26/04/2009 - 10:19

Ông Huỳnh Văn Thuận, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Cần Thơ:

Nghị định 23 góp phần quản lý trật tự xây dựng, nâng cao ý thức người dân

 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 23/2009/NĐ-CP (Nghị định 23) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Xung quanh việc thực hiện nghị định này, ông Huỳnh Văn Thuận, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ. Ông cho biết:


- Nghị định 23 là căn cứ để xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Ngoài việc bị phạt tiền, còn có thể bị thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Cụ thể như sau:

Trong hoạt động xây dựng, chủ đầu tư có các hành vi như: tự thực hiện khảo sát xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực, không thực hiện giám sát khảo sát xây dựng hoặc không tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Các chủ đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng gồm: tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, tổ chức thi công xây dựng sai thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; xây dựng sai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn Giấy phép xây dựng... Sau khi có quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm, thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có).

Đối với các nhà thầu, nếu vi phạm một trong những hành vi như: nghiệm thu khống, tổ chức bàn giao công trình cho chủ sở hữu, sử dụng công trình khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định, báo cáo tài liệu, số liệu khảo sát không trung thực, không đúng quy định dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế 2 lần trở lên... sẽ bị phạt từ 80 đến 100 triệu đồng.

Trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, hành vi bán, cho thuê mua bất động sản thuộc diện phải qua sàn giao dịch bất động sản mà không thông qua sàn giao dịch; kinh doanh các bất động sản không đủ điều kiện hoặc không được phép đưa vào kinh doanh... bị phạt từ 60 đến 70 triệu đồng.

Nghị định 23 sẽ quy định chặt chẽ hơn trong quá trình xây dựng các công trình cao tầng. (Trong ảnh: Một chung cư đang xây dựng ở khu dân cư Hưng Phú, Nam Cần Thơ). 

Trong lĩnh vực khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, Nghị định này quy định phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng không có tiêu chuẩn chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công bố; kinh doanh vật liệu xây dựng nhập khẩu không có xuất xứ.

Về quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, các tổ chức, cá nhân xây dựng các loại công trình trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước trong khu vực bảo vệ an toàn nguồn nước mặt bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng; tự ý đục tuyến ống nước thô hoặc đường ống truyền tải nước bị phạt từ 60 đến 70 triệu đồng.

Trong quản lý phát triển nhà ở và công sở, các chủ đầu tư không dành quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, không đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo đúng dự án đã được phê duyệt... sẽ bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.

Ngoài việc áp dụng các hình thức phạt tiền, phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, một số hành vi vi phạm còn phải được công bố trên trang tin điện tử của Bộ Xây dựng và của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...

* Tình hình vi phạm trên lĩnh vực xây dựng ở thành phố từ đầu năm đến nay ra sao? Nghị định 23 sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý xây dựng, nâng cao ý thức người dân, thưa ông?

- Có thể nói, từ đầu năm đến nay, qua hơn 3 tuần triển khai kiểm tra xây dựng ở các quận, huyện và một số phường, kết quả cho thấy các tổ chức, cá nhân đã có ý thức cao hơn trong các hoạt động xây dựng. Hộ dân cá thể hầu hết đều xin phép xây dựng khi xây cất nhà ở, chỉ trừ ở những khu vực nông thôn, trước đây còn là ấp (không xin phép xây dựng) vẫn còn tồn tại vi phạm. Tuy nhiên, qua kiểm tra còn phát hiện một số cá nhân hộ gia đình ở một số địa phương mới chuyển lên phường xây dựng sai phép, không có giấy phép. Nhưng họ viện lý do xây dựng trên đất không có thổ cư nên không thể xin phép xây dựng hoặc không có tiền chuyển mục đích sử dụng đất, trong khi nhu cầu xây nhà để cho con cái lập gia đình ra ở riêng đang rất bức xúc... Nhưng đây là những lý do không chính đáng, vì hiện nay nhà nước có chủ trương cho nợ tiền chuyển mục đích sử dụng đất...

Nghị định 23 ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý xây dựng, nâng cao ý thức người dân, nhất là thành phố đang phấn đấu trở thành đô thị loại 1 trong năm nay. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng tôi buông lỏng công tác thanh tra, quản lý xây dựng, mà Nghị định 23 sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn để chúng tôi thực hiện công tác quản lý trong xây dựng, nâng cao ý thức người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đang băn khoăn, mức phạt cao sẽ có trường hợp không chấp hành nộp phạt, các biện pháp hành chính như cưỡng chế nhiều hơn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, phức tạp cho ngành chuyên môn thực thi nghị định này... Đó là chưa kể khối lượng công việc của đội ngũ thanh tra viên sẽ nhiều hơn, trong khi lực lượng này ở các quận, huyện và cả thanh tra Sở Xây dựng vẫn còn thiếu rất nhiều...

* Thưa ông, mức xử phạt như thế có đủ răn đe và giúp người dân nâng cao ý thức hơn và khi nào thành phố chính thức triển khai nghị định này trên địa bàn?

- Ngày 24-4-2009, Bộ Xây dựng triển khai Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này và 1-5-2009 chính thức có hiệu lực. Cho nên, hiện nay chưa thể kiểm chứng vào thực tế, nhưng theo tôi, với mức phạt theo Nghị định mới người dân sẽ “ngán” (mức phạt tối đa lên 500 triệu đồng) và có ý thức hơn trước trong lĩnh vực này.

Còn thời điểm triển khai, theo kế hoạch của Sở Xây dựng, sau khi Bộ Xây dựng triển khai Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 23, chúng tôi sẽ kết hợp triển khai tới các quận, huyện, xã, phường đồng bộ trên toàn thành phố trong tháng 5-2009 (từ 4-18/5/2009) để cán bộ chuyên trách nắm vững triển khai nghị định này. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai tốt nghị định. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền qua báo, đài... để cho người dân, cán bộ nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, làm đúng chủ trương chính sách của nhà nước, chứ không phải mục đích để xử phạt các hành vi vi phạm...

* Xin cảm ơn ông.

AN KHÁNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết