đay nguyên liệu với giá cao, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích đay lên 2.000ha trong năm 2013, tăng 1.300ha so với năm trước. Ngành đã hỗ trợ cho người dân trồng thử nghiệm giống đay Cuban của Thái Lan nhằm tăng năng suất". Tuy nhiên, niềm hy vọng về một mùa đay thắng lợi của người dân vừa nhen nhóm chưa được bao lâu đã bị dập tắt khi nhà máy thông báo không thu mua đay nguyên liệu. Theo Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam- Vũ Bá Thắng, dây chuyền thiết bị máy móc của nhà máy còn trục trặc kỹ thuật, chưa thể vận hành. Mặt khác, lượng đay nguyên liệu thu mua năm 2012 đang tồn trữ tại nhà máy có khả năng đáp ứng chạy thử và sản xuất trong thời gian tới nên nhà máy chưa có kế hoạch thu mua đay nguyên liệu của nông dân trong năm 2013!

Anh Trần Văn Nam, ngụ ấp Cả Cỏ, xã Thạnh Phú, nói: "Vụ hè thu năm 2012, tôi trồng đay sợi nhưng không ai hỏi mua, còn những hộ khác trồng đay nguyên liệu thì bán được giá cao. Vậy nên năm nay tôi quyết định sử dụng hết 3,5ha đất canh tác của mình để trồng đay nguyên liệu. Giờ không biết làm sao với số đay này!". Anh Huỳnh Anh Tuấn, ở ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, bức xúc: "Tôi sạ cả mẫu đay được 15 ngày thì mới hay tin nhà máy không mua đay. Tôi phải xịt thuốc diệt, xới đất lại để trồng lúa". Theo anh Tuấn, tiền giống, tiền công, mỗi héc-ta sạ đay anh bị thiệt hại khoảng 3-4 triệu đồng. Hiện anh Tuấn vẫn giữ 1ha để trồng đay sợi nhưng chẳng vui gì vì không biết năm nay có ai mua đay sợi không?

Nhà máy không thu mua đay, thiệt hại nặng nhất chính là những hộ sản xuất đay giống. Giờ đây, trong nhà của anh Trần Văn Cường, ngụ ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, đay giống chất đầy nhà. Anh Cường thở dài: "Tưởng năm nay "ăn" đậm, ai ngờ thất bại thê thảm". Đối với những người làm đay cung cấp giống cho vụ hè thu thì ngay từ vụ đông xuân đã trồng đay lấy hạt. Chính vì thế, khi nhà máy thông báo không thu mua đay thì anh không trở tay kịp. "Hiện nhà tôi còn 1,2 tấn đay giống. Từ đầu tháng 4 đến giờ vẫn chưa bán được ký nào"- anh Cường cho biết.

Theo ông Huỳnh Kim Tùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa, đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng đay trong vụ hè thu năm nay chỉ khoảng 70ha, phần lớn là trồng đay lấy sợi. Riêng những hộ trồng đay nguyên liệu đã chuyển sang trồng lúa, nếp. Với tình hình giá lúa đang giảm, người dân trong vùng đay nguyên liệu rất lo về thu nhập vụ hè thu năm nay. Song, khi nào Nhà máy Bột giấy Phương Nam vận hành vẫn là câu hỏi chưa có đáp án. Để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng đay nguyên liệu khoảng 17.000ha và đề ra chính sách hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên, với tình hình này quy hoạch vùng trồng đay của tỉnh có thể phá sản.

Bài, ảnh: LINH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết