05/02/2010 - 21:40

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung...

Bút ký: HOÀNG THANH

“Sống trong tù kiên trung bất khuất
Sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”

Bà Lê Ái Tú lúc còn là nữ sinh trường Gia Long. 

Đó là câu đối của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tặng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, những người đã trở về trong chiến thắng từ sào huyệt của kẻ thù, trong một lần gặp mặt. Và tôi cũng muốn mượn câu đối đầy tính nhân văn ấy như một lời khái quát khi viết về cuộc đời cách mạng của bà, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một đời theo Đảng. Bà tên Lê Ái Tú, mà nhiều đồng đội năm xưa vẫn gọi một cách thân mật là Mười Tú...

Tôi đến tìm bà Mười Tú vào một buổi sáng cuối năm. Thời tiết buổi giao mùa se lạnh. Chậu mai vàng trước sân nhà cũng bắt đầu e ấp những bông hoa nở sớm. Ngồi đối diện tôi là người phụ nữ cao niên nhưng vẫn giữ vẻ đẹp mặn mà, nhiều đường nét của một nhan sắc vượt thời gian còn đọng lại trên gương mặt. Nhìn bà, ít ai nghĩ bà đã từng 3 lần bị địch bắt giam, phải chịu nhiều đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Như đọc được những điều tôi nghĩ, bà bắt đầu câu chuyện bằng lời bộc bạch mà không chỉ để nói về mình: “Với những người cộng sản chân chính, trong quá trình hoạt động cách mạng nếu chẳng may bị địch bắt, giam cầm thì lao tù cũng chính là trường học - trường đời lớn nhất để “ngọc càng mài càng sáng””...

Lần đầu tiên bà bị địch bắt là tháng tư năm 1960, khi tham gia xuống đường biểu tình đòi thả các sinh viên, giáo viên đã bị chúng bắt trước đó. Khi ấy, bà còn mang cái tên cha mẹ đặt, Hồ Thị Năm, nữ sinh trường Gia Long - Sài Gòn. Sau hơn 4 tháng giam cầm, tra hỏi về người đã “dụ dỗ” bà xuống đường đấu tranh, thấy không khai thác được gì, chúng gọi ba má bà đến Nha Cảnh sát làm cam kết rồi thả bà ra. Bà kể lại: “Lúc ấy, tôi đã là hội viên Hội Học sinh - sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định hơn 2 năm, cũng biết một số anh chị trong tổ chức, nhưng nói thật, tôi không biết mình được giác ngộ từ khi nào. Có lẽ vì từ bé, tôi bị bọn nhà giàu khinh khi, thấy bọn Mỹ, ngụy coi rẻ nhân mạng và chà đạp dân mình, tôi đã ý thức được thân phận và nỗi khổ nhục của một người dân mất nước. Hồi đó, nhà tôi ở khu Bình Đông, thỉnh thoảng, tôi theo ba má chèo ghe vô sâu trong Rạch Cát. Ai hỏi thì nói là để kiếm mua gạo, củi về xài, nhưng tôi để ý thấy mỗi lần như vậy, ba má gặp gỡ, bàn bạc với một số người chuyện gì có vẻ quan trọng và bí ẩn lắm! Tôi dần hiểu ra có một lực lượng, gồm những con người yêu nước, bảo vệ dân nghèo, trong đó có ba má tôi. Trong thâm tâm tôi nghĩ đó là những người tốt và quyết tâm đi theo”.

