05/06/2011 - 08:57

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 - 5/6/2011)

Nguyện theo con đường của Bác

Cách nay 100 năm (5/6/1911-5/6/2011), từ bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bước xuống con tàu Amiral Latouche Tréville, bắt đầu một cuộc hành trình vĩ đại, gian lao và quả cảm suốt 30 năm trời ở khắp năm châu để tìm đường cứu nước..., cống hiến cả cuộc đời vì nền độc lập, tự do cho dân tộc, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Noi theo gương Người, thế hệ trẻ hôm nay luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và cống hiến. Trong số đó, có không ít bạn trẻ nhờ sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, cộng với sự nỗ lực vượt khó của bản thân, đã ra sức học tập, tiếp thu những tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài để trở về xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ đã dạy…

1. Với vóc dáng mảnh mai, giọng nói nhỏ nhẹ, Phan Kiều Diễm, giảng viên Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, dễ gây ấn tượng tốt với người đối diện. Nhận xét về giảng viên trẻ này, nhiều cán bộ lãnh đạo Bộ môn Tài nguyên đất đai cho biết: Diễm là một cán bộ giỏi chuyên môn, có chí cầu tiến và năng động trong các hoạt động đoàn thể... Khi nhắc đến những thành công của mình, Diễm khiêm tốn cho biết: “Tôi cũng bình thường như bao người khác, thành công hôm nay là nhờ lấy “cần cù bù thông minh”. Tôi rất khâm phục tấm gương kiên trì, ham học hỏi và học tập suốt đời của Bác Hồ và cố gắng noi theo... ”.

 

Tốt nghiệp Đại học ngành Quản lý đất đai loại giỏi vào năm 2005, Diễm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ. Sau 4 năm công tác, năm 2009, Diễm được học bổng sang Thái Lan học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin địa lý và viễn thám tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT), theo Dự án Giáo dục Đại học do World Bank tài trợ. Diễm nhớ lại: “Thời gian đầu mới “chân ướt, chân ráo” sang đất người, Diễm đối mặt nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, sinh hoạt, văn hóa...; phương pháp học cũng có nhiều khác biệt so với học trong nước nên ở một số môn chuyên ngành, Diễm không theo kịp chương trình. Không nản chí, Diễm dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu, cùng các bạn chung lớp tổ chức thảo luận, động viên nhau cố gắng học tốt... ”. Nhờ tính tháo vát, năng nổ, Diễm được các bạn bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam ở AIT. Diễm kể, trong những dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, như: ngày Quốc khánh, 30-4, sinh nhật Bác, Tết Nguyên đán... Chi bộ, Hội sinh viên Việt Nam đều tổ chức sinh hoạt truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ để giới thiệu với bạn bè đến từ nhiều quốc gia về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời, nhắc nhở nhau không ngừng nỗ lực học tập, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn học những cái hay trong tác phong học tập, làm việc cũng như trong nền văn hóa của các nước bạn...

Sau hơn 2 năm học tập ở Thái Lan, cuối năm 2010, Diễm trở về nước công tác. Diễm tâm sự: “Ngành Hệ thống thông tin địa lý và viễn thám là ngành học ít phổ biến. Tuy nhiên, các nội dung đào tạo của ngành, như: vấn đề quản lý hệ cơ sở dữ liệu, công cụ chuyên xử lý ảnh vệ tinh... sẽ phục vụ đắc lực trong việc bảo vệ môi trường, dự báo thiên tai thảm họa. Bên cạnh việc cố gắng truyền tải những kiến thức đã học cho sinh viên, tôi cũng đã đăng ký thực hiện đề tài ứng dụng viễn thám theo dõi đường truyền ven biển để xác định nguyên nhân sạt lở trong 5-10 năm tới”. Về mục tiêu phấn đấu lâu dài, Diễm khẳng định sẽ cống hiến hết sức mình để đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Trong hành trang đi tới tương lai của cô giảng viên trẻ và năng động ấy có quyết tâm “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...” như lời Bác Hồ đã dạy.

2. Cũng với quyết tâm ấy mà Dương Ngọc Đoàn đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ của mình trên con đường học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin (CNTT), năm 2004 Đoàn được nhận vào làm việc tại Công ty Viễn thông Cần Thơ- Hậu Giang. Khi Đề án Cần Thơ 150 tuyển ứng viên, Đoàn mạnh dạn đăng ký dự tuyển, đồng thời không ngừng nỗ lực học tập để đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Với những nỗ lực không ngừng, tháng 8-2007, Đoàn bắt đầu cuộc trình hành xuất dương du học thạc sĩ chuyên ngành Điện tử - Viễn thông tại Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Sau khi tốt nghiệp, Đoàn trở về và được bố trí công tác tại Trung tâm Đại học Tại chức (TTĐHTC) Cần Thơ.

 

Đến Trung tâm vào cuối tháng 5, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Đoàn vẫn miệt mài trên máy để soạn bài giảng. Anh tâm sự: “Mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn tự nhắc nhở mình cố gắng phấn đấu và học tập theo tấm gương của Bác”. Theo lời Đoàn kể, hồi mới đặt chân trên đất Hàn, cũng như nhiều du học sinh khác, Đoàn gặp nhiều khó khăn để bắt nhịp với chương trình học do sự khác biệt khá lớn về thời tiết, rào cản ngôn ngữ, cộng thêm nỗi... nhớ nhà và áp lực học tập tại KAIST. Theo nhiều tổ chức trên thế giới, Hàn Quốc là nước năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về áp lực học tập và KAIST được phong danh là nơi có “áp lực học hành “kinh niên” khủng khiếp”. Không chỉ sinh viên nước sở tại mà các du học sinh đều rơi vào vòng xoáy áp lực ấy. Đoàn kể, hằng ngày, hằng tuần, các du học sinh hầu như phải học tập, làm việc xuyên suốt ở thư viện, phòng thí nghiệm cùng với các giáo sư đến thâu đêm suốt sáng. Dường như việc học tập tại KAIST giống như làm việc mỗi ngày, bởi các phòng thí nghiệm, phòng học luôn phục vụ 24/ 24 giờ, sinh viên có thể đến học tập, nghiên cứu bất cứ lúc nào... Bản thân Đoàn có những lúc áp lực học tập đến tột cùng, tưởng chừng như khó có thể vượt qua, thế nhưng những lúc sinh hoạt cùng các du học sinh cùng trường, kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về tấm gương bôn ba tìm đường cứu nước của Bác, về ý chí kiên trì, tự rèn luyện, học tập suốt đời của Bác, cùng những lời hát hun đúc tinh thần của tuổi trẻ: “...Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên...” như tiếp cho Đoàn thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách. Tiếp cận với quốc gia có hệ thống CNTT phát triển, Đoàn và các bạn cũng nhận ra rằng việc ứng dụng CNTT trong đời sống của người dân quê hương mình vẫn còn khoảng cách so với bạn bè thế giới, từ đó Đoàn càng ấp ủ ước mơ khi về nước sẽ tham gia các hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào đời sống người dân. Không chỉ thế, Đoàn còn học được nơi các bạn bè quốc tế sự tự tin, năng động, tác phong làm việc công nghiệp...

Hiện giờ, Đoàn là cán bộ phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, kiêm phụ trách nội dung hoạt động Câu lạc bộ Anh văn của TTĐHTC Cần Thơ. Trò chuyện với chúng tôi, Đoàn hào hứng cho hay anh cùng các đồng nghiệp vừa xây dựng hoàn thành chương trình khung đào tạo ngành Điện công nghiệp và đang đề ra kế hoạch tăng cường hoạt động của Câu lạc bộ Anh văn để giúp các cán bộ, sinh viên rèn luyện thêm vốn ngoại ngữ để sinh viên Việt Nam ngày càng “gần” hơn với bạn bè quốc tế, từ đó học thêm nhiều điều hay, góp phần xây dựng nước nhà.

3. Cũng là một trong số những ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ theo Đề án Cần Thơ 150 chuyên ngành Quản trị Du lịch tại Singapore, nhưng đối với Dương Hải Long, để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của đề án là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, quyết liệt. Quê Long ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Hồi nhỏ, mỗi ngày Long và anh trai phải lội bộ gần cả giờ đồng hồ để đến trường học. Với thu nhập của một giáo viên và cán bộ ấp, cha mẹ của Long phải bấm bụng bán bớt từng mảnh đất, miếng vườn để lo cho anh em Long ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, anh em Long đều học rất giỏi. Anh trai của Long cũng đang du học tại Úc theo chương trình đào tạo của Đề án Hậu Giang - 160.

 

Trong thời gian du học tại Singapore, do học chương trình 1 năm 3 học kỳ (thay vì 2 năm như các chương trình thạc sĩ của một số nước) nên Long gặp nhiều áp lực. Lịch học một ngày của Long bắt đầu từ giảng đường đến thư viện, hoặc các điểm thực tập... thường kéo dài từ 8 giờ sáng đến tận khuya. Phương pháp học cũng khác so với Việt Nam bởi sinh viên tự học, tự nghiên cứu là chính. Đó là chưa kể chi phí sinh hoạt ở Singapore khá đắt đỏ, trong khi nguồn học bổng thì hạn chế, Long phải chi tiêu hết sức tiết kiệm... Thế nhưng, có lẽ những khó khăn thời niên thiếu đã trui rèn cho Long ý chí vượt khó. Long bộc bạch: “Mỗi lúc khó khăn, tôi luôn nghĩ đến tấm gương sáng ngời của Bác, những lời bác nhắn nhủ, kỳ vọng đối với thế hệ trẻ và càng quyết tâm hơn”.

Hiện nay, Long là giảng viên của Khoa Khoa học và Xã hội nhân văn, Trường Cao đẳng Cần Thơ. 26 tuổi đời, chỉ hơn 1 tuổi nghề nhưng Long được xem là một trong những cán bộ trẻ có năng lực, luôn cầu tiến để nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh việc dự giờ, thao giảng giờ dạy của đồng nghiệp, Long còn đọc, tìm hiểu thêm sách vở, tài liệu nói về các điểm du lịch để ứng dụng vào giảng dạy. Long bộc bạch: “Tôi đang nghiên cứu thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tạo điều kiện để sinh viên phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo và xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa thầy - trò. Khi có vấn đề gì chưa hiểu, sinh viên có thể mạnh dạn đặt câu hỏi, kể cả ngoài giờ học”.

“Học theo tấm gương của Bác, thế hệ trẻ chúng tôi xác định mình phải luôn phấn đấu, trau dồi kiến thức, phẩm chất đạo đức, vững vàng về chính trị để tiếp nối sự nghiệp của cha ông” – Lời tâm sự của Long cũng là điều mà Diễm, Đoàn và nhiều bạn trẻ luôn tâm niệm và nỗ lực phấn đấu thực hiện, với mong muốn góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như Bác vẫn hằng mong đợi.

BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết