29/10/2019 - 15:27

Người trồng mía kêu cứu 

Mỗi ngày chỉ thu hoạch khoảng 10ha, trong khi nhu cầu cần đốn lên đến hơn 200ha và hiện có nhiều diện tích mía đã quá ngày thu hoạch đang dần chết khô ngoài đồng. Từ đó, tạo ra áp lực không nhỏ cho nông dân tại vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh là huyện Phụng Hiệp trong lúc này.

Chỉ có Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động nên không đảm bảo tiêu thụ mía cho nông dân Hậu Giang trong lúc này.

Những ngày qua, bà Thái Thị Tuyết Hoa cùng nhiều nông dân trồng mía tại ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đứng ngồi không yên vì cánh đồng mía phía sau nhà đã quá ngày thu hoạch gần một tháng. Hiện lá và đọt mía cũng bắt đầu khô dần, nhưng thương lái thì đến thu mua nhỏ giọt vì phải phụ thuộc vào sự chi phối của nhà máy đường.

Bà Hoa bức xúc cho biết: “Năm nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) áp dụng chính sách mới trong thu mua mía là nông dân phải bán mía trực tiếp qua thương lái được Casuco hợp đồng vận chuyển mía từ trước, còn bà con nào bán cho thương lái bên ngoài thì Casuco không tiếp nhận mía. Do đó, số lượng thương lái đến đây mua mía trong lúc này rất ít. Bởi, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có mỗi Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Casuco) là còn hoạt động, trong khi bà con thì rất cần được bán mía sớm vì mía sắp chết khô ngoài đồng. Riêng gia đình tôi có 4 công mía (giống ROC 16) hiện cũng bị khô đọt khá nhiều và việc giảm năng suất khi thu hoạch sẽ khó tránh khỏi”.

Theo nhiều người dân trồng mía sống dọc tuyến kênh Bảy Mũ, thuộc ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng thì vào thời điểm này mọi năm, tuy giá mía thấp như năm nay nhưng không khí bán mía của bà con nơi đây cũng khá sôi nổi vì có đông thương lái đến thu mua. Cụ thể, toàn tuyến kênh Bảy Mũ này dài khoảng 1,3km nhưng mỗi ngày có ít nhất 20 ghe với tải trọng từ 50-70 tấn đậu dọc theo kênh để cân mía cho nông dân. Đồng thời, kéo theo đó là mỗi ngày khu vực này cũng có không dưới 200 nhân công đốn và vận chuyển mía từ rẫy ra bãi cân. Còn năm nay, do Casuco thay đổi chính sách thu mua nên mỗi ngày, toàn tuyến chỉ có 3-4 hộ được bán mía, từ đó diện tích mía chưa thu hoạch còn khá nhiều.

Cùng tâm trạng lo lắng như người trồng mía ở xã Hiệp Hưng, bà Nguyễn Thị Biểu, ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, có 7 công mía (giống ROC 16) hiện đã hơn 11 tháng tuổi nhưng chưa được thu hoạch. Bà Biểu thông tin: “Năm nay, giá mía đã thấp làm người dân lo lắng lắm rồi, ai dè đến ngày đốn mía mà kiếm thương lái chẳng thấy ở đâu thì gánh nặng thêm chồng chất. Giờ mía ngoài ruộng bị khô đọt và xuống lá rất nhiều. Chỉ mong ngành chức năng sớm có giải pháp hối thúc nhà máy đường đẩy nhanh tiến độ mua mía cho nông dân”.

Qua theo dõi của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, bình quân mỗi ngày, toàn huyện chỉ có khoảng 30-40 ghe đến cân mía nên nông dân trên địa bàn huyện chỉ thu hoạch khoảng 10ha mía/ngày, trong khi tổng diện tích mía của toàn huyện trong vụ này là 6.449ha. Với tiến độ thu hoạch mía rất chậm nên đến thời điểm này, mía đã đốn để bán cho nhà máy đường chỉ chiếm khoảng 20% diện tích, trong khi cùng kỳ năm trước đã hơn 60%.

Nhiều diện tích mía của nông dân do quá ngày thu hoạch nên đang bị khô đọt.

“Do nhà máy đường vào vụ ép trễ hơn năm trước gần một tháng đã dẫn tới tình trạng mía đang bị ùn ứ ngoài đồng khá nhiều, vì hầu hết các diện tích mía hiện nay đều đã quá ngày và trong giai đoạn cần thu hoạch. Trường hợp tiếp tục kéo dài thêm thời gian nằm chờ ngoài đồng thì địa phương lo lắng mía của nông dân sẽ bị thiệt hại do bị chết cây. Chính vì vậy, nhu cầu của huyện trong lúc này là mỗi ngày cần thu hoạch hơn 200ha mía. Trước tình hình trên, địa phương đề nghị nhà máy đường có giải pháp tăng cường công suất ép mía và số lượng ghe thu mua trong dân để tăng diện tích mía được thu hoạch trong thời gian tới”, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay.    

Mặc dù ngành chức năng huyện Phụng Hiệp và người dân đang kiến nghị Casuco tăng cường công suất ép để tiêu thụ mía được nhanh. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thật sự là trọng tâm. Bởi trước đây, khi vào vụ ép mía thì trên địa bàn tỉnh có đến 3 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất ép gần 9.000 tấn mía cây/ngày/đêm. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau nên trong vụ ép 2019-2020 này, Hậu Giang chỉ còn có một Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động, với công suất ép 3.500 tấn mía cây/ngày/đêm, tương đương chỉ khoảng 30-35ha mía nhưng phải chạy hết công suất. Trong khi tổng diện tích mía đã xuống giống trên địa bàn tỉnh ở niên vụ 2019-2020 này là gần 8.200ha và hiện mới thu hoạch được gần 2.000ha (chủ yếu bán mía chục làm nước ép giải khát) nên phải mất thời gian khá lâu nữa mới tiêu thụ hết mía cho nông dân Hậu Giang. Do đó, thiết nghĩ giải pháp hữu hiệu trong lúc này là lãnh đạo Casuco xem xét vào vụ ép tiếp tại 2 nhà máy đường khác có cổ phần lớn của Casuco là Nhà máy đường Sóc Trăng và Trà Vinh. Có như vậy, Casuco sẽ góp phần giải quyết nhanh diện tích mía đang rất cần được thu hoạch trong lúc này cho nông dân Hậu Giang để giảm thiệt hại…

Theo Báo Hậu Giang

Chia sẻ bài viết