Đà Lạt ngay từ khi hình thành đã có “công năng gốc” là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng. Người Đà Lạt, với những nét tính cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách đã tạo nên ấn tượng rất riêng. Song, bảo tồn và phát huy bản sắc, sắc thái văn hóa ấy là công việc không hề dễ dàng trong quá trình phát triển.
Phố núi lên đèn.
Đặc sắc văn hóa cư dân
Bác sĩ người Pháp A.Y-éc-xanh trong chuyến thám hiểm năm 1893, đã ghi lại cảm xúc về những cư dân bản địa: “Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Lang Biang. Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách…”. Có lẽ, đó là những xúc cảm tốt lành để A.Y-éc-xanh hình thành ý tưởng khởi lập đô thị giữa miền sơn cước Đà Lạt.
Theo Địa chí Đà Lạt, chỉ sau một thời gian ngắn, dân số Đà Lạt tăng lên đáng kể, năm 1923 là 1.500 người, sau đó hai năm tăng lên 2.400 người và đến năm 1939 là 11.500 người. Khi nghiên cứu về dân tộc học ở vùng Đông - Nam Á lục địa, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp G.Côn-đô-mi-nát, đã nhận xét: “Tất cả các nước Đông - Nam Á đều là các quốc gia đa dân tộc. Có thể ở những nơi khác cũng cùng là nhóm cư dân các dân tộc từ khắp mọi miền của Việt Nam, mang sắc thái văn hóa quê hương mình đến cùng tô điểm cho bức khảm văn hóa Đà Lạt ngày thêm rực rỡ”. Từ đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa trải qua biết bao thời gian cho đến nay là cả một quá trình biến động của lịch sử, lý do tạo nên những dòng hợp cư đến với Đà Lạt. “Chính lẽ đó, có thể nói, nét tính cách của người Đà Lạt là sự chắt lọc, quyện hòa giữa tính thật thà, hồn nhiên của người dân tộc thiểu số bản địa với nét tế nhị, trọng lễ nghĩa của người miền bắc; vẻ suy tư, trầm mặc, cẩn trọng của người Thừa Thiên - Huế; tính cần cù, cương nghị của người Quảng Nam, Quảng Ngãi; nét đôn hậu, phóng túng của người phương nam; cách giao tiếp khéo léo của người Hoa và tinh thần cầu tiến, không cố chấp của người Pháp”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên nhận định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho rằng, khi nói đến văn hóa Đà Lạt là nói đến bản sắc văn hóa độc đáo, được tạo nên bởi nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất nam Tây Nguyên. Trong đó, những nét cơ bản và văn hóa ứng xử của con người Đà Lạt, được hình thành trên cơ sở hội tụ những gì tinh túy nhất của bản sắc văn hóa cư dân bản địa và các miền Tổ quốc. Nói đến người Đà Lạt là nói đến phong cách đặc trưng hiền hòa, thanh lịch, mến khách; đã đi vào văn học, nghệ thuật và là đề tài, nguồn cảm hứng không bao giờ cạn đối với văn nghệ sĩ. Phong cách đó đã lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước, góp phần làm nên một Đà Lạt đầy quyến rũ.
Cố Giáo sư Hồ Tấn Trai, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn và Văn hóa học, Trường đại học Đà Lạt, từng viết: Nói phong cách Đà Lạt, tức nói phong cách người Việt Nam đã có một quá trình Đà Lạt hóa. “Thiên nhiên, khí hậu Đà Lạt có tầm quan trọng lớn trong việc quy định tính tình người Đà Lạt. Đà Lạt một ngày như có bốn mùa, rất dễ chịu; đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất. Những yếu tố đó ảnh hưởng tốt tới tinh thần, thái độ vui vẻ, cởi mở, hiếu khách của họ”, ông phân tích.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt Nguyễn Ước đã có những nghiên cứu về tính cách cư dân Đà Lạt xưa và nay cho rằng, tính cách của một cộng đồng cư dân chịu sự tác động và chi phối bởi điều kiện tự nhiên và xã hội. Với người Đà Lạt, vừa mang phong cách chung của người Việt Nam, vừa có nét riêng được khái quát thành “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, cũng chịu ảnh hưởng bởi hai điều kiện nêu trên rất rõ. Theo ông Ước, Đà Lạt quanh năm se lạnh khiến người ta sống “chậm” hơn những vùng khí hậu nóng nực. Cách ăn mặc của người Đà Lạt cũng kín đáo, trang nhã và tề chỉnh hơn. Ban đêm, nhiệt độ thường xuống thấp, khiến người Đà Lạt “ngại” đi ra ngoài, do đó gia đình có nhiều dịp gặp gỡ, sẻ chia; cha mẹ có điều kiện giáo dục, chỉ dạy con cái nhiều hơn…
Một nhà nghiên cứu mô tả cách ăn mặc của người Đà Lạt vào những năm 1950, rằng: Khi đặt chân đến Đà Lạt là bạn để ý ngay cách phục sức của người dân. Khí hậu lạnh tạo cho họ một cách phục sức đường hoàng, trang nhã… Từ những người phu xe, buôn gánh bán bưng, những người lao động đến các cậu học sinh, các công chức, tất cả đều phục sức rất đặc biệt theo từng mức sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một chị bán đậu hủ, với gánh hàng nhỏ bé nhưng vẫn tươm tất trong chiếc áo dài trắng thanh cảnh, khoác bên ngoài là chiếc áo len. Bộ com-lê mà bạn rất “sợ” khi phải mặc ở Sài Gòn và đã giấu kỹ trong đáy tủ, sẽ rất hợp cho bạn khi ở Đà Lạt. Về nữ sinh, cái áo muôn thuở của các cô là áo len mầu đen. Vào những buổi tan học, các nữ sinh đua nhau rẽ khắp ngả đường, phất phơ tà áo lụa trắng, nổi bật chiếc áo len đen với chiếc nón bài thơ xinh xinh xứ Huế...
Chính sự mát lạnh của khí hậu Đà Lạt tạo nên trang phục của người Đà Lạt luôn kín đáo, trang nhã; trong giao tiếp luôn giữ thái độ ôn hòa lịch thiệp, cởi mở…
Gìn giữ nét riêng Đà Lạt
Đà Lạt, miền đất khí hậu mát mẻ quanh năm, là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, là thành phố ngàn hoa quanh năm khoe sắc. Khí hậu, hoa, cây cỏ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng “duyên” của người Đà Lạt níu chân nhiều người về phố núi. Đà Lạt đang có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức: Việc quản lý đô thị chưa đi vào nền nếp, nhiều căn nhà xây mới không theo quy hoạch đã phá vỡ bố cục tổng thể chung, những rừng thông đang hẹp dần... Trong vòng xoáy của sự phát triển, những nét đẹp, phong cách của người Đà Lạt ít nhiều bị ảnh hưởng. Liệu Đà Lạt có còn giữ, phát huy được những sắc mầu nền nã, tao nhã mà những người yêu Đà Lạt luôn tìm kiếm, luôn thương nhớ để quay về? Khi tình trạng “cò” du lịch đang làm “đục” hình ảnh du lịch phố núi, mảng xanh thưa dần trong phố, hiếm thấy cảnh “người lưa thưa chìm dưới sương mù”… Nhịp sống phố núi giờ vội vã hơn, thưa vắng những nụ cười. Có thể, chỉ là cá biệt, nhưng điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nét thanh lịch, mộng mơ của Đà Lạt.
Tại hội thảo “Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: văn minh - thân thiện - an toàn”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt tổ chức mới đây, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Vũ Hoàng, tổng đạo diễn nhiều kỳ Festival hoa Đà Lạt cho rằng: Đà Lạt xưa và Đà Lạt nay đều đẹp. Nhưng xưa hay nay đẹp hơn? Tôi chắc rằng, khó ai trả lời Đà Lạt nay đẹp hơn, bởi thực trạng Đà Lạt đang xấu đi, những cánh rừng bị chặt phá, những kiến trúc bị xâm hại, hàng quán lộn xộn, nói thách, chặt chém, giành khách… trở nên phổ biến.
Thực tế, Đà Lạt đã phát triển rất xa so với trước đây, dân số đã lên đến hơn 227 nghìn người. Hằng năm, phố núi thu hút khoảng sáu triệu lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận chia sẻ, hiện các loại hình du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển phong phú, đa dạng; đời sống người dân không ngừng nâng cao và nhịp sống ở Đà Lạt ngày càng sôi động hơn. Bên cạnh những yếu tố tích cực, còn có những hạn chế cần khắc phục, trong đó, đáng chú ý là sự xuống cấp về văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ người Đà Lạt.
Trước hết, cần tạo lập không gian sống văn minh cho Đà Lạt, cẩn trọng trong phát triển du lịch, bởi môi trường sống văn minh quyết định hành vi ứng xử văn minh. Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng: “Bản sắc văn hóa Đà Lạt hình thành từ mối quan hệ hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và tinh hoa văn hóa nguyên quán của cư dân. Thế giới càng phẳng thì bản sắc văn hóa càng cần được giữ gìn, tôn vinh, trân trọng. Bản sắc văn hóa người Đà Lạt có ý nghĩa tạo ra nét riêng, đặc sắc rất cần cho hình ảnh du lịch Đà Lạt”.
Để phát huy văn hóa ứng xử góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, di sản văn hóa và ứng xử thân thiện với thiên nhiên; xây dựng chế tài thực hiện ở thành phố du lịch… “Vẫn biết rằng, giáo dục, “xây” là chính, nhưng với những trường hợp vi phạm thì phải xử phạt. Có hai sức mạnh mang đến sự yên ổn đó là pháp luật và đạo đức”, ông Khuất Minh Phương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng chia sẻ. Năm 2017, trên cơ sở Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai trên phạm vi cả nước, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai và nhấn mạnh việc phát huy văn hóa ứng xử của người Đà Lạt, trong xây dựng hình ảnh du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng “văn minh - thân thiện - an toàn”.
Đà Lạt đã và đang được nhìn nhận là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, của khu vực và quốc tế. Du khách đến Đà Lạt không chỉ để đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên, mà còn chiêm ngưỡng phong thái người Đà Lạt; không chỉ thưởng thức đặc sản mà còn ngắm nhìn ánh mắt và nụ cười hiền lành của họ; không phải thuê phòng để nghỉ, mà đi tìm những giấc mơ đẹp... Đó phải chăng là “triết lý” phát triển du lịch Đà Lạt? Nhưng làm thế nào để bảo tồn và phát huy bản sắc, văn hóa địa phương, là vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển của TP Đà Lạt hôm nay và trong tương lai.
Theo Báo Nhân Dân