19/10/2022 - 08:52

Nâng cao hiệu quả sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm an toàn 

(CT) - Ngày 18-10, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chủ trì hội nghị trực tuyến “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”. Hội nghị được kết nối với các sở, ngành có liên quan tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp ký kết thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp ký kết thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Tại hội nghị, đại diện các ngành chuyên môn đến từ TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội cho biết, hiện thị trường đã có nhiều cửa hàng, đơn vị cung cấp đa dạng các loại thực phẩm, nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ đạt các tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Song, thực tế vẫn còn tình trạng kinh doanh thực phẩm, nhất là đối với mặt hàng rau củ, quả hay thủy sản tươi sống không có gắn nhãn mác, chưa minh bạch nguồn gốc xuất xứ, nên người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc nhận biết nguồn gốc và chỉ có thể nghe qua giới thiệu của người bán... Nguyên nhân do việc thực thi các chính sách pháp luật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là tại các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ chưa nghiêm túc và còn nhiều hạn chế trong nhận thức đối với đòi hỏi của thị trường về chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… Điều này, đã gây ảnh đến công tác quản lý nhà nước cũng như làm mất niềm tin tiêu dùng.  

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất Bộ NN&PTNT tăng cường công tác phối hợp với các địa phương triển khai chương trình phối hợp “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất gắn mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sản xuất gắn với cơ sở sơ chế, chế biến và hệ thống các nhà bán lẻ nông sản, thực phẩm; tăng cường kiểm soát và có chế tài xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm, để không ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính và từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về nông sản an toàn; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT và các nhà bán lẻ, hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động việc đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng… 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Để nâng chất lượng an toàn thực phẩm cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu thụ và quản lý. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải bỏ tư duy hô khẩu hiệu “tháng an toàn thực phẩm”, mà xem đây là việc cần làm thường xuyên và liên tục; đồng thời, cần quan tâm tổ chức được mạng lưới liên kết và hợp tác cũng như kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm lẫn nhau. Đặc biệt là các nhà sản xuất cần nâng cao trách nhiệm với sản phẩm, hàng hóa; các cơ sở sản xuất kinh doanh không nên xem các chứng nhận an toàn thực phẩm là giấy thông hành để được chứng nhận qua cửa, mà cần nghiêm túc làm ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng… từ đó không chỉ nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm trên thị trường, mà còn tạo dựng được niềm tin tiêu dùng, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm an toàn tại nước ta.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các hiệp hội và các doanh nghiệp đã ký cam kết, thỏa thuận hợp tác về kế hoạch phối hợp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành nông, lâm, thủy sản và thỏa thuận tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tin, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết