19/03/2015 - 21:39

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật vùng ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, tri thức trẻ cho vùng và cả nước. Trong quá trình đất nước hội nhập và phát triển, trường còn là trung tâm giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển, nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật của vùng ĐBSCL với các tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục quốc tế. Phát huy hiệu quả đạt được, thời gian tới, trường tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

* HỘI NHẬP ĐỂ PHÁT TRIỂN

Theo Trường ĐHCT, nhận thức tầm quan trọng của hội nhập quốc tế (HNQT), từ những năm đầu, Trường ĐHCT đã định hướng, triển khai tư duy hội nhập trong các hoạt động như quản trị, đào tạo, phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế... đến cán bộ, giảng viên, viên chức của trường. Với tư duy và chiến lược phát triển, hợp tác quốc tế (HTQT) đã giúp Trường ĐHCT thu được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần khẳng định vai trò nòng cốt của trường trong hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam và nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Thời gian qua, lãnh đạo Trường ĐHCT đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động HTQT của trường như: ký kết thỏa ước hợp tác với các đơn vị; tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; thực hiện các dự án HTQT… Đến nay, trường đang triển khai tốt các chương trình, dự án với 125 đối tác quốc tế ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ các châu lục. Khoảng 10 năm trở lại đây, trường có 177 dự án HTQT đã và đang thực hiện. Năm học 2013-2014 đến nay, trường tiếp trên 1.500 lượt khách quốc tế; hợp tác thực hiện nhiều dự án với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, như: Dự án CLUES (Úc), VLIR (Bỉ), CSIRO (Úc), iAQUA (Đan Mạch), SEAT (Vương Quốc Anh), JIRCAS - Giai đoạn 2 (Nhật Bản), Công ty Sumitomo, Yanmar... Các dự án này có tổng kinh phí thực hiện hàng trăm tỉ đồng, đóng góp to lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong thực tiễn, đào tạo cán bộ, sinh viên…

PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) ký kết thỏa thuận hợp tác với ĐH Soon Chun Hyang và Hiệp hội Công nghiệp Màn hình điện tử Hàn Quốc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.

Điển hình như Dự án nghiên cứu về môi trường JEAI-DREAM hợp tác đối ứng giữa Trường ĐHCT với Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), góp phần thiết thực trong cuộc sống, nghiên cứu và giảng dạy. Dự án thực hiện trong 4 năm (2011-2014), với mục tiêu xây dựng các mô hình ứng dụng hỗ trợ ra quyết định liên quan các vấn đề môi trường, phục vụ công tác quản lý môi trường (công tác quản lý, sử dụng nguồn nước, quản lý sử dụng đất, quản lý dịch hại trong nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu...). Bên cạnh đó, thông qua các hội nghị, hội thảo tập huấn, chia sẻ học thuật về chuyên môn và năng lực tổ chức nghiên cứu, dự án giúp đội ngũ nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, nhất là các nhà khoa học trẻ, tiếp cận có hệ thống về phương pháp nghiên cứu và quản lý dự án nghiên cứu; cách xây dựng đề án nghiên cứu, kỹ năng hợp tác và quản lý nhóm nghiên cứu... Đây là đội ngũ chủ chốt, đóng góp quan trọng vào hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường trong lĩnh vực liên quan thời gian tới.

JEAI-DREAM cũng đóng góp quan trọng trong đào tạo nhân lực sau đại học bậc thạc sĩ, tiến sĩ trường ĐHCT, qua đó có 12 đề tài nghiên cứu bậc thạc sĩ và 4 đề án tiến sĩ được hướng dẫn bởi các nghiên cứu viên, giáo sư IRD và Trường ĐHCT. PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: "Việc hợp tác, phối hợp thực hiện dự án JEAI-DREAM giữa ĐHCT với IRD giúp các nhà khoa học hiểu biết lẫn nhau, hình thành mạng lưới kết nối hợp tác nghiên cứu, tạo tiền đề quan trọng mở rộng hợp tác đa phương thời gian tới. IRD đánh giá cao hiệu quả thực hiện dự án này và thảo luận các hướng hợp tác, chương trình dự án nghiên cứu mới".

* CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Hiện Trường ĐH Cần Thơ có 14 khoa, 3 viện nghiên cứu, 7 đơn vị trực thuộc và 12 phòng, ban chức năng đảm nhận đào tạo 93 chuyên ngành bậc đại học, 34 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 14 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo đại học hiện nay trên 55.000 sinh viên; sau ĐH gần 4.000 học viên... HTQT phát triển giáo dục là một trong những phương pháp đào tạo, giúp học viên, sinh viên tiếp cận nguồn tri thức bên ngoài, trao đổi kinh nghiệm học tập và nghiên cứu. Hằng năm, nhà trường thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với các trường ĐH đối tác để nâng cao kiến thức cho sinh viên.

Gần đây, Trường ĐHCT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với ĐH Soon Chun Hyang và Hiệp hội Công nghiệp Màn hình điện tử Hàn Quốc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Qua đó, các bên cùng xây dựng chương trình hợp tác toàn diện trong đào tạo, giao lưu, chia sẻ học thuật giữa giảng viên, nghiên cứu sinh; trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn... Đặc biệt, các bên hợp tác xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần vào sự phát triển ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng. Trong mối quan hệ hợp tác này, Trường ĐHCT là đầu mối phối hợp đào tạo nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), đồng thời hỗ trợ Hiệp hội chuyển giao những thành tựu khoa học kỹ thuật về IT cho vùng ĐBSCL, góp phần đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ công nghiệp cho vùng. Hiệp hội cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên, viên chức và sinh viên Trường ĐHCT được tham quan, thực tập thực tế lĩnh vực IT...

Trường ĐHCT và ĐH Mie (Nhật Bản), ĐH Phranakhon Rajabhat (Thái Lan)... vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên, viên chức; chia sẻ nguồn học liệu, thông tin học thuật, nghiên cứu khoa học; hợp tác xây dựng, phát triển các dự án giáo dục. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: "Tại các buổi ký kết, các bên bày tỏ tình hữu nghị và thiện chí hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đây là cơ hội để giảng viên, sinh viên trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu và học tập. Năm nay, trường sẽ giới thiệu, đề xuất học bổng từ các trường đối tác để sinh viên, giảng viên được học tập, trao đổi kiến thức từ các đối tác này".

* NÂNG TẦM VỊ THẾ QUỐC TẾ

Qua 49 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHCT không ngừng phấn đấu, vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của mình trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và trên trường quốc tế. Năm 2013, trường mạnh dạn tiến hành kiểm định chất lượng vươn ra ngoài khuôn khổ chuẩn chất lượng quốc gia, thực hiện đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN, tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và đào tạo khu vực Đông Nam Á. Chương trình cử nhân Kinh tế nông nghiệp là chương trình đào tạo (CTĐT) đầu tiên của trường được công nhận đạt chuẩn AUN. Cùng thời gian này (tháng 7-2013), trường chính thức trở thành một trong 30 thành viên mạng lưới AUN, có cơ hội tiếp cận sâu hơn về tiêu chuẩn chất lượng khu vực và nhận được sự tư vấn, góp ý của các chuyên gia AUN cũng như các trường trong mạng lưới để đảm bảo chất lượng đào tạo của trường.

Năm 2014, Trường triển khai công tác đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN đối với 2 CTĐT tiên tiến bậc ĐH bằng tiếng Anh: Công nghệ sinh học và Nuôi trồng Thủy sản. Cuối năm 2014, Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài AUN (gồm đại diện các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á) đánh giá cao những điểm mạnh đạt được từ 2 chương trình này. Giữa tháng 3-2015, Trường ĐHCT kiểm định nội bộ CTĐT theo tiêu chuẩn AUN, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đảm bảo chất lượng và HNQT về đào tạo. Công tác này tập trung triển khai quy trình thực hiện công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định nội bộ theo bộ tiêu chuẩn AUN; hướng dẫn chi tiết các hoạt động đảm bảo chất lượng nội bộ; thảo luận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Đến nay, Trường triển khai kiểm định nội bộ 49/93 CTĐT theo tiêu chuẩn AUN; 1 CTĐT (Sư phạm Vật lý) được kiểm định ngoài đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 3 CTĐT đạt chuẩn quốc tế theo tiêu chuẩn AUN.

PGS.TS Hà Thanh Toàn khẳng định: "Để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường sẽ rà soát, đánh giá khách quan, đúng thực chất các CTĐT để có kế hoạch điều chỉnh, cải tiến cần thiết nhằm duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn AUN. Ngoài ra, năm nay, trường kiểm định nội bộ theo tiêu chuẩn AUN thêm 3 CTĐT gồm: Nông học, Kinh doanh quốc tế và Cơ khí chế tạo máy. Đây là cơ sở xét chọn CTĐT đạt chuẩn để đăng ký đánh giá theo tiêu chuẩn AUN đợt tiếp theo, góp phần khẳng định vị thế và không ngừng nâng cao uy tín, phấn đấu trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết