22/05/2009 - 08:21

Dự hội nghị “Tương lai Châu Á”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Nâng cao vai trò của châu Á trong việc xây dựng khuôn khổ thương mại toàn cầu và phối hợp hành động khắc phục khủng hoảng

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 21-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 15 do báo Nikkei tổ chức tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Với chủ đề “Những thách thức châu Á đang phải đối phó, cùng theo đuổi những mục tiêu mới”, hội nghị năm nay thảo luận những vấn đề khó khăn mà châu Á đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế các nước châu Á nói riêng đang trải qua một thời kỳ khó khăn và thách thức nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Đây là dịp để thảo luận một cách sâu sắc và toàn diện các biện pháp và hình thức hợp tác ứng phó với khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của châu Á và thế giới sau khủng hoảng.

Thủ tướng nêu bật 6 nhóm giải pháp ưu tiên phối hợp hành động, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là châu Á cần củng cố niềm tin và xây dựng một nền tảng vững chắc với tất cả các yếu tố cần thiết, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, phải coi trọng phát huy bản sắc văn hóa và những giá trị nhân văn truyền thống, lợi ích cộng đồng, tôn vinh giáo dục, phát triển kinh tế phải đi liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sống. Cùng với việc phối hợp hành động trong khu vực để khắc phục khủng hoảng, cần tăng cường mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác kinh tế và thương mại, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư giữa các nền kinh tế châu Á; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển các tiểu vùng và khu vực chậm phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển trong châu lục. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một trong những giải pháp để duy trì ổn định và phát triển bền vững của khu vực là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước, các vùng và tiểu vùng ở châu Á. Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác trong châu lục, cần tăng cường hợp tác với các châu lục khác trên thế giới, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ và khép kín khu vực,...

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Kenichi Watanabe, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư tài chính Nomura. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Nêu bật một số giải pháp trong chiến lược phát triển dài hạn của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình, hợp tác chặt chẽ với các nước, thực hiện đầy đủ các cam kết để cùng các nước vượt qua khó khăn hiện nay, nhất là đối phó với khủng hoảng kinh tế, ứng phó với biển đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh,... góp phần vào sự phồn vinh của khu vực.

Về mối quan hệ hiện đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng cho rằng việc hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” là bước tiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chính thức đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới ổn định và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ hơn các lĩnh vực hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

* Bên lề chuyến thăm làm việc và dự Hội nghị “Tương lai châu Á” lần thứ 15 tại Tokyo (Nhật Bản), chiều 21-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản như Nomura, Itochu, Marubeni, Sojitz, Sumitomo, Taiheiyo,...

Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước quan hệ giữa hai nước đang có những bước phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu, phù hợp với tiềm năng hợp tác giữa hai nước và tương xứng với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của các tập đoàn trong việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đề nghị các tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Chính phủ và các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự phồn vinh ở khu vực.

Các chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn đều bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực được coi là thế mạnh của Nhật Bản như công nghiệp ô tô, sắt thép, xi măng, dầu khí, hóa chất, khai khoáng,... Các chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn khẳng định sẽ là cầu nối để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thượng Nghị sĩ Nhật Bản Nakamura Hirohiko.

Tại buổi tiếp, ông Nakamura cho biết Nhật Bản đã mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin tại Trường Đại học Bách khoa và mong muốn tiếp tục đầu tư xây dựng trung tâm đào tạo y tá tại nước ta sang làm việc tại Nhật Bản. Ông Nakamura cho rằng ngoài 2 trung tâm văn hóa Nhật - Việt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hai nước cần tạo điều kiện để tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này, nhất là giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Ông Nakamura khẳng định sẽ tích cực vận động sự ủng hộ để tăng hơn nữa ODA cho Việt Nam, đặc biệt là ODA đầu tư cho giáo dục, đào tạo, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường,...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của ngài Nakamura đối với Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Nhật, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như lao động, y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đồng thời mong muốn ngài Nakamura sẽ tiếp tục quan tâm và ủng hộ Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ giữa hai Quốc hội, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nói chung, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế và lao động.

Chia sẻ bài viết