13/04/2007 - 11:01

Mỹ phẩm trôi nổi: Bó tay?

Tôi đưa cho cô cháu gái làm dịch vụ chăm sóc da týp thuốc mỡ hiệu Flifocinonide Ointment của Trung Quốc (bị Thanh tra Y tế TP Cần Thơ tịch thu trong đợt kiểm tra mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cuối tháng 3-2007), với ý cảnh báo cho cô cháu biết đây là hóa chất độc hại, không nên dùng. Cô cháu tôi xem qua rồi nói tỉnh rụi: “Xời, kem con én làm mịn da, có 1.500 đồng/týp, trộn vô kem làm trắng da, hổng xài thì có nước dẹp tiệm”. Rồi cô cháu gái dẫn tôi đến Trung tâm Thương mại Cái Khế (TP Cần Thơ) để mua mỹ phẩm. Tôi không khỏi rùng mình khi thấy nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị thanh tra y tế tịch thu, xử phạt hồi từ cuối tháng 3 đến giờ nhưng vẫn được bày bán công khai ở đây.

SỢ GÌ KIỂM TRA?!

Những người bán hàng tại doanh nghiệp Khải Phương (Trung tâm Thương mại Cái Khế) đang tiêu hủy gần 600 hộp kem quá hạn sử dụng dưới sự giám sát của Thanh tra y tế. Ảnh: M.N
Quầy mỹ phẩm của chị Tr. ở nhà lồng 1 được xem là điểm bán sỉ các loại mỹ phẩm Trung Quốc mạnh nhất ở khu Trung tâm Thương mại Cái Khế. Tại đây, người mua lẻ đứng tràn cả lối đi, còn bạn hàng mua sỉ thì đưa toa đặt hàng, lát sau lại lấy. Chị chủ cầm toa hàng, đọc tên, số lượng từng loại để người giúp việc xếp vào thùng, vào bao. Thương hiệu của các loại kem, son, phấn, thuốc nhuộm tóc... đều được gọi theo hình tượng in ngoài vỏ bao bì, như: hủ cô gái tóc xù, hủ PC, hộp bông lúa, hộp hoa hồng, týp con én, viên trứng cá... Riêng son môi hiệu Heng Fang Cosmetic và Shilulan (chứa hợp chất sudan có khả năng gây ung thư, bị cấm lưu hành) được tiểu thương gọi là son Tia vì trên bao bì bằng nhựa của mỗi lố son (12 cây) có in chữ Tian Nuo. Loại này, chị Tr. để ở nơi khác, người phụ việc phải mang về từng lố giống như người bán xe thuốc lá bên lề đường, lén lén lút lút mua - bán các cây thuốc lá hiệu Hero, Jet... nhập lậu từ biên giới Tây Nam vậy. Khi tính tiền, chị Tr. nói: “Hổm rày, nhà nước cấm bán son Tia nên bị hút hàng, mỗi lố tăng giá 20.000 đồng (115.000 đồng/lố)”.

Khi chờ chị Tr. tính tiền, tôi đã cầm týp Flifocinonide Ointment chi chít chữ Trung Quốc xem và không hề thấy ghi hạn sử dụng. Tôi hỏi: “Nghe đồn kem con én này có chứa độc tố, bị Nhà nước cấm sử dụng. Nếu bị thanh tra y tế kiểm tra, phát hiện là bị phạt tiền nặng lắm đó. Chị hổng sợ sao?”. Như bắt đúng mạch, chị Tr. nói: “Xời ơi, sợ gì. Mấy hôm trước cán bộ y tế của thành phố đến chợ này kiểm tra được có mấy chỗ. Mấy ổng làm sao mà kiểm tra cho xuể”.

Trong mớ mỹ phẩm mà cô cháu gái tôi mua không có mặt hàng nào ghi hạn sử dụng, nhiều hộp kem màu trắng đục giống như kem đánh răng, ghi công dụng làm trắng da, hộp kem to cỡ cái chén mắt trâu, nhưng giá chỉ có 3.000 đồng, bằng một gói xôi. Trên mỗi vỏ hộp đều có dán mảnh giấy nhỏ, với nội dung quảng cáo như: “Kem tