18/07/2016 - 20:18

NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP

Trong khuôn khổ MDEC – Hậu Giang 2016, tại hội thảo "Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị", nhiều mô hình về chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực lúa gạo và thủy sản đã được giới thiệu. Các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) cũng đề xuất áp dụng một số công nghệ tiên tiến, kết quả nghiên cứu mới để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

*DN đầu tư chuỗi giá trị

Tại ĐBSCL, nhiều DN đã đẩy mạnh đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) đã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp dịch vụ trọn gói và bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn của DN. Nông dân được cung ứng giống lúa cấp xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt vụ 120 ngày không tính lãi suất. Tập đoàn còn cử cán bộ kỹ thuật đến tập huấn trên đồng ruộng, hỗ trợ tiền vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy, sấy lúa miễn phí và DN cam kết thu mua lúa cho nông dân theo giá thị trường. Từ đó, số hộ dân và diện tích gieo trồng hằng năm trong vùng nguyên liệu của DN liên tục gia tăng, đến cuối năm 2015 đã đạt 92.000 ha.

ĐBSCL cần hoàn thiện mô hình sản xuất cánh đồng lớn, cũng như đầu tư máy móc nhằm đảm bảo sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao.

Ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành - Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Hướng phấn đấu của Tập đoàn Lộc Trời trở thành tập đoàn nông nghiệp tri thức, do đó vai trò của khoa học công nghệ là rất quan trọng. Trong giai đoạn trước mắt, các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến đã và đang được cung vận dụng vào sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng cao và ổn định, đảm bảo sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, an toàn và có khối lượng hàng hóa lớn, xây dựng được thương hiệu uy tín để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã bắt đầu có được những giống lúa do chính tập đoàn lai tạo chọn lọc ra như: giống Lộc Trời 1 nằm trong top 3 gạo ngon thế giới, Lộc Trời 2, Lộc Trời 3, Lộc Trời 4... Tập đoàn Lộc Trời đề xuất một số giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh ngành hàng lúa gạo như: tiếp tục theo đuổi và hoàn thiện mô hình "Nông dân nhỏ-cánh đồng lớn" để có được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn, chất lượng cao và ổn định. Nhà nước cần có thêm chủ trương hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi ở những cánh đồng lớn để nông dân sản xuất thuận lợi và DN cũng kinh doanh đạt hiệu quả...

Theo ông Tony Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc, là đơn vị dẫn đầu trong thị trường tôm giống, Tập đoàn Thủy sản Việt – Úc luôn mong muốn "Nâng tầm tôm Việt", tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho toàn ngành. Tập đoàn đã và đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược với Viện CSIRO của Úc và các viện, trường hàng đầu trong nước để ứng dụng các công nghệ hàng đầu thế giới trong ngành thủy sản. Tập đoàn cũng hình thành được Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, với mô hình này tập đoàn sẽ đáp ứng được tôm chất lượng cao và sản lượng ổn định. Nhiều công nghệ vượt trội sẽ được ứng dụng trong khu nuôi tôm bố mẹ, tôm giống, và nhất là khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính đã được triển khai tại Bạc Liêu với quy mô 50 ha và sắp tới là 300 ha, dự kiến đến năm 2018 sẽ đạt 1.000 ha.

DN đã năng động đổi mới công nghệ, nhưng nhiều DN cho rằng, với tiềm lực hiện tại, việc đầu tư đổi mới công nghệ còn gặp rất nhiều khó khăn, do năng lực tài chính của DN hạn chế, nên cần sự tiếp sức của chính quyền địa phương và ngân hàng.

*Cần quan tâm đổi mới công nghệ

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững, hiệu quả. Do đó, việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp, nhằm đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. Mô hình liên kết cũng sẽ giải quyết phần nào khó khăn trong tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại vùng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong mô hình liên kết, ngoài sự năng động của DN, sự hợp tác của nông dân thì vai trò của nhà nước cần thể hiện rõ hơn trong mối liên kết "4 nhà"… Đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp vốn là thế mạnh của ĐBSCL, nhưng nếu không đầu tư đúng mức để khơi dậy tiềm năng thì cũng khó cạnh tranh. Nguy cơ thua ngay trên sân nhà là hiện hữu, nếu không phát triển được chuỗi giá trị nông sản, DN và nông dân không thể tham gia chuỗi toàn cầu; đồng thời không thể cạnh tranh với các nông sản cùng loại của các quốc gia có lợi thế tương đồng.

Tập đoàn Lộc Trời đang tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ông Trần Minh Thống, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh: Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL đạt nhiều tiến bộ vượt bậc về năng suất, sản lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa và liên kết với quy mô lớn, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Với sự chung tay góp sức của đông đảo các DN, nhà đầu tư và nhà khoa học, thời gian qua nông dân đã áp dụng nhiều mô hình tiên tiến, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, chế biến nông sản của vùng vẫn còn nhiều hạn chế về hiệu quả, giá trị, chất lượng; tiêu thụ hàng hóa nông sản còn gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước trên thế giới.

Trong những năm gầy đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL ngày càng nhiều hơn. Do đó, cũng cần khẩn trương nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và kịch bản trước các tác động của đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong... Theo ông Trần Minh Thống, để thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, cộng đồng DN, các đơn vị, tổ chức và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh phải quan tâm đầu tư nhiều hơn, mạnh hơn để đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến nông nghiệp. Cần liên kết, hợp tác triển khai những mô hình mới về chọn tạo giống, quy trình sản xuất, chế biến, xử lý môi trường nuôi trồng, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, xuất khẩu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và tập trung cho các sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản, trái cây của vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết