20/06/2009 - 09:11

Bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, khắc phục khó khăn, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội

Quốc hội nhất trí thực hiện chính sách học phí mới từ năm học 2010-2011
Miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân 6 tháng đầu năm 2009

Sau 26 ngày làm việc, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 đã kết thúc chiều 19-6. Trong bài diễn văn bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ:

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Quốc hội nhận định: tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã bước đầu hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới và đạt được những kết quả tích cực... nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét và thông qua 11 dự án luật, góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và cho ý kiến về 6 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp quý báu, thiết thực của cử tri và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2009 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Quốc hội đã xem xét thông qua hai nghị quyết quan trọng.

Nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách Nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009 và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua với 90,06% số đại biểu tán thành. Tại Nghị quyết này, Quốc hội khẳng định đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và 4 tháng đầu năm 2009: Do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, giải quyết việc làm, thu ngân sách… gặp nhiều khó khăn và giảm sút. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ nhiều năm trước. Do đó, Quốc hội nhất trí điều chỉnh mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Cụ thể, là: điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 5%, chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%, chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 3%, mức bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) không quá 7% GDP. Căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ điều hành bội chi NSNN ở mức thấp nhất và giảm dần trong một số năm tiếp theo. Bên cạnh đó, giữ tổng chi trong dự toán NSNN theo đúng kế hoạch. Quốc hội lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phấn đấu tăng thu, chống thất thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng để bù đắp số giảm thu, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, chủ động cân đối thu - chi ngân sách. Cho phép sử dụng quỹ tài chính hợp pháp để bù đắp số hụt thu; trường hợp ngân sách địa phương vẫn giảm thu so với dự toán được giao do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế thì ngân sách TƯ hỗ trợ ngân sách địa phương. Chính phủ sử dụng số bội chi NSNN tăng thêm chỉ để bù đắp số hụt thu, bảo đảm nhiệm vụ chi NSNN năm 2009 đã được Quốc hội quyết định. Chủ động, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất mực tiêu tổng quát. Để lường trước mọi khả năng, Quốc hội cũng cho phép trong thời gian không họp, nếu phát sinh tình huống cần thiết, cấp bách vượt thẩm quyền thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quốc hội cũng quyết định đồng ý miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tháng 1-2009 đến hết tháng 6-2009. Tiếp tục miễn số thuế TNCN từ ngày 1-7 đến hết năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại.

Cũng tại Nghị quyết này, QH đồng ý phát hành bổ sung 20.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục theo các mục tiêu đã được quyết định. Đồng thời, bổ sung mục tiêu đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên và các dự án cấp bách, nhất là ở các địa phương nghèo, kinh tế chậm phát triển. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

Với 461 phiếu thuận, chiếm tỷ lệ 93,51%, Nghị quyết giám sát chuyên đề Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thông qua. Với nghị quyết này, Quốc hội nhất trí cao việc kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ TƯ đến cấp huyện và có các cộng tác viên cho công tác này ở cấp xã. Chính phủ cân nhắc để nâng cao khả năng, hiệu quả hoạt động của Cục VSATTP hoặc nâng cấp thành Tổng cục VSATTP thuộc Bộ Y tế đi đối với việc đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để giúp Bộ Y tế thực hiện hiệu quả chức năng đầu mối, chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong cả nước.

* Sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự đã được 74,04% đại biểu tán thành thông qua.

Trước khi biểu quyết thông qua dự án luật, các đại biểu đã biểu quyết thông qua từng điều: Điều 111 (tội hiếp dâm); Điều 180 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả); Điều 221 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy); Điều 334 (tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 194a (tội tàng trữ, vận chuyển chất ma túy); Điều 199 (tội sử dụng chất ma túy). Riêng Điều 194a không được các đại biểu Quốc hội thông qua (đạt 44,42%). Như vậy, Tội tàng trữ, vận chuyển chất ma túy vẫn có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự đã được 88,44% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Giải trình thêm về việc bỏ Tội sử dụng chất ma túy (Điều 199), Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu: Qua gần 10 năm thi hành của BLHS, mặc dù Điều 199 quy định trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng chất ma túy “đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng chất ma túy...”, nhưng trên thực tế số người bị truy cứu trách nhiệm hình sự rất ít, tác dụng răn đe, phòng ngừa không cao, chưa góp phần khắc phục tình trạng tái nghiện. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng chất ma túy có thể đem đến những hậu quả bất lợi về mặt xã hội, gây khó khăn cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Do đó, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, bắt buộc cai nghiện, bắt buộc chữa bệnh, cần tìm các biện pháp khác hiệu quả, bền vững hơn và cần có sự hỗ trợ lâu dài, kiên trì từ phía gia đình, cộng đồng và toàn thể xã hội, bằng việc dạy nghề, tạo việc làm... Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội thông qua tháng 6-2008 thể hiện quan điểm nhân đạo của Nhà nước ta coi người nghiện ma túy là người bệnh và quy định các biện pháp cai nghiện, chữa bệnh bắt buộc đối với những người này. Việc không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng chất ma tuý không có nghĩa là dung túng đối với hành vi này mà là tìm ra biện pháp xử lý thích hợp hơn. Nếu người nghiện ma túy có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy hoặc những hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp tài sản v.v... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng trong BLHS.

QH thông qua các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với 90,26% đại biểu tán thành; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản với 87,42% đại biểu tán thành.

Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 đã được 83,37% đại biểu Quốc hội thông qua. Mục tiêu của việc đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 là xây dựng một số cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.

Chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 nhằm xây dựng cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo: Nhà nước đảm bảo vai trò đầu tư chủ yếu cho giáo dục và đào tạo; đồng thời huy động sự đóng góp theo khả năng thực tế của gia đình người học; khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi thành lập và phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập; hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập đào tạo nâng cao trình độ giáo viên và cán bộ quản lý.

HỒNG QUÂN – QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết