04/03/2014 - 08:43

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT CẦN THƠ

Nâng chất lượng đào tạo để giữ vững “thương hiệu”

Mùa tuyển sinh năm 2014 đã khởi động. Theo nhiều cán bộ giáo dục, dự đoán tình hình tuyển sinh năm nay sẽ "dễ thở" hơn, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành nhiều điểm mới trong tuyển sinh. Tuy nhiên, chất lượng "sản phẩm" đào tạo là cơ sở quan trọng, giúp các trường giữ vững thế đứng trên thị trường giáo dục. Chính vì vậy, việc giữ vững "thương hiệu" là mục tiêu của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐKT-KT) Cần Thơ hướng đến vào mỗi mùa tuyển sinh...

Đa dạng ngành nghề đào tạo

Năm 2014, Trường CĐKT-KT Cần Thơ dự kiến tuyển 2.500 sinh viên, học sinh cho các ngành cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy (tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2013); trong đó, tuyển 1.600 sinh viên cho 13 ngành cao đẳng. Năm nay, trường có thêm 4 ngành học mới bậc cao đẳng (ngành Kinh doanh thương mại, Dịch vụ thú y) và trung cấp chuyên nghiệp (Du lịch lữ hành, Quản lý tài nguyên và môi trường). Ngoài ra, Trường đang chờ ý kiến Bộ GD&ĐT cho phép mở thêm 2 ngành mới cao đẳng (Dịch vụ pháp lý và Kinh doanh nông nghiệp). Theo lãnh đạo Trường CĐKT-KT Cần Thơ, trước khi mở ngành mới, trường dựa trên cơ sở năng lực và chiến lược phát triển đào tạo và phải đáp ứng nhu cầu xã hội. Thực tế, kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL là nông nghiệp, 80% lao động nông nghiệp chưa được đào tạo mà chỉ dựa vào kinh nghiệm theo kiểu "cha truyền con nối". Trừ Trường Đại học Cần Thơ có mở ngành thú y bậc đại học, các trường cao đẳng khác ít đào tạo ngành này. Việc mở mới ngành Dịch vụ thú y để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Bên cạnh tăng chỉ tiêu, thêm ngành học mới, năm nay, Bộ GD&ĐT ban hành một số điểm mới trong thi tuyển sinh như: cho phép các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng nếu đủ điều kiện; đồng thời, Bộ tổ chức kỳ thi "3 chung". Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường CĐKT-KT Cần Thơ, nói: "Năm nay, trường cơ bản giữ phương thức xét tuyển như năm 2013. Nghĩa là, bậc cao đẳng, trường dựa vào điểm xét tuyển theo từng chuyên ngành học; tuyển sinh theo hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đã dự thi đại học, cao đẳng khối A, A1, B, D1 theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT. Bậc trung cấp chuyên nghiệp, ở hệ tuyển tốt nghiệp THCS, trường dựa trên cơ sở xét học bạ lớp 9 và Bằng tốt nghiệp hoặc giấy Chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014); ở hệ tuyển tốt nghiệp THPT, trường xét học bạ lớp 12 và Bằng tốt nghiệp hoặc giấy Chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014). Trường tuyển thí sinh có hộ khẩu tại các tỉnh ĐBSCL; cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

Để giữ vững "thương hiệu"

Những mùa tuyển sinh gần đây, các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh "lao đao" vì thiếu nguồn tuyển nhưng Trường CĐKT-KT Cần Thơ vẫn có khá đông thí sinh dự tuyển vào trường. Bên cạnh nỗ lực của cán bộ trường trong quảng bá, đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cho học sinh…, còn nhờ "thương hiệu" trường xây dựng khá lâu. Theo lãnh đạo Trường CĐKT-KT Cần Thơ, để đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở giáo dục phải đủ nguồn nhân lực, vật lực. Những năm qua, lãnh đạo trường luôn quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị thực hành, thực tập phục vụ dạy và học, nghiên cứu khoa học. Trường có hệ thống phòng học sức chứa từ 40 đến 150 chỗ; hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành thực tập, phòng lab, máy tính, bệnh xá thú y, nhà lưới ngành trồng trọt và thủy sản; khu giáo dục thể chất- quốc phòng an ninh. Ngoài ra, trường có các công trình kiến trúc khang trang được thiết kế liên hoàn, như: hội trường lớn 500 chỗ, Thư viện điện tử, Nhà thi đấu đa năng…

Đối với cơ sở giáo dục, con người là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo. Do đó, những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã và đang đào tạo, bồi dưỡng, "nâng tầm" đội ngũ cán bộ, giảng viên. Theo Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐKT-KT Cần Thơ, hằng năm, trường lập kế hoạch đào tạo dài hơi, ngành nghề, học vị từng giai đoạn cụ thể (2010-2015; 2015-2020). Cán bộ, giảng viên sẽ đăng ký thời gian, ngành nghề học và công bố công khai, tránh bị động trong kế hoạch giảng dạy của trường. Hằng năm, Ban Giám hiệu trường tổ chức gặp gỡ, nắm bắt tâm tư tình cảm cũng như những khó khăn, đề xuất của cán bộ, giảng viên để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng dạy và học. Đồng thời, lãnh đạo trường quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn như: tổ chức thi giảng viên giỏi cấp trường, cấp thành phố… Để khuyến khích thầy, cô học tập nâng cao trình độ, trường tạo điều kiện về thời gian, bố trí giờ dạy hợp lý và hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ đi học. Đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ, trường chú trọng việc bố trí đúng người, đúng việc và mạnh dạn luân chuyển cán bộ sang vị trí công tác khác, nếu năng lực sư phạm, trình độ chưa đạt chuẩn quy định. Trường hiện có hơn 200 cán bộ, công nhân, viên chức (8 tiến sĩ, 17 nghiên cứu sinh, 12 giảng viên dạy giỏi cấp toàn quốc và 3 nhà giáo ưu tú). Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 75%, đáp ứng yêu cầu giảng dạy hơn 6.200 học sinh, sinh viên.

Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh: "Bên cạnh đảm bảo chất lượng, lãnh đạo trường còn quan tâm tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, như: phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động tổ chức ngày hội tuyển dụng; ký kết hợp tác với các đơn vị để hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp…; đồng thời, cam kết với xã hội về "sản phẩm" đào tạo, tức là "bảo trì sản phẩm" với đơn vị sử dụng lao động trong thời gian một năm sau khi sinh viên tốt nghiệp".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết