23/03/2011 - 20:56

Ngày mới ở vùng đất "gan rùa"

Ngoài tôm, gia đình anh Lê Quốc Đỉnh, ấp Cây Cui có nguồn thu nhập đáng kể từ việc bán cua.

Ông Ba Duyên chê vùng đất xấu, bỏ quê làm dân thương hồ. 20 năm sau ông trở lại, vùng đất cằn cỗi một thời không làm ông thoát khỏi cảnh nghèo, nay lại nhanh chóng giúp ông khấm khá...

Bỏ quê vì đất khó

Tròn 60 tuổi đời nhưng tướng ông Ba Duyên gầy còm, đầu bạc, da nhăn... như cụ già 80. Thế nhưng, trong cách ăn nói, ông còn khá nhanh nhạy. Gặp lại ông vẫn cách nói pha trò như ngày nào: “Từng tuổi nầy tôi mới thoát được nghèo, già bao nhiêu đó nhằm nhò gì. Đời mà cậu em, ai biết trước chữ ngờ...”.

Đúng là không biết trước chữ “ngờ”! Bởi lần đầu tiên tôi gặp ông cách nay gần 6 năm ở miệt rừng Cà Mau, ông còn là dân hàng thịt, hàng cá, làm chỉ tạm đủ ăn qua ngày. Vậy mà giờ đây, ông đã có nhà cửa khang trang. Đằng sau cái nhà tường còn thơm mùi sơn của ông Ba Duyên là cánh đồng nuôi tôm sú rộng lớn. Một vụ tôm gia đình ông thu lợi vài chục triệu đồng. Đồng đất hái ra tiền như vậy mà một thời giam dài ông không ngó ngàng gì tới.

Hơn 20 năm về trước, Ba Duyên bỏ quê (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi) rong ruổi cùng chiếc xuồng ba lá xuống miệt rừng Cà Mau với nghề bán dao Ngang Dừa-một sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng ở huyện Hồng Dân. Vài năm sau, ông chuyển sang nghề bán lá dừa nước. Được chừng 5 năm, ông lại chuyển sang nghề buôn thịt heo. Trên bước đường mưu sinh ấy, ông phải lòng và gá nghĩa với một phụ nữ ở vùng nuôi tôm Đầm Dơi- Cà Mau, rồi ở rể nơi đó cho tới ngày hồi hương. Trở lại sau hơn 20 năm, tài sản duy nhất của ông là một bà vợ cùng một đứa con trai vừa tròn 20 tuổi. “Không ai muốn rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng đất ruộng nhà tôi trồng lúa không được, cây ăn trái, hoa màu cũng không sống nổi, chỉ có cây dừa nước sống thôi. Mà thời đó, dừa nước ở đâu cũng có, bán không ai thèm mua. Tình cảnh như vậy bám quê có nước chết đói. Xứ này có rất nhiều người cũng bỏ quê đi làm ăn như tui vậy” - Ba Duyên kể lại!

Đất nuôi tôm trúng như vậy mà chú chê gì nữa- tôi gặng hỏi. “Hồi đó khác, bây giờ khác ...”-Ba Duyên hắng giọng. Dứt lời, ông dẫn tôi ra sau nhà dạo quanh cánh đồng nuôi tôm. Ông Ba Duyên nói: “Loại đất ở đây người địa phương gọi là đất “hào lền”. Đất bị nhiễm phèn vàng, pha với cây và vỏ lá cây mục nên rất xốp, dễ bể giống như gan con rùa. Bởi vậy nó còn có tên gọi là đất gan rùa. Mặt ruộng đào sâu xuống hơn 1 thước mới hết loại đất đó nhưng gặp phải loại đất sét cứng, bị nhiễm phèn xanh lè. Đất phèn như vậy thì lúa, hoa màu... làm sao mà sống nổi”.

Vùng đất khó... hồi sinh

Đầu năm 2005, ông Ba Duyên trở về lập nghiệp trên vùng đất gan rùa. Vốn liếng dành dụm bao nhiêu năm chỉ đủ để ông thuê cẩu vào phá đồng ruộng toàn dừa nước mọc dày đặc. Hết tiền, ông thế chấp bằng khoán đất hơn 4ha vay ngân hàng 40 triệu đồng để mua vôi, con giống... Ông Ba Duyên kể: “Lúc đầu mới làm vuông, 1 công đất ở đây tôi phải quăng gần 1 tấn vôi bột mới hãm được nạn xì phèn. Lúc trời mưa phải quăng vôi bổ sung. Nuôi tôm ở đây năm nào cũng phải thuê phương tiện vô ép bờ bao lại cho cứng, cho dẻ, bởi đất xốp quá không giữ được nước để nuôi tôm. Mãi đến vụ thứ 3, nó mới ngon được như bây giờ chứ mấy vụ đầu, tiền lời chỉ đủ chi phí con giống, bón vôi, đổ xăng bơm nước vô đồng tôm”.

Từ năm 2000, tỉnh Bạc Liêu chủ trương cho huyện Hồng Dân chuyển đổi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa. Do đặc thù đất gan rùa không trồng được lúa, nên toàn bộ đất sản xuất ở ấp Cây Cui chỉ toàn nuôi tôm. Ông Trần Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Vùng đất gan rùa nằm giáp ranh với cái đuôi của “cánh đồng chó ngáp”, diện tích khoảng 18.000ha, rải rác ở các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A. Trong đó, tâm điểm đất khó sản xuất nhất là tại Cây Cui, trên 2.000ha”.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi sản xuất, thời gian qua, ngành chức năng huyện Hồng Dân thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân trong vùng, hướng dẫn nông dân cách nuôi, chọn lựa cây, con giống phù hợp. Nhờ nắm bắt tốt kỹ thuật canh tác nên việc sản xuất của nông dân trong vùng nhanh chóng mang lại hiệu quả. Như trường hợp của ông Ba Duyên, chỉ sau vài vụ nuôi sú thành công, giờ đây ông không những trả được nợ ngân hàng mà còn dư tiền cất được nhà tường.

Ngoài nuôi tôm, nông dân ở vùng đất này bây giờ còn nuôi xen canh nhiều loài thủy sản khác như cua, cá chẻm, cá bống tượng... để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. Anh Lê Quốc Đỉnh, ấp Cây Cui, cho biết: “Làm lúa, trồng cây ăn trái không được chứ đất vùng này nuôi tôm đỡ lắm. Trúng có 4 vụ tôm mà gia đình tôi xây được nhà tường, lát gạch men, hơn 200 triệu đồng. Từ sau tết tới giờ, đều đều mỗi tháng thu tôm hơn 10 triệu, chưa tính nguồn thu từ cua, có ngày bán cua gần 2 triệu đồng”.

Chiều muộn, ông Ba Duyên cùng mấy ông bạn già ở xóm ngồi uống trà rủ rỉ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bàn tính chuyện nuôi tôm. Trong xóm tiếng máy dầu bơm nước ngoài sông vô vuông tôm vang ình ịch đều trời. Xóm của ông bây giờ nhà tường thi nhau mọc lên, quán xá cũng thấy xuất hiện nhiều. Không lâu nữa, xe hon đa, xe bốn bánh sẽ về tới xứ này, bon bon trên đường làng...

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết