08/12/2014 - 21:22

Nâng bước học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đến trường

Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn được Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ban, ngành đặc biệt quan tâm, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Trong đó có công tác hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc thiểu số, góp phần giảm bớt khó khăn để các em vững bước trên con đường học vấn...

Nhằm giúp HSSV có điều kiện học tập tốt hơn, đầu tháng 12-2014, Hội đồng xét duyệt hỗ trợ kinh phí học tập cho HSSV dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố tổ chức họp mặt trao kinh phí học tập cho 25 HSSV. Tham gia buổi họp mặt, mới thấy được tấm lòng của lãnh đạo thành phố đối với HSSV dân tộc thiểu số nghèo. Em Lý Thanh Tùng, sinh viên năm thứ 3 ngành điện tử truyền thông, nhận phần hỗ trợ kinh phí học tập từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất. Gia cảnh Tùng gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Cha qua đời do căn bệnh ung thư, mẹ Tùng làm thuê, làm mướn để gồng gánh gia đình. Thương mẹ vất vả, tảo tần, tranh thủ thời gian, Tùng đi làm thêm để trang trải việc học. Những năm học qua, Tùng đều đạt học lực khá giỏi. Tùng cho biết: "Nhờ sự "trợ lực" của lãnh đạo thành phố dành cho HSSV dân tộc thiểu số, em mới thực hiện ước mơ bước vào giảng đường đại học. Em cố gắng học thật tốt để không phụ lòng quan tâm và tin yêu của mọi người".

Cầm trên tay phần hỗ trợ kinh phí, ánh mắt ông Lý Hùng (ở khu vực 3, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn) rạng ngời niềm vui. Ông Hùng nói: "Con tôi bận rộn tập trung ôn thi học kỳ nên không về dự lễ nhận hỗ trợ kinh phí học tập. Tôi sẽ gởi số tiền này đến TP Hồ Chí Minh để giúp con tôi trang trải chi phí sinh hoạt, học tập. Để thể hiện lòng biết ơn, tôi sẽ luôn động viên con học tập và rèn luyện tốt". Ông Hùng là cha của Lý Kim Hương, đang là sinh viên Trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh. Hương cũng bị bệnh bướu cổ từ năm học lớp 8 nhưng vẫn nỗ lực học tập và trúng tuyển kỳ thi đại học vừa qua. Ông Hùng thuộc diện hộ nghèo, hàng ngày ông làm nghề bốc vác mướn, còn vợ đi phụ giúp việc nhà và chăm sóc đứa con trai thứ ba bị khuyết tật nằm một chỗ.

Ông Lương Văn Trừ, Trưởng ban Dân tộc kiêm Chủ tịch Hội đồng xét duyệt hỗ trợ kinh phí học tập cho HSSV dân tộc thiểu số TP Cần Thơ, cho biết: Công tác hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV dân tộc thiểu số được lãnh đạo thành phố thống nhất thực hiện từ năm học 2007-2008. Đến năm học 2012-2013, ngân sách thành phố hỗ trợ 415 lượt HSSV với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Năm học 2014-2015, Hội đồng xét duyệt ban hành và triển khai kế hoạch về xét duyệt hỗ trợ kinh phí học tập cho HSSV dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đến các phòng dân tộc, văn phòng HĐND, UBND quận, huyện. Đồng thời, phối hợp với Đoàn Thanh niên thành phố, Hội Nông dân và các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn triển khai đến HSSV dân tộc thiểu số có đủ điều kiện để đề nghị hỗ trợ. Qua khảo sát, kiểm tra, các đơn vị liên quan phối hợp triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách này.

Đến cuối tháng 10-2014, Thường trực hội đồng xét duyệt nhận 27 đề nghị hỗ trợ kinh phí học tập. Sau khi tiếp nhận đơn, Hội đồng phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tổ chức xác minh, đối chiếu danh sách hộ nghèo, cận nghèo từng xã, phường, thị trấn có HSSV xin hỗ trợ. Sau đó, hội đồng tổ chức cuộc họp xét duyệt, quyết định hỗ trợ theo quy định. Kết quả có 25 HSSV đủ điều kiện được hỗ trợ kinh phí học tập. Ông Lương Văn Trừ cho biết thêm: "Nhờ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, việc tổ chức thực hiện xem xét hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV đảm bảo sự công tâm, khách quan, đúng đối tượng".

Những năm qua, công tác giáo dục đào tạo trong đồng bào dân tộc Khmer đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy sự phát triển vùng ĐBSCL trên nhiều mặt. Trong đó có tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, hệ thống trường học được mở rộng ở các quận, huyện nơi có đông đồng bào dân tộc, việc dạy song ngữ Việt-Khmer ở các trường ngày càng được quan tâm; tỷ lệ HSSV dân tộc Khmer theo học trong các cơ sở giáo dục ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer có bước chuyển biến đáng kể, góp phần nâng cao dân trí cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Khmer nói riêng.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nói: Thành phố luôn quan tâm hỗ trợ việc học tập của HSSV dân tộc thiểu số, để thúc đẩy và nâng cao hơn nữa dân trí thành phố, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế xã hội thành phố. Tuy số tiền hỗ trợ giá trị không cao nhưng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần và vật chất, giúp các em nỗ lực vượt khó, vững bước đến trường.

MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết