22/12/2007 - 10:33

Người giữ hồn văn hóa dân tộc Khmer

Không chỉ ở tỉnh Trà Vinh, mà nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... biết đến nghệ nhân Lâm Phen ở Trà Vinh và đã đặt ông làm các hiện vật văn hóa dân tộc Khmer.

Nghệ nhân Lâm Phen, ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có trên 30 năm gắn bó với nghề. Năm 1970, mới 13 tuổi Lâm Phen đã là thợ lành nghề trong việc xây dựng chùa, nhà cho người dân tộc Khmer - nhờ theo học nghề xây dựng giúp việc cho cha mình là ông Lâm Phon, một thợ xây dựng nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh trước đây. Năm 1979, Lâm Phen tình nguyện tham gia bộ đội và phục vụ ở Campuchia. Thời gian trong quân đội, khi rãnh rỗi, anh lính trẻ thường đến những nơi người dân Campuchia làm nghề tạo mẫu các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer ở gần đơn vị đóng quân để học nghề. Sau 3 năm trong quân ngũ, Lâm Phen có thêm nghề tạo mẫu các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer. Xuất ngũ, Lâm Phen trở về nhà vào nghề xây dựng để lo cho gia đình. Đến năm 1990, có người biết anh có tay nghề, đến nhờ Lâm Phen bắt đầu làm thêm nghề chế tạo, phục chế các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer.

Nghệ nhân Lâm Phen chăm chút làm khuôn mặt nạ rút.

Đầu tiên, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Trà Vinh đặt ông làm dàn nhạc ngũ âm. Kế đó, Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh mời ông tham gia chế tạo, phục chế lại các hiện vật văn hóa gắn với phong tục tập quán của người dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Hàng chục hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh này hiện nay như mô hình nhà chánh điện của chùa Khmer, nhà sàn, nhà tha la, nhà ông tà, các hiện vật nông ngư cụ, các loại nhạc dân tộc, dân gian, các loại mão mũ, đồ nghệ thuật Khmer... đều do nghệ nhân Lâm Phen chế tạo hoặc phục chế. Tay nghề của Lâm Phen rất khéo, lại có kinh nghiệm và kiến thức nên đồ ông làm ra hoặc phục chế giống với nguyên mẫu. Nghệ nhân Lâm Phen còn được các đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), đoàn nghệ thuật Khmer Triều An (huyện Trà Cú, Trà Vinh), đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, Kiên Giang, Nhà triển lãm Việt Nam tại Hà Nội, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Trà Vinh... tìm đến đặt hàng từ làm các mão mũ đến các loại đờn (đờn cò, đờn gáo, đờn khum, đờn tà khê, trống tay, dàn nhạc ngũ âm)... để biểu diễn. Gần đây nhất, tháng 9-2007, nghệ nhân Lâm Phen được Trường Đại học An ninh đặt làm 17 hiện vật thể hiện phong tục tập quán, văn hóa dân tộc của người dân tộc Khmer như: mô hình nhà chánh điện, nhà tha la, nhà sàn, nhà ông tà; các nông ngư cụ: tum, sà ngôn, sà nen, tru, rê, cày, bừa; ghe ngo, trang phục cô dâu chú rể, mặt chằn, Krong rep, hanôman, mão nàng sê đa, một bộ đàn dây, một bộ đàn dân gian... Tất cả các hiện vật trên vừa được ông hoàn thành giao cho trường vào đầu tháng 12-2007.

Theo nghệ nhân Lâm Phen, để tái tạo, phục chế các hiện vật văn hóa dân tộc Khmer giống với thực tế, một mặt phải dựa vào các mẫu có sẵn; mặt khác, ông còn phải bỏ nhiều thời gian để sưu tầm các tài liệu nói về truyền thống dân tộc Khmer để có thể làm hiện vật một cách đúng nguyên mẫu. Trong các loại hình nghệ thuật, dàn nhạc ngũ âm cần nhiều thời gian (hơn 2 tháng) để làm một dàn nhạc có chất lượng, âm thanh hay. Dàn nhạc ngũ âm gồm có trống lớn, trống sam phô, rônet thun, rônet ek, rônet dek, cồng lớn, cồng nhỏ, sa lai lớn, sa lai nhỏ, chập chọe. Ví dụ, rônet thun đòi hỏi chất liệu của phím phải làm bằng tre núi già, ngâm bùn 3 năm, phơi gió 3 năm trong nhà mới làm được; làm phím gỗ phải lấy gỗ từ cây sao giồng đã cất nhà ở từ 40 - 50 năm để làm. Để có chất liệu đúng chuẩn, nghệ nhân Lâm Phen mỗi năm đều phải “săn” nguyên liệu để dành làm những năm sau; chẳng hạn như làm những bộ cồng phải có hỗn hợp từ đồng, bạch kim, chì kiêu, phải đích thân nghe nhân Lâm Phen chọn mua từ Campuchia... Có thể nói, với chất liệu đúng chuẩn, dàn nhạc ngũ âm chơi trong không gian yên tĩnh, âm thanh nghe xa trên 1 km, trống của dàn nhạc nghe xa đến 4 - 5 km. Đến nay nghệ nhân Lâm Phen đã làm được 11 dàn nhạc ngũ âm giao cho các nơi.

***

Mô hình chánh điện chùa Khmer được trưng bày tại Bảo tàng Khmer tỉnh Trà Vinh.

Hiện nay, những ai có dịp đến tham quan khu du lịch Ao Bà Om ở thị xã Trà Vinh sẽ gặp nghệ nhân Lâm Phen. Ông được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Trà Vinh mời về cho mượn một khu đất ở khu du lịch Ao Bà Om để làm nơi chế tạo, phục chế lại những hiện vật Khmer, qua đó để khách du lịch tham quan. Khách đến đây, ngoài tận mắt thấy những cây cổ thụ thân to cao chót vót trồi bộ rễ lên khỏi mặt đất, tham quan chùa Âng, Bảo tàng dân tộc Khmer thì còn được thích thú khi tận mắt thấy nghệ nhân Lâm Phen làm những sản phẩm văn hóa. Nghệ nhân Lâm Phen bộc bạch: “Gần 20 năm sống với nghề này, tôi luôn tìm tòi học hỏi và sáng tạo, giờ thì có thể bất cứ hiện vật nào của dân tộc Khmer tôi đều làm được. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, trong thời gian qua, tôi sống được với nghề và có nhiều khách hàng”.

Nghệ nhân Lâm Phen còn là trưởng đội văn nghệ nhạc dân gian của chùa Lò Gạch ở ấp Ba Se. Đội của ông từng được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Trà Vinh mời đi biểu diễn giao lưu ở nhiều tỉnh thành và tận Hà Nội.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết