03/12/2013 - 09:52

ĐỀ ÁN CẦN THƠ 150

Nâng chất nguồn nhân lực

B. Kiên

Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ: Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm vùng ĐBSCL và cả nước ở các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế,... Để thực hiện được điều này, đòi hỏi thành phố phải có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, TP Cần Thơ đã triển khai Đề án đào tạo ở nước ngoài nguồn nhân lực có trình độ sau đại học, giai đoạn 2005-2011 (gọi tắt là Đề án Cần Thơ 150). Tổng dự toán kinh phí thực hiện Đề án hơn 129 tỉ đồng. Sau 6 năm thực hiện, đề án đã cung cấp một đội ngũ trí thức đáng kể, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Nhưng, việc thực hiện đề án cũng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía.

Bài 1: Bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau 6 năm thực hiện Đề án Cần Thơ 150, thành phố đã đưa 121 ứng viên đi học ở nước ngoài, trong đó có 111 ứng viên đã về nước. Theo đánh giá của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở TP Cần Thơ, những ứng viên tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ 150 đã thổi "luồng gió mới" trong mọi hoạt động của đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Hiệu quả bước đầu

Đến Phòng Hợp tác Quốc tế (HTQT) của Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, cán bộ nơi đây hầu như lúc nào cũng tất bật. Người soạn thảo văn bản, người lên lịch trình tiếp đoàn khách quốc tế; trao đổi với đối tác nước ngoài qua điện thoại… Nhưng khi công việc cần huy động sức mạnh tập thể thì mọi người cùng nhau thảo luận, đề ra giải pháp phù hợp nhất. Một trong những cán bộ "đầu tàu" trong mọi hoạt động của Phòng HTQT là Thạc sĩ Quách Thanh Trúc, Quyền Trưởng phòng HTQT. Không chỉ phụ trách mảng ký kết hợp tác với tổ chức nước ngoài, biên dịch cho lãnh đạo thành phố, Trúc còn có nhiệm vụ tổng hợp tình hình hợp tác giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với đối tác nước ngoài. Đồng thời, Trúc còn chịu trách nhiệm chung về công tác quản lý nhân sự, điều phối công việc, góp phần vào sự phát triển chung của Phòng HTQT. Thanh Trúc là một trong số ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ từ Đề án Cần Thơ 150. Thanh Trúc cho biết: "Tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vào năm 2006, tôi đã đi làm ở lĩnh vực phiên, biên dịch một năm rưỡi. Thông qua bạn bè và phương tiện truyền thông, tôi biết và tham gia Đề án Cần Thơ 150. Sau hơn một năm học tại Anh, tháng 7-2009, tôi về công tác tại Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ đến nay". Theo Trúc, trước khi về Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ công tác, Sở Nội vụ thành phố thăm dò nguyện vọng của Trúc để chọn công việc phù hợp. Trúc đã chọn ngành ngoại vụ, vì vừa phù hợp với sở thích, vừa có thể phát huy sở trường của mình. Trúc nói: "Môi trường làm việc nơi đây thân thiện, đồng nghiệp hòa đồng và giúp đỡ nhau. Quan trọng hơn, lãnh đạo tạo mọi điều kiện để tôi và các đồng nghiệp học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ công việc tốt hơn".

 Sau khi tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ 150, Quách Thanh Trúc (công tác Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ) luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: B. NG

Ngoài Thanh Trúc, Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ còn tiếp nhận 2 trường hợp làm việc tại Phòng HTQT, gồm: Thạc sĩ Trần Ngọc Phi Long, tốt nghiệp ngành Quản lý Quan hệ quốc tế tại West of England (Anh) và Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thúy Lam, tốt nghiệp ngành Chính sách công tại Victoria Wellington (New Zealand). Thúy Lam có kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực HTQT, bởi Lam đã từng trực tiếp, trao đổi với tổ chức nước ngoài để thực hiện các hợp đồng giao dịch quốc tế. Thúy Lam cho biết: "Sau khi đi làm một thời gian, tôi đã tham gia Đề án Cần Thơ 150, rồi về công tác tại Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ. Tôi thấy môi trường nơi đây khá phù hợp, được lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho tôi vào biên chế đơn vị mà không phải trải qua kỳ thi công chức và được hưởng mức lương bậc 2 (2.67)".

Theo Thạc sĩ Phạm Thế Vinh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, những ứng viên tốt nghiệp từ đề án đã phát huy khả năng của mình và phục vụ khá tốt cho đơn vị; trong đó nổi bật là Thanh Trúc. Sau hơn 3 năm làm việc tại Sở Ngoại vụ, lãnh đạo đề ra nhiệm vụ gì Trúc cũng hoàn thành khá tốt. Đơn cử như trong công tác biên, phiên dịch, giọng Trúc khá chuẩn, tốt; làm việc nhanh, hiệu quả. "Nếu có những ý kiến mới, sáng tạo, Trúc mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo để thực hiện. Có thể nói, năng lực của Trúc thể hiện qua quá trình nỗ lực cống hiến cho đơn vị. Chỉ hơn 3 năm công tác, lãnh đạo đã cân nhắc để Trúc giữ vị trí cao của Phòng HTQT"- ông Vinh nói.

Nâng chất hoạt động của đơn vị

Theo báo cáo của Ban Điều hành Đề án Cần Thơ 150, trong tổng số 254 hồ sơ đăng ký tham gia Đề án Cần Thơ 150, có 215 ứng viên được chấp thuận xét duyệt. Thành phố đã đưa 121 ứng viên đi học ở nước ngoài, trong đó có 111 ứng viên đã về nước và 10 ứng viên đang ở nước ngoài. Các ứng viên tốt nghiệp về nước đã được bố trí công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị như: Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, Trường Đại học (ĐH) Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng (CĐ) Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ… Trong đó, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ là đơn vị nhận nhiều ứng viên nhất (16 thạc sĩ). Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Ấu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, do vừa nâng cấp từ Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, giai đoạn này, trường rất cần lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao. 16 thạc sĩ được nhà trường nhận từ Đề án Cần Thơ 150 là những "hạt nhân" nòng cốt, tạo nền tảng, góp phần giúp trường phát triển mạnh mẽ. Ông Ấu nói: "Mảng hợp tác quốc tế là lĩnh vực quan trọng đối với một trường ĐH. Muốn phát triển mảng này rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, năng lực ngoại ngữ. Những ứng viên này đều tốt nghiệp từ nước ngoài, vững về ngoại ngữ sẽ giúp trường xây dựng và phát huy phong trào học ngoại ngữ trong cán bộ, viên chức, cũng như tìm đối tác nước ngoài hợp tác với trường. Có thể nói, những ứng viên của đề án như các "viên đá" xây "nền" vững chắc để trường phát triển".

Thực tế cho thấy, nếu thời gian đầu thành lập (tháng 1-2013), Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ chỉ một số ít cán bộ có học vị tiến sĩ, thạc sĩ thì nay đã có trên 70 cán bộ đạt trình độ sau ĐH. Hiện nay, trường có 28 cán bộ giảng viên đang học sau ĐH trong và ngoài nước (trong đó có 4 giảng viên đang học tiến sĩ ở nước ngoài). Mới đây, Bộ GD&ĐT đã cấp cho trường 9 suất học bổng Tiến sĩ nước ngoài từ Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 911), để cán bộ giảng viên trẻ của trường theo học. Ông Ấu nói: "Trong số cán bộ đã, đang và sẽ học nghiên cứu sinh ở nước ngoài phần lớn là ứng viên tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ 150. Bên cạnh đó, họ còn có vai trò nòng cốt trong việc tham gia cùng các cán bộ khác xây dựng đề án mở mã ngành mới bậc ĐH hệ chính quy". Như trường hợp của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin của trường, một trong số ứng viên tốt nghiệp theo Đề án Cần Thơ 150. Hạnh đang làm thủ tục cần thiết để sang Úc học tiếp nghiên cứu sinh theo Đề án 911. Hồng Hạnh bộc bạch: "Trước đó, tôi công tác ở lĩnh vực thông tin- truyền thông, nhưng vì thích sư phạm nên tôi đã chuyển công tác về trường. Quá trình công tác tôi được lãnh đạo đơn vị và các đồng nghiệp quan tâm hỗ trợ rất nhiều, từ công tác chuyên môn, đoàn thể cũng như trong quá trình cùng các đồng nghiệp xây dựng đề án mở mã ngành công nghệ thông tin bậc ĐH. Sau khi hoàn thành việc học nghiên cứu sinh ở Úc, tôi sẽ trở về trường để tiếp tục phục vụ giảng dạy".

Không chỉ riêng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, từ khi tiếp nhận các ứng viên từ Đề án Cần Thơ 150, Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ như được thổi vào "luồng gió mới" nâng chất hơn nữa hoạt động của đơn vị. Thạc sĩ Phạm Thế Vinh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, nói: "Phòng HTQT có 4 cán bộ, trong đó có 1 người đang học khóa bồi dưỡng ngắn hạn ở Hà Lan. Năm 2005, Sở thành lập nhưng chưa xây dựng chiến lược đối ngoại trong những năm sắp tới. Ý tưởng về chiến lược này đã được cụ thể hóa nhờ các bạn tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ 150".

----------------

Bài cuối: Vẫn còn khó khăn, hạn chế

Chia sẻ bài viết