Bà dừng câu chuyện để cho tôi xem những tấm ảnh lúc mới bước chân vào trường Gia Long. Dẫu thời gian làm những bức ảnh ố vàng, nhưng cô thiếu nữ Hồ Thị Năm trong ảnh vẫn đẹp rạng ngời với gương mặt trái xoan, chiếc mũi dọc dừa và mái tóc xoăn mềm mại. Bà nói, có lẽ cũng chính nhờ vẻ ngoài mà bà đã nhiều lần “qua mặt” được bọn trinh sát, mật vụ, để thực hiện trót lọt nhiệm vụ mà tổ chức giao. Có lần, hết giờ học, bà lấy ruột trái cau non viết trên bức tường vôi của trường dòng chữ “Đả đảo Mỹ, ngụy - Hồ Chí Minh muôn năm”, sau một đêm, sáng ra dòng chữ hiện ra lồ lộ. Lần khác, bà lấy xấp truyền đơn nhúng nước rồi quăng lên mái ngói của dãy phòng học, đến lúc khô gió thổi truyền đơn bay khắp sân trường... Trước khi bà bị bắt, chẳng ai ngờ rằng người đã làm những việc táo bạo ấy chính là cô “hoa khôi” của trường Gia Long khi ấy. Từ vai trò hội viên, bà bắt đầu chuyển sang tổ chức phong trào, vận động giáo dục học sinh sinh viên đi theo con đường đấu tranh giải phóng đất nước. Ngày 19-5-1964, bà được Chi bộ Học sinh giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định kết nạp vào Đảng. Biết bà là một trong những người đầu tàu trong các cuộc đấu tranh của học sinh sinh viên, tháng 7-1964, kẻ địch bắt giam bà lần thứ 2, nhưng cũng chỉ 2 tháng sau, chúng phải thả bà ra do không tìm được chứng cứ buộc tội. Thấy bà không thể tiếp tục hoạt động nội thành, tổ chức quyết định rút bà về cứ... “Trước khi chính thức thoát ly, tôi bí mật về thăm gia đình” - Bà im lặng thật lâu, như đang hồi tưởng lại từng chi tiết về buổi chia tay hôm ấy. Rồi bà nói tiếp: “Tôi còn nhớ đêm đó là Tết Trung thu. Ba tôi mua bánh trung thu về cho tôi ăn, cả nhà không ai nhắc tiếng nào về chuyện tôi sắp đi xa. Mãi đến lúc tôi lách mình qua cánh cửa sau, ba tôi mới nói: “Gia đình luôn ủng hộ lý tưởng của con. Nhưng con nên nhớ con đường đấu tranh cách mạng còn rất gian khổ. Ba không muốn thấy con trở về khi nước nhà chưa thống nhất”. Tôi hiểu, ngoài việc dặn dò tôi kiên định với lý tưởng, ông còn ngầm dặn dò tôi phải cẩn trọng, giữ mình”...

Bà Lê Ái Tú. 

Lời dặn dò chân tình, nhưng sâu sắc của người cha đã theo bà trong suốt những năm dài tham gia kháng chiến. Theo sự phân công của tổ chức, đầu năm 1965, bà về hoạt động nội thành tại tỉnh Cần Thơ, mang tên mới là Lê Ái Tú. Với kinh nghiệm nhiều năm trong phong trào học sinh sinh viên, bà được phân công phụ trách công tác thanh niên thị xã Cần Thơ. Nhiều cô chú cán bộ lão thành công tác cùng bà những năm tháng đó kể lại, bà rất tích cực, xông xáo trong việc gầy dựng cơ sở, được các đồng chí tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ nội ô thị xã Cần Thơ. Sau trận Tổng tiến công Tết Mậu Thân, nhiều cơ sở nội thành của ta bị lộ, bà cũng bị bắt đưa về Ty cảnh sát Phong Dinh. Ba ngày đầu, chúng cư xử với bà rất “tử tế”, chiêu dụ bà khai ra các đồng chí của ta, nhưng thấy không thể dùng lời lẽ để thuyết phục, chúng chuyển sang dùng cực hình tra tấn. Chúng không cho ăn uống, dùng đủ ngón đòn: dùi cui, kẹp điện, “đi tàu bay”, đổ nước xà phòng... làm bà chết đi sống lại nhiều lần. Bà Mười Tú nhớ lại: “Chúng biết tôi từng liên hệ công tác với anh Bảy Khanh, Bí thư thị xã ủy Cần Thơ, nên kêu tôi miêu tả hình dáng và chỉ điểm để bắt anh. Tôi khai bậy bạ để tránh đòn thù, bọn chúng tìm không ra càng đánh đập dữ hơn. Sang ngày thứ 3, chúng thấy tôi yếu quá, sợ tôi chết nên đưa về phòng giam. Lúc bị bắt, tôi mặc bộ bà ba đen, chiếc quần lưng thun may khá rộng, vậy mà khi về phòng giam, cả người tôi bị đánh sưng đến nổi các chị bị giam cùng phòng không thể nào cởi được quần áo để lau máu và giúp tôi đi vệ sinh, phải dùng một cây kéo lòn vào để cắt vải... Sau này, tôi nghe kể lại, lúc nhìn thấy tôi, có chị đã bật khóc vì nghĩ rằng tôi sắp chết. Ngơi vài ngày, chúng lại gọi lên tra tấn tiếp... Có lúc tôi nghĩ: “Để chúng hành hạ, đánh đập thế này, trước sau gì cũng chết, hay là bây giờ mình cắn lưỡi tự vẫn, vừa đảm bảo giữ bí mật của tổ chức, mà có khi chết nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, chết rồi chúng đưa xác về nhà, trong khi đất nước chưa hòa bình, thì không làm tròn lời hứa với ba má...”. Cứ như thế, dù bị cực hình, tôi luôn động viên mình phải sống để chờ ngày đất nước thanh bình. Biết không thể khai thác được gì ở tôi, một tháng sau chúng giải tôi qua Khám Lớn”...

Tôi từng nghe nhiều cán bộ lão thành có giai đoạn bị bắt, giam cầm trong Khám Lớn kể về cuộc sống nơi đây, vậy mà nghe bà kể lại, lòng tôi vẫn trào dâng cảm xúc khâm phục trước ý chí kiên cường, tinh thần anh dũng đấu tranh, tự vươn lên trong mọi hoàn cảnh của các chiến sĩ cách mạng. Bà kể, căn phòng giam bà và trên 30 chị em khác rộng chưa tới 30m2, bao gồm nơi tắm, vệ sinh. Thường xuyên bị đánh đập, bỏ đói... nhưng các chị em vẫn luôn động viên nhau giữ vững ý chí và niềm tin, biến lòng căm thù thành các phong trào đấu tranh quyết liệt, như: đấu tranh đòi nhà tù cải thiện bữa ăn, không ăn gạo mục, cá ương, chống học tập, đòi quyền tự do văn nghệ... Trong tù, các đảng viên vẫn bí mật thành lập chi bộ, đảng bộ nhà lao; hàng tháng, lợi dụng lúc bọn giám thị cho các tù nhân được họp mặt nhân kỳ thăm nuôi để tổ chức sinh hoạt chính trị, thông tin tình hình thời sự... Có lần, tôi nghe bà Dương Thị Nhi (Năm Thanh), nguyên Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cần Thơ trước đây, một trong những người ở cùng phòng giam với bà Mười Tú, nhận xét về bà: “Chị Mười Tú rất gan dạ, dù trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, lạc quan. Trong tù, chị luôn là một trong những người đầu tàu, tổ chức phong trào cho các chị em đấu tranh. Chính vì vai trò đó mà chúng nhiều lần tách chị biệt giam”. Kỷ niệm về 2 lần biệt giam ấy cũng còn vẹn nguyên trong ký ức của bà. Bà Mười Tú kể: Sau khi nhận được tin Bác Hồ mất, các chị em trong phòng giam tổ chức lễ truy điệu, để tang và lập bàn thờ Bác. Bọn giám thị tức tối tìm cách dẹp bàn thờ nhưng không được nên đưa một số nữ tù tư pháp (thực chất là gián điệp) vào phòng giam để theo dõi hoạt động của các nữ tù chính trị. Bà giang tay chắn ngang cửa, thách chúng đưa người vào. Tên giám thị cầm dùi cui định đánh, bà nhanh tay xô hắn té xuống mương bị thương. Sau lần đó, chúng bắt bà cùng 5 cán bộ nữ khác đưa vào xà lim. Bà và các đồng chí tuyệt thực, gần 10 ngày đêm không ăn, không uống, đòi được về phòng, nên chúng đành nhượng bộ. Thời điểm hiệp định Paris sắp ký kết, kẻ địch dùng đòn “tâm lý chiến”, hàng ngày đều phát loa, cử người đến vận động tù nhân chiêu hồi. Lần đó, bà đuổi tên giám thị ra khỏi phòng, tuyên bố: “Tù nhân phòng này ai cũng một lòng theo Đảng, theo cách mạng, không có ai chiêu hồi đâu. Kẻ nào chiêu hồi, tôi sẽ đập đầu!”. Lần này, chúng đưa bà và 5 chị em khác biệt giam trong xà lim Ba Cục. Nhưng cũng bằng hình thức đấu tranh liên tục, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng đành trả cả nhóm về phòng giam ở Khám Lớn. Sau lần đó, bà và các chị em bị biệt giam lúc đó được Đảng ủy nhà lao Khám Lớn tặng 8 chữ vàng: “Gương mẫu đầu tàu - Anh dũng bất khuất”...

Trong nhà tù đế quốc, ngoài dùng cực hình tra tấn, bọn giám thị còn đánh vào tâm lý, tình cảm của những người bị chúng giam cầm, bằng cách gợi lên tình cảm gia đình, tương lai, hạnh phúc... hòng lung lạc tinh thần tù nhân. Không ít chiến sĩ cách mạng đã gục ngã vì “viên đạn bọc đường” ấy. Thế nhưng, trong hoàn cảnh nào, bà Mười Tú cũng giữ tấm lòng kiên trung. Nhiều cán bộ cách mạng bị giam cùng bà còn nhớ câu chuyện, có lần, tên giám thị phòng giam gọi bà lại, nói: “Cô xinh đẹp vậy mà theo cách mạng chi để chịu cảnh tù đày, mai mốt chồng con lỡ dở. Nếu cô từ bỏ cách mạng sẽ được chính quyền bảo trợ toàn bộ về vật chất, cũng có cơ hội tìm hạnh phúc riêng cho mình”. Bà trả lời đanh thép: “Ông lầm rồi, người phải ở nhà tù này là các ông. Cách mạng nhất định chiến thắng”.

Sau hơn 5 năm giam giữ, kẻ thù đánh giá bà là “bất trị”, nên dù không thể tiếp tục giam cầm, chúng cũng tìm cách giam lỏng. Cuối năm 1974, chúng đưa bà và 2 nữ cán bộ khác đến “chỉ định cư trú” ở Thới An, quận Ô Môn, hòng mượn tai mắt của các đối tượng Hòa Hảo chống cách mạng theo dõi. Lợi dụng lúc chúng sơ hở, bà cùng 2 đồng chí trốn thoát, tìm đường về căn cứ... tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng đến ngày toàn thắng.

* * *

Ánh nắng cuối năm vàng ngọt ngào như mật, mới vậy mà đã hơn 12 giờ trưa. Tôi chào bà để ra về mà lòng luyến tiếc thời gian quá ngắn ngủi để có thể nghe bà kể hết những gì đã trải qua, trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Bởi tôi biết, sau giải phóng, với nhiều vị trí quan trọng trong ngành tòa án, chắc chắn bà Mười Tú cũng đã nhiều lần nêu cao phẩm chất, kiên định, mưu trí, dũng cảm để giữ gìn sự trong sạch của xã hội, bình an cho nhân dân. Cả những hy sinh thầm lặng về hạnh phúc làm vợ, làm mẹ mà bà không tiện nói... Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi mình, bởi trong dặm dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã ngời sáng biết bao tấm gương kiên trung với cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì quê hương, đất nước. Trong đó, có biết bao chiến công thầm lặng, những anh hùng không để lại họ, tên... Nhưng cái họ để lại cho cuộc đời là khí phách anh hùng thì không bao giờ phai nhạt, mà luôn nối tiếp thành truyền thống, lan tỏa, thấm đượm từ những người Việt Nam thế hệ này sang thế hệ khác, dù người ở quê hương hay người ở xa nơi góc bể chân trời...

Chia sẻ bài viết