24/07/2012 - 20:47

Ngân hàng chia khó cùng doanh nghiệp

DN đang chờ ngân hàng chia sẻ khó khăn (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Trung Anh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), từ đầu năm 2012 đến nay, khó khăn trong việc tiếp cận vốn luôn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp (DN). Trong cuộc họp hội viên quý II/2012, CBA tập trung thảo luận về “Điều kiện để DN tiếp cận vốn ngân hàng theo Thông tư 14/2012/TT-NHNN (ngày 4-5-2012) của Ngân hàng Nhà nước”. Tại đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ và một số ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thành phố cùng đối thoại với các DN về các điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng.

* DN chờ ngân hàng chia sẻ

Trong 6 tháng đầu năm 2012, để tìm hiểu hoạt động và đồng hành cùng DN, lãnh đạo TP Cần Thơ cùng các sở, ngành, CBA đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát hoạt động của DN trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký CBA, khó khăn mà DN gặp phải là hàng tồn kho không bán được; nhiều đối tác chậm thanh toán, dây dưa không trả tiền hàng cho DN; nguyên vật liệu đầu vào cao nhưng không thể tăng giá đầu ra; doanh thu sụt giảm và không đủ tiền trả lương cho công nhân. Đặc biệt là các DN vẫn khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng. Những khó khăn này không mới, trong khi cách giải quyết và tháo gỡ của các ngành chức năng, ngân hàng chậm nên “sức khỏe” của DN ngày càng yếu.

Chủ trương giảm lãi suất cho vay và giảm lãi suất huy động của NHNN từ cuối năm 2011 đến nay nhằm giúp DN có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Song, rất nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, vẫn chưa tiếp cận được vốn lãi suất thấp này, do thiếu tài sản thế chấp, ngân hàng sàng lọc cho vay. Tại cuộc đối thoại giữa ngân hàng và DN mới đây, DN đặt ra hàng loạt vấn đề đối với ngân hàng, như: DN đang khó khăn, ngân hàng có cách nào hỗ trợ DN tiếp cận vốn hay không? Thiếu tài sản thế chấp ngân hàng, nhưng hàng tồn kho của DN cao thì liệu ngân hàng có chấp nhận cho DN thế chấp bằng hàng tồn kho để vay vốn không? Có thể vay vốn thế chấp bằng uy tín thương hiệu của DN không? Theo một số NHTM tại TP Cần Thơ, ngân hàng đang thừa vốn nhưng DN không đủ điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng, nên không thể cho vay. Ngân hàng buộc phải cân nhắc khi thẩm định hồ sơ cho vay vì lo ngại tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu khó đòi. Các khoản vay và đối tượng cho vay ngân hàng sẽ chọn lọc tùy thuộc vào tình hình tài chính và trích dự phòng rủi ro của từng ngân hàng.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, Phó Chủ tịch CBA, đề xuất: “Các ngân hàng đưa ra điều kiện nếu DN muốn tiếp cận vốn thì phải có phương án kinh doanh khả thi. Vì vậy, khi DN trình bày phương án để được vay vốn, nếu chưa khả thi theo các điều kiện của ngân hàng thì ngân hàng có thể cử nhân viên xuống tư vấn, hỗ trợ DN lập dự án khả thi”. Theo ông Trượng, trong điều kiện đôi bên cùng khó, nếu ngân hàng có thể chia sẻ với DN để tháo gỡ thì chắc chắn vấn đề tiếp cận vốn sẽ thuận lợi hơn.

DN phải minh bạch tài chính

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương chi nhánh Cần Thơ, trước đây, với uy tín của mình, DN có khả năng sẽ được vay nếu dự án khả thi. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay  thì uy tín của DN vẫn không đủ đảm bảo làm căn cứ cho vay. Bởi hiện các ngân hàng vay vốn trong hệ thống cũng phải có tài sản thế chấp mới vay được chứ không riêng gì DN.

Đối với đề xuất của các DN (nếu phương án kinh doanh khả thi thì ngân hàng có cân nhắc cho DN vay vốn)- ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chi nhánh Cần Thơ, nói: “Vấn đề này, DN đã từng được ngân hàng cho vay theo cách này thì khi khó khăn có thể đến trình bày với chính ngân hàng ấy để cùng chia sẻ và tháo gỡ, thay vì tìm đến một ngân hàng mới. Bởi tiêu chí đánh giá của các ngân hàng không giống nhau, nếu tiêu chí của ngân hàng mới đánh giá đây là dự án không khả thi thì DN sẽ càng khó tiếp cận vốn hơn nữa”...

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cung- cầu vốn chưa gặp nhau. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía ngân hàng thì ngân hàng đang rất sẵn lòng và luôn tìm kiếm khách hàng. Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, VietinBank đang chú trọng phát triển tín dụng và thực hiện chỉ đạo của NHNN. “Theo quy định của VietinBank, DN phải có báo cáo tài chính của cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện hoặc báo cáo quyết toán của cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ tính toán các hệ số tài chính để đáp ứng yêu cầu vay vốn của khách hàng. Ngoài ra, VietinBank cũng chú trọng tìm kiếm các khách hàng mới và sẵn sàng hướng đến đối tượng DN nhỏ và vừa”- ông Trung khẳng định.

Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ và Thông tư 14 của NHNN, đối với 4 lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Cần Thơ áp dụng lãi suất tối đa là 12%/năm. Những khách hàng có tài sản minh bạch, hạng tín nhiệm cao thì lãi suất cho vay ở mức 11-11,5%/năm. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, BIDV áp dụng mức lãi suất cạnh tranh từ 9-11% khi DN thực hiện dịch vụ trọn gói tại BIDV. Ông Bạch Nam Trung, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, BIDV ưu tiên thực hiện Nghị quyết 13 đối với các khách hàng cũ để giúp khách hàng giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... Đối với khách hàng mới, BIDV sẽ có các tiêu chí rõ ràng kèm theo một số điều kiện ràng buộc, nhất là báo cáo tài chính phải đảm bảo độ tin cậy. Đặc biệt là ngay cả trong trường hợp DN không có tài sản thế chấp nhưng có phương án khả thi, báo cáo tài chính minh bạch, BIDV sẵn sàng phục vụ. Tùy từng trường hợp cụ thể BIDV sẽ có cách chia sẻ với DN”.

“Vách ngăn” trong tiếp cận vốn tín dụng đang được các ngân hàng cùng DN nỗ lực tháo gỡ sẽ là điều kiện để khơi thông vốn tín dụng, giúp DN vượt qua giai đoạn khó. Trong thời điểm này, các DN cũng phải tự thân vận động để vượt qua cái khó của chính mình.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

DN đang chờ ngân hàng chia sẻ khó khăn (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Trung Anh, quận Cái Răng, TP C̐

Chia sẻ bài viết