11/08/2023 - 10:52

Nạn nhân của hành vi mua bán người có thể được trợ giúp pháp lý miễn phí 

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý (tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng) miễn phí cho người được TGPL khi có vướng mắc pháp luật theo quy định của Luật TGPL. Trong đó, nạn nhân của hành vi mua bán người, có khó khăn về tài chính, thuộc diện được TGPL miễn phí.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ tại số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ tại số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Nạn nhân của hành vi mua bán người là những người bị xâm hại bởi một trong các hành vi sau đây: hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân vì mục đích vô nhân đạo khác; hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận người vì mục đích giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc vì mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân vì mục đích vô nhân đạo khác.

Theo quy định của Luật TGPL, nạn nhân của hành vi mua bán người cũng được TGPL nếu họ thuộc diện được TGPL, như: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và nhóm thuộc diện có khăn về tài chính, chẳng hạn như người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật; người nhiễm HIV, nạn nhân của bạo lực gia đình, bị hại là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự...

Nạn nhân bị mua bán thuộc diện được TGPL có các quyền sau: được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL; được thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL; lựa chọn một tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL; thay đổi, rút yêu cầu TGPL; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định của Luật TGPL và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi yêu cầu TGPL, nạn nhân của hành vi mua bán người, có khó khăn về tài chính, phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện TGPL, gồm: đơn yêu cầu TGPL, giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội; giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân của hành vi mua bán người; giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL.

Ngoài ra, Thông tư số 11/2014/TT-BTP ngày 17-4-2014 quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong TGPL có quy định: người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục còn được quyền: nếu không muốn người thứ ba cùng nghe thì có thể yêu cầu được tiếp riêng; không bị người thực hiện TGPL phán xét, đổ lỗi, gây áp lực, gây sợ hãi hoặc làm tổn thương về mặt tâm lý; được người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL hướng dẫn tiếp cận với các cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân; hướng dẫn hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật; được người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL đề xuất cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn; hướng dẫn đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hoặc hủy bỏ các biện pháp bảo vệ, thương lượng, hòa giải, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hỗ trợ, giúp ổn định tâm lý; hỗ trợ đề nghị tòa án cử người hỗ trợ tại tòa để chứng thực lời khai tránh việc liên hệ giữa nạn nhân với người có hành vi vi phạm trong trường hợp nạn nhân bị kích động hoặc bị đe dọa đến danh dự và tính mạng trong trường hợp cần thiết...

Khi cần biết thông tin về các tổ chức thực hiện TGPL, hãy liên hệ với: Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ tại địa chỉ: số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều hoặc điện thoại: 02923.825.926 để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, người được TGPL có thể liên hệ đến các điểm trực tiếp nhận yêu cầu TGPL tại địa phương gồm:

- Điểm trực tại huyện Vĩnh Thạnh nằm trong Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND huyện (trụ sở cũ của Chi nhánh số 1 tại huyện Vĩnh Thạnh);

- Điểm trực tại quận Thốt Nốt nằm trong UBND quận (trụ sở cũ của Chi nhánh số 2 tại quận Thốt Nốt);

- Điểm trực tại huyện Thới Lai, quận Ô Môn, huyện Phong Điền nằm trong Bộ phận Tiếp công dân UBND vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hằng tuần.

Ngoài ra, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ còn bố trí trợ giúp viên pháp lý trực tại Tòa án Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ theo Chương trình phối hợp số 3684/STP-TAND ngày 4-11-2022 giữa Sở Tư pháp TP Cần Thơ và Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ. Qua đó tạo điều kiện để người dân tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí được kịp thời, khi có vụ việc yêu cầu tòa án giải quyết.

Chia sẻ bài viết