15/09/2010 - 21:25

Nghĩa tình ông chủ đò Bảy Thôn

Là chủ nhiều bến đò ngang, ngoài công việc đưa rước khách sang sông, ông còn “đưa” không ít học sinh nghèo vững bước đến trường. Không chỉ thế, với nếp sống giản dị, luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con khi bệnh hoạn, gặp khó khăn, nghĩa cử của ông được nhiều người mến phục. Người chủ bến đò có tấm lòng đáng quý ấy là ông Huỳnh Văn Thôn (Bảy Thôn), ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

* TINH THẦN KHUYẾN HỌC

Vào những ngày đầu tháng 9-2010, ông Bảy Thôn rất bận rộn. Ngoài việc điều hành các bến đò đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, ông còn lo chuẩn bị dụng cụ học tập, quần áo để tặng cho học sinh nghèo trong và ngoài huyện Phong Điền nhân dịp đầu năm học mới. Gặp chúng tôi, ông Bảy vui vẻ nói: “Chú em thông cảm chờ tôi một chút! Còn mấy chục cuốn tập, tranh thủ đóng gói cho xong để ngày mai trao tặng cho mấy em học sinh trong huyện nhân ngày khai giảng năm học mới. Của ít lòng nhiều, phần quà cũng chẳng đáng là bao nhưng tôi nghĩ sẽ là động lực giúp học sinh nghèo hiếu học thêm quyết tâm, vượt qua những rào cản trong cuộc sống, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”.

Ông Huỳnh Văn Thôn.   

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, đông anh em, vợ chồng ông Bảy Thôn phải bươn chải, làm thuê, làm mướn nhiều nghề để kiếm sống qua ngày. Nhưng nhờ siêng năng lao động, tằn tiện trong chi tiêu nên vợ chồng ông mới có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Năm 1999, vợ chồng ông Bảy chuyển từ huyện Vĩnh Thạnh về huyện Phong Điền lập nghiệp. Ông Bảy cho biết: “Trước kia, cuộc sống vợ chồng tôi khốn khó dữ lắm. Quê gốc ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, nhưng đất đai ít, canh tác không đủ ăn, làm đủ thứ nghề vậy mà cái nghèo, cái đói cứ đeo đuổi gia đình tôi hoài. Từ khi tôi quyết định chuyển sang nghề đưa đò ngang, sửa chữa ghe, xuồng, cuộc sống mới đỡ hơn trước. Mấy năm nay làm ăn suôn sẻ, tôi mới có điều kiện ủng hộ cho mấy em học sinh nghèo học giỏi”.

Hồi còn chèo đò đưa khách qua kinh Cái Sắn, ở huyện Vĩnh Thạnh, ông Bảy Thôn được nhiều người biết đến với việc miễn tiền đò cho học sinh, thầy cô giáo. Đến nay, làm chủ gần chục bến đò ngang, việc làm này vẫn được ông Bảy duy trì. “Mỗi ngày một bến đò có ít nhất vài chục học sinh qua lại, nếu thu phí đò cũng hơn 10 ngàn đồng/ngày/bến đò, sở hữu gần chục bến đò, tính sơ sơ hàng tháng ông Bảy Thôn đóng góp cho xã hội cũng trên 3 triệu đồng chứ đâu có ít”- một phụ huynh đưa con đi học qua bến đò Vàm Xáng (ở huyện Phong Điền) do ông Bảy Thôn làm chủ- nói. Nhưng đối với ông Bảy Thôn, tham gia công tác xã hội thì tính toán làm gì, nó xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện. Ông Bảy Thôn nói: “Có người vài chục năm đưa đò miễn phí cho học sinh hay dắt học sinh qua đường để đảm bảo an toàn, cũng có người đóng góp bạc tỉ, việc làm của tôi so với những người đó có đáng là bao!”.

Tuy số tiền ông Bảy Thôn đóng góp cho phong trào khuyến học chưa đến bạc tỉ nhưng nghĩa cử của ông thể hiện tinh thần khuyến học, khuyến tài, giúp nhiều học sinh vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tấn, ở xã Nhơn Ái, phụ huynh có con được ông Bảy Thôn giúp đỡ nhiều năm liền, cảm động nói: “Năm học 2007-2008, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi định cho con trai đầu lòng lúc đó đang học lớp 12 nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Nhà nghèo lo cái ăn, cái mặc còn đuối, nói chi đến chuyện cho con đi học. Biết chuyện, anh Bảy Thôn không chỉ tặng quà, tiền mà còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, từ đó làm gia đình thay đổi cách nghĩ, tiếp tục cho con đi học. Nay con tôi đã tốt nghiệp trung cấp, có việc làm ổn định. Được vậy cũng là nhờ tấm lòng của anh Bảy”.

* NHIỆT TÌNH GIÚP NGƯỜI HOẠN NẠN

Dù đã có căn nhà khá khang trang nhưng bà Trần Thị Hai vẫn không thể nào quên được khoảng thời gian trước kia sống trong căn nhà dột nát. Là một trong những hộ nghèo của xã Nhơn Nghĩa, căn nhà xiêu vẹo, trống trước hở sau, vậy mà qua nhiều năm gia đình bà Trần Thị Hai vẫn không đủ tiền sửa chữa. Được chính quyền địa phương quan tâm, cùng với sự nhiệt tình ủng hộ của ông Bảy Thôn, năm 2009 gia đình bà Trần Thị Hai được tặng căn nhà tình thương, trong đó ông Bảy Thôn đóng góp 10 triệu đồng. Bà Trần Thị Hai cho biết: “Gia đình quá nghèo, tôi thì bệnh triền miên, mấy người con lao động cật lực nhưng chỉ đủ tiền thuốc thang hằng ngày cho tôi. Trước đây, căn nhà hư hỏng nặng, gia đình tôi chỉ biết lấy tấm ni lông che chắn tạm, chứ đâu có tiền cất mới. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, của chú Bảy Thôn, đã xây dựng cho căn nhà tình thương, giờ gia đình tôi an tâm làm ăn, không còn cảnh nhà dột, cột xiêu nữa”.

Câu chuyện gia đình ông Bảy Thôn nửa đêm đưa chị Kim Anh (ở ấp Thị Tứ, xã Nhơn Nghĩa) đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cách đây hơn 6 tháng, khiến nhiều người rất cảm động. Hôm đó, khoảng hơn nửa đêm, ở bến đò Vàm Xáng bỗng ồn ào bởi tiếng khóc la của người nhà chị Kim Anh. Đêm khuya, chờ xe cấp cứu đến thì lâu, còn đi xe máy thì chị Kim Anh bệnh nặng, ngồi không được, ông Bảy Thôn liền lấy ôtô chở chị Kim Anh đi cấp cứu. Nhưng do bệnh tình quá nặng, chị Kim Anh đã qua đời sau đó. Đây không phải là lần đầu tiên ông Bảy Thôn đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhà gần bến đò Vàm Xáng, thường xuyên gặp người bệnh nặng, ông Bảy Thôn sẵn lòng lấy ô tô nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở bệnh viện. Chị Trần Thị Ngọc Dung ở xã Nhơn Nghĩa, một trong số những người bệnh được ông Bảy Thôn đưa đi cấp cứu, nhớ lại: “Sau khi đưa tôi đến bệnh viện, thấy hoàn cảnh tôi thiếu thốn, ông Bảy Thôn quay về lấy tiền đem ra cho mượn. Ông còn ở lại cùng người thân của gia đình tôi, chạy lo thuốc thang...”.

Ông Tạ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Phong Điền, cho biết: “Nhiều năm qua, ông Huỳnh Văn Thôn tham gia tích cực phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương bằng những việc làm thiết thực. Không những thế, ông Thôn còn thường xuyên đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, xây nhà tình thương, đặc biệt ông luôn sẵn lòng giúp đỡ, đưa đi cấp cứu kịp thời nhiều trường hợp bị bệnh nặng, tai nạn giao thông,... số tiền ông đóng góp hàng năm cho công tác xã hội ở địa phương cũng gần cả trăm triệu đồng. Tấm lòng nhân ái của ông Huỳnh Văn Thôn xứng đáng được ghi nhận, biểu dương và nhân rộng”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết