22/02/2020 - 10:15

Ngoại ngữ - chìa khóa tiếp cận y học tiên tiến 

Trong xu thế hội nhập quốc tế, thời gian qua, ngành y tế TP Cần Thơ mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay cho việc hợp tác, chuyển giao kỹ thuật và trao đổi giáo dục giữa các bên chính là ngoại ngữ.

Tăng cường năng lực ngoại ngữ

Cuối năm 2019, Đoàn chuyên gia của Hội Phổi Pháp – Việt tới thăm và làm việc tại Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ. Dịp này, bác sĩ Madalina Grigoroiu, Phó Chủ tịch Hội – Trưởng đoàn chuyên gia, ngỏ ý yêu cầu Ban Giám đốc BV giới thiệu những cán bộ y tế có chuyên ngành phù hợp và biết tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh, để họ đưa sang Pháp tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành ngắn hạn, được hỗ trợ toàn bộ chi phí từ đi lại, ăn ở, học hành. Tuy nhiên, BV chưa có ứng cử viên phù hợp.

Các bạn sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ và sinh viên y khoa quốc tế tham gia khám bệnh từ thiện, cấp phát thuốc miễn phí. Ảnh: CTV

Kiến thức y khoa không ngừng được cập nhật, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Cán bộ y tế sau khi đã học tập kiến thức chuyên ngành từ các đầu sách, nguồn tài liệu trong nước, cần bổ sung kiến thức từ các tài liệu, tạp chí quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Từ đó thấy rằng, trình độ ngoại ngữ hiện nay rất quan trọng, đặc biệt đối với nguồn lực cán bộ y tế trẻ. Các chương trình y khoa thường lồng ghép các môn học ngoại ngữ phù hợp chuyên ngành đào tạo. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ với tầm nhìn phát triển thành đại học trọng điểm với các chương trình đào tạo tiên tiến – xuất sắc, hội nhập, đã chủ động đưa học phần ngoại ngữ chuyên ngành (tiếng Anh chuyên ngành, tiếng Trung chuyên ngành) vào dạy cho sinh viên từ năm thứ nhất.

Mặc dù chủ động hội nhập như vậy, Trường Đại học Y dược Cần Thơ vẫn gặp khó về nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ, có thể tham gia học tập ở nước ngoài khi có cơ hội, thông qua các chương trình trao đổi giáo dục. Gần 10 năm qua, Trường Đại học Y dược Cần Thơ hợp tác với Tổ chức Trao đổi giáo dục y khoa Hoa Kỳ MEET (Medical Educational Exchange Team), gồm các chuyên gia đến từ Mỹ, Anh và nhiều nước trên thế giới. Cùng với việc cử các tình nguyện viên đến khám chữa bệnh nhân đạo và trao đổi giáo dục tại Cần Thơ, MEET cũng mong muốn phía Cần Thơ cử người sang các nước phương Tây để có thể tiếp cận với nền y học tiên tiến. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, nguồn nhân lực song toàn hai yếu tố chuyên môn và ngoại ngữ để đi du học nước ngoài còn hạn hẹp.

5 năm trở lại đây, ngành y tế thành phố đẩy mạnh hợp tác quốc tế, với rất nhiều dự án, chương trình liên quan về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản lý y tế như BV Đa khoa TP Cần Thơ, BV Ung bướu TP Cần Thơ, BV Tim mạch TP Cần Thơ… Theo bác sĩ CKII Trần Quốc Luận, ngoại ngữ là một trong những chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực y khoa. Vì thế, thời gian qua, BV Tim mạch xác định đầu tư ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ y tế đơn vị là một nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, BV chú trọng đầu tư về Nhật ngữ, để chuẩn bị cho tiềm năng hợp tác rất lớn với các đối tác đến từ Nhật Bản.

Điều dưỡng Lê Li Ly, Tổ trưởng Tổ hợp tác quan hệ quốc tế BV Tim mạch TP Cần Thơ cho biết, với cầu nối là ngoại ngữ, từ năm 2016, BV đã tiếp cận với các đối tác Nhật, thông qua chương trình Mekong Delta, còn gọi là chương trình HealthWISE, nhằm thôi thúc tiềm năng của mỗi nhân viên y tế thực hiện cải tiến điều kiện làm việc, mang lại hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Theo đó, BV có rất nhiều cải tiến đơn giản, làm được ngay, ít tốn kém chi phí mà lại thuận tiện cho cán bộ y tế và người bệnh như: dụng cụ đo huyết áp đạp bằng chân, ghế xoay cho bệnh nhân, các biểu bảng thông báo nội quy khoa, phòng.

Đó là một trong những lợi ích to lớn có thể thấy được khi các BV hội nhập, với chìa khóa ngoại ngữ. Anh Lê Hoàng Hải, chuyên viên của Sở Y tế TP Cần Thơ, chia sẻ, ngoại ngữ giúp tiếp cận những khóa học bổng ngắn hạn và dài hạn, nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời, có thể tranh thủ các mối quan hệ quốc tế để được hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin. Nhờ có năng lực ngoại ngữ tốt, anh Hoàng Hải thường xuyên là thông dịch viên chính cho Sở Y tế thành phố tiếp các đoàn chuyên gia nước ngoài đến Cần Thơ làm việc. 2 tháng cuối năm 2019, anh Hải đã tham gia khóa tập huấn tại văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương ở đất nước Philippines. Đây là cơ hội giao lưu, học hỏi các quy trình, mô hình hay trong công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Bí quyết học tốt ngoại ngữ chuyên ngành

Bác sĩ Tấn Thọ, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh chuyên ngành, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, dù được nhà trường chủ động trang bị kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành, nhưng để sử dụng thành thạo và lâu dài thì bản thân sinh viên phải hiểu rõ giá trị, vai trò của việc học tập, nghiên cứu ngoại văn y khoa. Vì lý do đó, nhiều CLB ngoại ngữ chuyên ngành được thành lập tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và giao về cho các Đoàn Khoa phụ trách quản lý. Các CLB là sân chơi giao lưu, học tập và rèn luyện kỹ năng ứng dụng ngoại ngữ chuyên ngành vào thực tiễn. Từ đó tổ chức các buổi sinh hoạt, các cuộc thi học thuật cho toàn thể sinh viên trường tham gia, trau dồi kiến thức. Qua đó, nhiều sinh viên đủ kiến thức dịch thuật tài liệu y khoa, tiếp đoàn sinh viên y khoa quốc tế, đủ bản lĩnh nộp đơn xin du học và được các trường đại học y khoa quốc tế chấp thuận.

Hiện nay, xác định tầm quan trọng của hội nhập quốc tế, nhiều BV thực hiện chính sách khuyến khích cán bộ - nhân viên nâng cao trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trong công tác tuyển dụng, cũng ưu tiên, cộng điểm cho ứng viên có năng lực ngoại ngữ tốt. Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, BV thanh toán lại chi phí học tập và thưởng 5 triệu đồng cho cán bộ có chứng chỉ B1, B2 đối với tiếng Anh. Các bác sĩ có năng lực ngoại ngữ tốt, giỏi chuyên môn, có tiềm năng phát triển, khi du học nước ngoài, cũng được BV hỗ trợ kinh phí học tập. Theo bác sĩ CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Tim mạch TP Cần Thơ, BV tạo điều kiện hỗ trợ hết sức cho các bác sĩ, điều dưỡng đam mê ngoại ngữ bằng nhiều cách: hỗ trợ thời gian, một phần kinh phí hoặc tìm cách xin học bổng cho các bạn.

Cô La Diễm Nhân, người sáng lập và quản lý trang Facebook Anh văn Y khoa Cần Thơ – nơi hỗ trợ và hướng dẫn các bạn học tiếng Anh chuyên ngành y khoa, cho biết: Các yếu tố thời gian và sự nỗ lực của bản thân, kiên trì mỗi ngày vẫn là then chốt cho quá trình tiếp cận bất cứ ngoại ngữ nào. Đồng thời, xác định mục tiêu cụ thể cho việc học ngoại ngữ để từ đó, bản thân từng bước nỗ lực, đạt mục tiêu đề ra. Đối với tiếng Anh trong học thuật y khoa và môi trường khám chữa bệnh, đầu tiên là mọi người phải có vốn tiếng Anh căn bản tốt, tiếp theo là tự tìm đọc các bài báo về y học thường thức trước; học kỹ năng tra từ điển y khoa.

Bạn Trương Minh Ánh Mai, sinh viên Y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hiện đang là Phó Ban chủ nhiệm CLB Anh văn chuyên ngành Khoa Y (MESC) kể, trước khi vào CLB, rất ngại đứng trước đám đông trình bày quan điểm bằng tiếng Anh. Nhờ quá trình tham gia MESC, Ánh Mai trải nghiệm những hoạt động giao lưu với các bạn sinh viên quốc tế, có kinh nghiệm giao tiếp tiếng Anh tại các buổi hoạt động ngoại khóa “Listening and Speaking”, vượt qua thử thách trình bày quan điểm của mình về một vấn đề nào đó bằng tiếng Anh, hay thử sức làm MC cho cuộc thi tiếng Anh “Road to MESC”. Những cơ hội đó giúp bản thân bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh dạn hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

THU SƯƠNG 

Chia sẻ bài viết