29/09/2016 - 20:12

Ngành nông nghiệp thành phố sẵn sàng hội nhập

Những năm qua, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế biến thủy sản; đồng thời thay đổi cơ cấu sản xuất, tập trung nuôi trồng các sản phẩm mang thế mạnh, lợi thế riêng của thành phố… Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tiến trình hội nhập và thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 Khởi sắc từ Cánh đồng lớn

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" và Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-TLĐ-BNNPTNT của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công đoàn Sở NN&PTNTTP Cần Thơ đã khuyến khích công nhân, viên chức, lao động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến nhằm thúc đẩy việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương theo hướng hội nhập. Theo chị Tôn Thị Út, Chủ tịch Công đoàn Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hằng năm Ban Thường vụ Công đoàn Ngành phối hợp với Ban Giám đốc xây dựng và triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo nhằm phát huy tối đa các nguồn lực trong công nhân viên chức lao động và bà con nông dân trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tăng cường phối hợp thực hiện liên kết "4 nhà". Bên cạnh đó Đảng ủy Sở và Công đoàn Ngành cũng đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện Mô hình Dân vận khéo, xây dựng Cánh đồng mẫu lớn.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tham quan mô hình trồng hoa trên bờ ruộng. Ảnh: CTV 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" từ vụ hè thu 2011 (quy mô 400 ha tại huyện Vĩnh Thạnh) và đến năm 2015 thành phố mở rộng mô hình thành phong trào "Cánh đồng lớn" với diện tích hơn 17.630ha/vụ. Trong đó có 63ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Việc áp dụng mô hình sản xuất tập trung đã tạo điều kiện phát huy hiệu quả liên kết "4 nhà", thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân. Nông dân tham gia mô hình biết được tầm quan trọng của việc sử dụng giống lúa khỏe nên ngay từ đầu vụ, 100% nông dân đã sử dụng giống xác nhận, sản xuất cùng một loại giống, giảm lượng giống gieo sạ 60-100kg/ha, bón phân cân đối, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó, nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng cao lợi nhuận so với các cánh đồng ngoài mô hình, bảo vệ môi trường sinh thái, cùng tạo ra nông sản có chất lượng cao và an toàn, tăng lợi nhuận từ trên 2,9 – 5,5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, phương thức tổ chức liên kết đa dạng; bước đầu hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua, có liên kết nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo hình thức khép kín. Các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa được cơ giới hóa hoàn toàn. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cày ải đáp ứng 100% nhu cầu, trong đó hiện đang khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng với diện tích 65 ha.

 Nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến hữu ích

Không riêng đề tài xây dựng Cánh đồng lớn, nhiều sáng kiến, mô hình khác đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương. Trăn trở với việc phát huy hiệu quả mô hình xây dựng "Cánh đồng lớn", Thạc sĩ Lê Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đã có sáng kiến thực hiện "Mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng phục vụ Cánh đồng lớn tại TP Cần Thơ". Thạc sĩ Lê Văn Tính cho biết: "Khi nhắc đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì yêu cầu về chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu. Giống cây trồng, vật nuôi nói chung và giống lúa nói riêng là mắt xích đầu tiên trong chuỗi giá trị của ngành hàng nông nghiệp, có giống lúa tốt thì mới có được năng suất chất lượng tốt". Sáng kiến này được thực hiện từ năm 2013-2015, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống nhân giống lúa trong việc ứng dụng, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống lúa; áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất giống chất lượng cao; đưa các tiến bộ kỹ thuật về giống vào sản xuất. Đồng thời, xây dựng nguồn giống lúa chủ lực có chất lượng cao, đảm bảo cung ứng đủ giống phục vụ nhu cầu giống lúa chất lượng cao trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Theo Thạc sĩ Lê Văn Tính, trước đây, nông dân làm giống lúa tốt từ cấp xác nhận trở lên chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 43%, thì hiện nay tỷ lệ nông dân làm lúa giống chất lượng tốt đạt trên 80% với nhiều loại giống chất lượng, như: Jasmine 85, OM4218, OM5451,… Giống được sản xuất tại địa phương nên có giá thành hạ, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái từng vùng, thuận lợi cho nông dân tiếp cận sử dụng giống có chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất. Theo tính toán giá giống sản xuất tại địa phương cung ứng đến người nông dân sản xuất rẻ hơn một số nơi khác gần 15-20%, nông dân sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất và được hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ nếu gặp vấn đề phát sinh.

Thực hiện phong trào thi đua ứng dụng khoa học vào sản xuất, những năm qua, cán bộ, nhân viên Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều đề tài thiết thực, như: đề tài "Xây dựng quy trình đóng gói, bảo quản, tồn trữ sản phẩm rau an toàn theo quy mô nông hộ", dự án "xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP tại TP Cần Thơ", "xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, cải thiện dinh dưỡng đất, tăng hiệu quả sản xuất lúa";… Trong đó, dự án "Xây dựng mô hình công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại trên lúa tại TP Cần Thơ" do Thạc sĩ Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ làm chủ nhiệm là một trong những đề tài nổi bật. Theo Thạc sĩ Kim Thúy, sự tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường ngày càng xuất hiện với tần suất cao, dịch bệnh cũng diễn biến ngày càng phức tạp trong khi "Cơn sóng thần thuốc trừ sâu hóa học độc hại đã và đang làm suy giảm tính đa dạng sinh học, tiêu diệt quần thể thiên địch, ký sinh trong ruộng lúa, gây bộc phát rầy nâu hại lúa trong những năm gần đây tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Trước thực trạng đó, việc triển khai ứng dụng "Mô hình công nghệ sinh thái" hay còn gọi là "Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng" là yêu cầu cần thiết để kiến thiết lại đồng ruộng, tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng theo ý muốn nhằm thu hút thiên địch đến diệt trừ rầy nâu và sâu hại lúa, thu hút những sinh vật có ích trong đồng ruộng, hình thành một hệ sinh thái phong phú và cân bằng ở mức cao, giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường. Theo đó, để thực hiện đề tài, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã thực hiện 18 mô hình về công nghệ sinh thái (diện tích 0,5 ha/mô hình). Đến nay, mô hình này được nhân rộng trên gần 150 ha tại các huyện Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai.

 Ứng dụng khoa học công nghệ - chìa khóa hội nhập

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ khi có Nghị quyết số 06-NQ/HND của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển nông nghiệp của thành phố. Chỉ tính riêng trong năm 2015, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 12.359,3 tỉ đồng, tăng 23% so năm 2005. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng. Kinh tế tập thể tiếp tục được đổi mới và phát triển, bước đầu thể hiện được vai trò trong định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển ngành nghề và xóa đói giảm nghèo. Số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp gia tăng đáng kể (đến cuối năm 2015 là 82 hợp tác xã, tăng 34 hợp tác xã so năm 2005). Việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh đã góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình xây dựng và phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 2-6-2008 của UBND thành phố, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện công tác lập quy hoạch 3 Khu nông nghiệp công nghệ cao và các dự án thuộc Chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, để thu hút các nguồn lực khoa học công nghệ, thành phố đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh vùng ĐBSCL, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tăng cường phối hợp nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các viện trường (Viện Lúa ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ…). Công tác hợp tác quốc tế được xúc tiến tăng cường; hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân được thực hiện tích cực, tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Qua đó đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng liên kết, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, gia tăng thu nhập người dân nông thôn, từng bước góp phần đưa diện mạo nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại.

H. VÂN

Chia sẻ bài viết