15/01/2022 - 05:38

Ngành Tư pháp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo đột phá trong cải cách hành chính

(CT) - Chiều 14-1, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đến dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2021, triển khai công tác năm 2022. Hội nghị được thực hiện với hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 93 điểm cầu trên địa bàn thành phố.  

Năm 2021, Sở Tư pháp thành phố tập trung thực hiện tốt các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành. Ban hành 18 báo cáo thẩm định dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố, 3 báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết, 22 báo cáo thẩm định dự thảo Quyết định của UBND thành phố; tự kiểm tra 12 Quyết định do UBND thành phố ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền 1 nghị quyết, 2 quyết định  do HĐND, UBND quận, huyện ban hành. Qua đó, phát hiện sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày và căn cứ ban hành. Các sở, ban, ngành, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận, huyện phối hợp tuyên truyền được 8.919 cuộc với 242.174 lượt người dự. Sở đã biên soạn và phát hành 6.800 quyển “Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật”; cập nhật, bổ sung Sổ tay các văn bản về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên trang thông tin điện tử của Sở; biên soạn và phát hành 210.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật.

Các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 1.597 vụ, việc; hòa giải thành 1.273 vụ, việc chiếm tỷ lệ 80%. Tổ công tác theo dõi, hỗ trợ phòng tư pháp quận, huyện các vấn đề về phòng, chống dịch COVID-19 của Sở đã tư vấn và hỗ trợ cho địa phương hơn 107 lượt các trường hợp khó khăn, vướng mắc về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước; quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý được quan tâm thực hiện. Đơn vị đã tham mưu UBND thành phố thực hiện đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài 4 trường hợp…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện quyết liệt thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thể chế nhanh các văn bản về cơ chế đặc thù của TP Cần Thơ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần thực hiện sâu, rộng. Cố gắng thúc đẩy các nhóm bổ trợ tư pháp phục vụ yêu cầu phát triển của ĐBSCL. Bên cạnh đó, ngành cần quan tâm đột phá trong lĩnh vực cải cách hành chính như ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục ngắn gọn, đúng quy định, con người có năng lực, trách nhiệm…

S.HÀ

Chia sẻ bài viết