02/06/2012 - 18:32

Nâng cao hiệu quả quản lý hộ tịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

(Chinhphu.vn)- Sáng 2-6, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo 22 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự Hội nghị.

Đây là dịp để đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng công tác hộ tịch trong những thập kỷ qua; rút ra những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó tạo sự chuyển biến cơ bản, bền vững cho công tác hộ tịch.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhận định, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở nước ta ngày càng đi vào nền nếp. Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, công tác hộ tịch đã có những bước tiến cơ bản và đạt được những thành tựu quan trọng trong việc củng cố hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và tăng cường đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch; hệ thống sổ sách, dữ liệu hộ tịch được lưu trữ và sử dụng lâu dài; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch; khẳng định vai trò trong quản lý nhà nước và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân...

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ hạn chế về thể chế vì có quá nhiều văn bản cùng điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch, tạo nên độ phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan hộ tịch khi áp dụng, người dân cũng khó phân biệt việc hộ tịch của mình sẽ được áp dụng theo văn bản nào. Hiện tại còn tình trạng đăng ký không kịp thời, chưa đầy đủ và thiếu chính xác; dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán; đăng ký quá hạn, đăng ký lại còn chiếm tỷ lệ tương đối cao...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng của ngành Tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ hộ tịch - tư pháp cấp xã, phường đã đóng góp không nhỏ với những thành công của công tác hộ tịch trong thời gian qua.

Chỉ ra những bất cập, hạn chế mà công tác hộ tịch với những giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng nêu rõ, đó là công tác thể chế còn chắp vá, tác nghiệp thủ công, cán bộ thiếu chuyên nghiệp lại hay thay đổi, cơ chế đăng ký, quản lý hộ tịch chưa theo kịp sự phát triển của đất nước. Vẫn còn để sót lọt nhiều, nhất là công tác đăng ký khai sinh, khai tử ở vùng sâu, vùng xa. Muốn khắc phục những tồn tại trên, cần tạo ra bước đột phá, cần rút kinh nghiệm để có các giải pháp hạn chế những thiếu sót để đưa công tác này đi vào nề nếp, chuyên nghiệp và có hiệu quả, phục vụ đắc lực quá trình phát triển KT - XH của đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật như dự thảo Luật Hộ tịch tạo hành lang pháp lý cơ bản cho công tác này. Nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, ý nghĩa chính trị của công tác hộ tịch đối với nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Hộ tịch; thảo luận sâu một số chuyên đề về thực trạng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

LÊ SƠN

Chia sẻ bài viết