16/10/2008 - 09:56

Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững

Đó là chủ đề của Hội thảo quốc gia do Bộ Ngoại giao tổ chức trong hai ngày 15-16/10 tại Hà Nội, với sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Tham dự Hội thảo có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng; nhiều nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, nhà văn hóa lớn có uy tín, nhà doanh nghiệp thành đạt...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nêu rõ mục đích của hội thảo nhằm xác định rõ hơn vai trò và nội hàm của ngoại giao văn hóa trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Những kiến nghị, đề xuất và kết luận tại Hội thảo này sẽ là cơ sở cho cuộc thảo luận tiếp theo tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 26 được tổ chức đầu tháng 12 tới, từ đó xây dựng chiến lược tổng quan về ngoại giao văn hóa và đề xuất các biện pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa công tác này, để ngoại giao văn hóa thực sự hòa quyện với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp của ngoại giao hiện đại Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngoại giao văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, vừa là nền tảng tinh thần, vừa là biện pháp và mục tiêu của chính sách đối ngoại Việt Nam, bổ trợ rất hữu hiệu cho các trụ cột khác, tạo thành một chỉnh thể chính sách đối ngoại, phát huy tốt nhất sức mạnh dân tộc và kết hợp hiệu quả với sức mạnh thời đại. Thông qua việc quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của Việt Nam, ngoại giao văn hóa nhằm chuyển tới bạn bè quốc tế thông điệp về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, cởi mở, đang thực hiện đổi mới thành công, phát triển nhanh, bền vững và đóng vai trò ngày càng lớn hơn ở khu vực và trên thế giới.

Bà Vibeke Jensen, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Ngoại giao văn hóa là một trong những thành tố chính trong quan hệ ngoại giao của thế kỷ 21, bởi vì ngoại giao văn hóa có khả năng giải quyết những thách thức lớn của thời đại theo hướng bền vững, đó là những thách thức về sự bất bình đẳng, bất công bằng, nghèo đói và xung đột. Theo bà Vibeke Jensen, nhiều chương trình của UNESCO có thể đóng góp cho chương trình ngoại giao văn hóa của Việt Nam. Ngoài việc quảng bá văn hóa của Việt Nam ra thế giới thông qua những chương trình Di sản Thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể và du lịch, các chương trình của UNESCO cũng tập trung vào những vấn đề liên quan đến đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa.

Trong 2 ngày, Hội thảo sẽ tập trung làm rõ 3 nội dung lớn: Ngoại giao văn hóa: vai trò, nội hàm, kinh nghiệm của các nước và thông điệp của Việt Nam; các biện pháp thúc đẩy ngoại giao văn hóa; cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực.

Tại phiên thảo luận đầu tiên, ý kiến của các đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Khánh, Vũ Khoan; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; Giáo sư Vũ Khiêu... đều khẳng định vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa. Các ý kiến đều khẳng định, ngoại giao văn hóa không phải là nhiệm vụ của bất kỳ một ngành nào, mà cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp và cả cộng đồng. Mỗi người Việt Nam dù sống ở trong nước hay nước ngoài đều là một sứ giả của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, cùng với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa, việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của người dân về ngoại giao văn hóa là rất cần thiết...

NGUYỄN THỊ SỰ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết