19/02/2016 - 20:59

Nặng lòng với những điệu múa Khmer

Dù có hoàn cảnh sống khác nhau- người quen với việc bếp núc, vun vén gia đình; người chạy xe ôm kiếm sống- nhưng họ có chung niềm đam mê và quảng bá tinh hoa của những điệu múa Khmer. Đó là nghệ nhân Đào Thị Riêng (58 tuổi) và Lý Tha (54 tuổi), cùng ngụ ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Truyền lửa...

Tại chương trình "Sắc xuân miệt vườn" diễn ra tại Bảo tàng Cần Thơ những ngày trước Tết Nguyên đán, các tiết mục của chị em bà Riêng, ông Tha thu hút khách tham quan. Trên nền nhạc ngũ âm, những điệu múa Lâm thôn, Lâm liêu, Sarikakeo… được ông bà trình diễn vui tươi, uyển chuyển và cuốn hút. Ban đầu, ông bà mời khán giả lên múa cùng, ai cũng ngại nhưng sự thân tình và tận tâm hướng dẫn của họ đã "kéo" hàng chục người lên sân khấu. Nhìn những học sinh, sinh viên vừa bỡ ngỡ vừa thích thú với những động tác tay, nhịp chân đặc trưng của nghệ thuật múa dân tộc Khmer, có thể cảm nhận ông Tha- bà Riêng đã thành công khi quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình với khách tham quan. Em Nguyễn Thị Tố Như, ngụ quận Ninh Kiều, hồ hởi: "Múa của dân tộc Khmer rất đẹp. Điệu múa đòi hỏi sự mềm mại, kết hợp hài hòa giữa tay, chân, đầu khiến em rất thích và ấn tượng".

Ông Tha - bà Riêng hướng dẫn học sinh múa Khmer tại chương trình "Sắc xuân miệt vườn".

Ông Lý Tha nói rằng, ông rất vui khi nhìn thấy sự say mê và yêu thích của khán giả khi chị em ông trình diễn. Trước đây, ông bà từng hướng dẫn sinh viên Đại học Tây Đô múa trong dịp Ngày Di sản Việt Nam 23-11-2015 do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức và đặc biệt là dịp trình diễn trong sự kiện Tuần lễ Văn hóa- Du lịch ĐBSCL tại Hà Nội (từ 16 đến 19-11-2015). Bà Riêng nhớ lại, mỗi buổi múa Khmer đều có hàng ngàn khán giả đến xem, trong đó có khá đông người nước ngoài. "Nhiều "ông Tây" lên sân khấu múa theo chúng tôi. Lúc đầu cũng lúng túng lắm nhưng dần rồi quen, cùng nhau múa ca trên nền nhạc ngũ âm"- bà Riêng kể.

Với hai nghệ nhân dân tộc Khmer này, họ chưa bao giờ nghĩ mình có thể đứng trên sân khấu lớn để trình diễn văn hóa dân tộc phục vụ khán giả và càng không ngờ sự đón nhận nhiệt tình của mọi người. Bởi suốt mấy mươi năm qua, ông Tha và bà Riêng chỉ truyền nghề cho con em Khmer quanh chùa Settodor (huyện Cờ Đỏ) và biểu diễn trong dịp các lễ hội của người Khmer ở địa phương. Ông Lý Tha chia sẻ: "Còn gì vui hơn khi văn hóa dân tộc mình được mọi người trân trọng đón nhận".

Tình yêu văn hóa Khmer

Ông Tha và bà Riêng có thời là diễn viên của các đoàn nghệ thuật Khmer. 21 tuổi, bà Riêng đã là diễn viên chính của Đoàn Dù kê ở Cờ Đỏ do cố nghệ nhân Lâm Tồn gầy dựng. Trong mỗi vở dù kê thời ấy, bà Riêng thường được phân các vai công chúa, tiểu thư nhờ thanh sắc và những điệu múa uyển chuyển. Bà Riêng kể, mỗi dịp lễ hội của dân tộc Khmer, đoàn hát sáng đêm ở chùa để phục vụ bà con. "Có người mang cả nọc cấy theo, coi hát xong tới sáng, đi cấy lúa luôn"- bà Riêng hồi tưởng. Sau khi gánh hát tan rã, bà Riêng từ giã nghiệp diễn, có chồng sinh con rồi vun vén gia đình suốt mấy mươi năm qua dù tình yêu múa hát vẫn âm thầm tồn tại. Hai năm trở lại đây, bà Riêng được ngành văn hóa thành phố mời đi trình diễn văn nghệ nên bà rất vui.

Khác với bà Riêng, con đường đến với nghệ thuật Khmer của ông Lý Tha đã trải qua "thời hoàng kim". Ông Tha từng là diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp danh tiếng ở ĐBSCL như đoàn Samaky (Minh Hải cũ), đoàn nghệ thuật Khmer Kiên Giang, đoàn Ánh Bình Minh (Trà Vinh)… Ông Lý Tha quê gốc ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng, có tên gọi khác là Tỏi nên nổi tiếng với nghệ danh Hề Tỏi vì sở trường của ông khi hát dù kê là những nhân vật hề, khuấy động sân khấu. Gương mặt lanh lẹ, đôi mắt tinh anh và cách nói bông đùa có duyên sân khấu đến nay ông Tha vẫn còn giữ nguyên. Ngoài hề, ông Lý Tha còn nổi danh qua tài múa Àdây kết hợp hát đối đáp. Cũng nhờ tài hoa như thế nên Lý Tha đã chinh phục một cô gái Cờ Đỏ và chọn nơi đây lập nghiệp gần 30 năm qua. Vì hoàn cảnh gia đình, ông Tha đành giã từ sân khấu khoảng 25 năm nay. "25 năm trôi qua nhưng ký ức lưu diễn phương xa tôi vẫn không thể quên. Mỗi lần nghe tiếng nhạc ngũ âm cất lên là lòng lại bồi hồi và muốn múa ca cho thỏa đam mê".

Bây giờ, cuộc sống mưu sinh đã khiến bà Riêng và ông Tha xa rời sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng tình yêu nghệ thuật truyền thống Khmer thì dường như không hề thay đổi. Họ tâm sự, giờ ai kêu đi múa hát là đi, không màng đến chuyện tiền nong vì vừa được thỏa đam mê vừa quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Chia sẻ về ước mơ của mình, bà Riêng nói: "Ước sao cho mấy đứa nhỏ trong phum sóc chịu học hát, múa Khmer, tôi dạy không công, bao lâu cũng được. Tôi già rồi, phải có thế hệ kế thừa mới được!".

* * *

Chính những người nặng lòng với văn hóa Khmer như ông Tha, bà Riêng đã giúp cho văn hóa Cần Thơ thêm phong phú, đa dạng sắc màu.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết