15/05/2012 - 08:33

Thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ

Nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo

Sau hơn hai năm triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg về đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chỉ thị 296), các cơ sở GDĐH trên địa bàn TP Cần Thơ đã có sự chuyển biến đáng phấn khởi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Song, quá trình thực hiện Chỉ thị 296 ở các trường vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Nâng dần chất lượng đào tạo

 Giờ thực hành của sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Với mục tiêu tạo sự đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện GDĐH, Chỉ thị 296 đã thổi luồng gió mới vào các cơ sở GDĐH, nhất là các cơ sở GDĐH ở Cần Thơ. Theo Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (CEA), chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn của các trường ĐH, CĐ. Bởi vì, “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội là cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo ở các trường. Chỉ thị 296 ra đời là cơ sở pháp lý giúp các trường có những giải pháp hợp lý nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trên các tiêu chí mà Chỉ thị 296 đưa ra, các cơ sở GDĐH sẽ dựa vào đó thực thi, không phải “mỗi nơi làm một kiểu”. Ông Dương nói: “Trường đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với nhiều chủ đề khác nhau, như “Làm sao đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo?”, hội thảo đánh giá chương trình, giáo trình đào tạo,... nhằm giúp cán bộ, giảng viên hiểu rõ về chất lượng đào tạo của trường, những mặt mạnh, yếu, để phấn đấu giảng dạy tốt hơn. Qua đó giúp nhà trường biết mình ở vị trí nào để nỗ lực phấn đấu”. Từ học kỳ II, năm học 2010-2011, CEA đã tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường để các giảng viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống trang thiết bị để có kế hoạch trang bị thêm cho phù hợp với tình hình sản xuất của ĐBSCL...

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị 296 thực chất là thực hiện tốt “3 công khai” về: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tài chính, nhất là công khai về công tác đào tạo của trường. Nhiều năm qua, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thực hiện khá hiệu quả công việc này. Theo Thạc sĩ Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã tổ chức hội thảo, ghi nhận ý kiến góp ý về công tác quản lý, hoạt động đào tạo của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên. Trên cơ sở đó, trường xây dựng chương trình hành động cụ thể, tập trung vào những vấn đề lớn như: hoàn thiện chương trình đào tạo từ đầu vào đến đầu ra; phát triển quản lý nhân sự và đội ngũ nhân sự về chất lượng lẫn số lượng... Một trong số các tiêu chí của trường được đánh giá cao là đội ngũ cán bộ giảng dạy ngày càng phát triển về chất lượng, số lượng. Nếu như năm 2009, trường có 109 giảng viên (43 thạc sĩ, 2 tiến sĩ) thì nay có 133 giảng viên (68 thạc sĩ, 9 tiến sĩ, 12 nghiên cứu sinh). Trường đã đưa vào sử dụng khu nhà ở sinh viên 4 tầng, thư viện điện tử, nhà thi đấu đa năng...

Không riêng gì hai trường CĐ trên mà các trường CĐ, ĐH khác cũng thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị 296, như: ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Đô, CĐ Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ... Trong đó Trường ĐH Cần Thơ- trường ĐH lớn nhất vùng ĐBSCL-đã và đang nỗ lực rất lớn để thực hiện tốt Chỉ thị 296. Trường đã thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang đào tạo theo học chế tín chỉ, đầu tư trang thiết bị thực hành hiện đại, giáo trình tài liệu... Trường đầu tư 1.000 máy tính công phục vụ cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên học tập theo đào tạo học chế tín chỉ tốt nhất. Trường đã xây dựng qui chế chi tiêu nội bộ minh bạch, chỉ rõ trách nhiệm của cán bộ trong từng công việc cụ thể. Ban hành qui chế quản lý nghiên cứu khoa học trong toàn trường nhằm khuyến khích cán bộ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Còn nhiều việc phải làm

Không thể phủ nhận sự cần thiết của Chỉ thị 296 vì đã giúp các trường dần “thay da đổi thịt” từ khâu giảng dạy đến quản lý đào tạo. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường, Chỉ thị 296 vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các trường. Thạc sĩ Lê Thái Dương cho biết: “Mặc dù có nhiều cố gắng nỗ lực thực hiện các tiêu chí nhưng chúng tôi nhận thấy các mặt chỉ ở mức trung bình- khá. Bởi cơ sở vật chất của trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với qui mô đào tạo hiện nay. Là trường CĐ nhưng thực tế kỹ năng nghiên cứu, thực nghiệm của học sinh sinh viên vẫn còn hạn chế, mảng hợp tác quốc tế chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư cho các trường nói chung, CEA nói riêng chưa thực sự mang tính đột phá”. Thạc sĩ Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, cũng đồng tình quan điểm này. Theo ông Liêm, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 296, trường cũng gặp khó khăn bởi kinh phí đầu tư cho các trường công lập còn thấp so với yêu cầu phát triển. Một thời gian dài, trường phải “gói ghém” để đầu tư cho mọi hoạt động thực sự hiệu quả, như: kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, giảng viên...

Một khía cạnh khác khiến không ít cán bộ quản lý các trường băn khoăn là việc Bộ GD&ĐT “quên” đánh giá kiểm định chất lượng ở các trường. Ông Dương nói: “Theo sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã gửi báo cáo đánh giá cho Bộ, nhưng hầu như các báo cáo gửi đi đều không có sự phản hồi từ Bộ”. Còn ông Liêm thì cho rằng, dù đã được Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho cán bộ trường tham gia lớp tập huấn về kiểm định chất lượng nhưng đến nay vẫn chưa tham gia thực hiện công tác kiểm định bao giờ. Theo lãnh đạo các cơ sở GDĐH ở Cần Thơ, từ khi triển khai kiểm định chất lượng giáo dục, hầu như các các cơ sở đều chưa nhận được văn bản phản hồi đánh giá, cũng như Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục từ Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, đây là cơ sở để các trường đánh giá chất lượng đào tạo, biết mình đang ở vị trí nào để hoàn thiện hơn nữa, giúp học sinh chọn lựa trường tốt, trường chưa tốt.

Rõ ràng, để các trường thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 296 của Chính phủ, ngoài sự nỗ lực của các trường, đòi hỏi có sự đầu tư kinh phí, con người, cũng như tăng quyền tự chủ hơn nữa cho các trường. Theo các nhà quản lý giáo dục, đi đôi với việc đầu tư, Bộ nên sớm ban hành Luật GDĐH, phản hồi sớm việc kiểm định chất lượng giáo dục (đánh giá ngoài) của từng trường, để tạo lòng tin cho xã hội về GDĐH.

Bài, ảnh: B. KIÊN

Chia sẻ bài viết