30/01/2018 - 10:43

Người “giữ đèn” trên biển 

“Tôi đã kể với con tôi tất cả về công việc của mình và kể cho chúng nghe về những điều tươi đẹp ở biển. Tôi rất tự hào với cái nghề mình đang làm, bởi chúng tôi được góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...”, ông Trịnh Văn Nguyên, Trưởng trạm Hải đăng Đá Tây, tâm sự.

Ông Trịnh Văn Nguyên, người đã có 22 năm gắn bó với công việc này và đi qua 6 ngọn hải đăng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trên hải trình đến các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, chúng tôi gặp được ông Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm Hải đăng đảo Đá Tây. Người đàn ông có thân hình rắn chắc, da ngăm đen, sắc vóc khỏe khoắn của người dân miền biển. Bằng chất giọng hào sảng của người dân thành phố cảng Hải Phòng, ông Nguyên kể cho tôi nghe câu chuyện về những ngọn đèn biển hiên ngang giữa nơi đầu sóng.

Thấm thoát ông Nguyên đã có 22 năm gắn bó với công việc này và đi qua 6 ngọn hải đăng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ở biển, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, những năm qua mưa bão nhiều nên công việc càng khó khăn hơn. Nơi đầu sóng, ngọn gió sự gắn bó giữa người và người thêm thắt chặt. Ánh sáng ngọn hải đăng giữa trùng khơi đã viết nên biết bao nhiêu hồi ức lưu giữ tình cảm đẹp cùng ngư dân.

Ông Nguyên lại kể cho tôi về một kỷ niệm ứng cứu ngư dân mà cả đời ông không thể quên được. “Hồi năm 1999, lúc đó tôi còn canh giữ hải đăng trên đảo Song Tử Tây có một tàu cá gồm 15 người của ngư dân Thừa Thiên - Huế bị chết máy không neo được nên trôi dạt từ quần đảo Hoàng Sa về. Khi đó, sóng rất lớn, Đảo trưởng đề nghị Trạm Hải đăng mang xuồng kết hợp kéo tàu ngư dân về nơi an toàn. Trong điều kiện sóng rất to, gió giật mạnh, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ lực lượng chức năng mới có thể kéo tàu về đến đảo Song Tử Tây. Khi mắc dây kéo vào, một ngư dân trên tàu gọi về cho người thân nói “Con ơi, bố sống rồi”. Giây phút đó xúc động lắm, bao nhiêu năm qua rồi nhưng câu nói của người đàn ông đó vẫn văng vẳng trong đầu tôi…”.

Chỉ tay về phía ngọn hải đăng, ông Nguyên nói thêm, cơn bão 15, 16 cuối năm 2017 vừa rồi, nơi đây thuộc khu vực tâm bão. Ngay khi tiếp nhận thông tin từ đất liền, trạm kiểm tra, chằng chống lại hải đăng, làm tốt công tác ứng phó nên thiệt hại không đáng kể. Bao nhiêu năm canh giữ ngọn hải đăng, chưa một lần ông Nguyên để vụt tắt nguồn sáng diệu kỳ ấy!

“Mỗi lần có thông tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão, điều đầu tiên chúng tôi làm là khẩn trương chằng chống lại ngọn hải đăng. Tuyệt đối giữ ngọn đèn không được tắt để bà con ngư dân quan sát được mà vào tránh bão. Mỗi khi giúp đỡ được bà con tìm phương hướng vào tránh bão, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mà không điều gì có thể so sánh được”.

Trong 22 năm công tác tại các trạm hải đăng, ông Nguyên cho biết bản thân có khoảng 8 năm liền ăn tết ở biển. Tâm lý thì ngày xuân ai cũng muốn sum họp với gia đình, vợ con nhưng với ông đã chuẩn bị tốt tư tưởng ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ.

Đôi mắt xa xăm nhìn lên ngọn hải đăng Đá Tây, ông Nguyên hồi tưởng một câu chuyện ấm áp tình người: “Hồi tết năm 2010, năm đó sóng gió to! Trạm Hải đăng thì hết sạch gạo, mắm, muối, thức ăn. Chỉ huy đảo có lệnh mỗi người góp một ít. Ngư dân vào tránh trú thấy thương nên người thì cho đôi gà, người cho gạo, nước mắm, bánh chưng, người cho con cá để cùng Trạm Hải đăng chúng tôi ăn tết. Vậy là năm đó, Trạm Hải đăng ăn tết lớn nhất đảo”.

Ông Nguyên phì cười cho biết thêm, Tết Mậu Tuất 2018 này, Trạm Hải đăng Đá Tây có gạo, nếp, thịt gà, thịt heo được cấp đầy đủ từ đất liền. Những phần quà đó giúp người công tác ở trạm vừa ấm bụng trong ngày xuân, vừa phấn chấn tinh thần bởi lúc nào cũng được quan tâm và đón nhận tình cảm từ đất liền, từ đồng bào cả nước. Dù ăn tết ở đảo, hay bất cứ nơi đâu, anh em vẫn rất vui vẻ, đoàn kết, vui xuân nhưng tuyệt đối không quên nhiệm vụ. “Là những người công tác ở biển đảo, qua đây tôi cũng muốn gửi lời nhắn về cho gia đình, bà con trong đất liền. Chúc tất cả mọi người sức khỏe, đón một cái tết đầm ấm, hạnh phúc”.

Cuộc trò chuyện với ông Nguyên khá ngắn ngủi, nhưng đã giúp tôi hiểu được phần nào và thêm tự hào về những người giữ hải đăng. Công việc thầm lặng, nhưng tỏa sáng. Thứ ánh sáng mạnh mẽ đã giúp biết bao tàu, thuyền cá của ngư dân an toàn tránh trú gió bão giữa trùng khơi bao la…

Theo Báo Hậu Giang

Chia sẻ bài viết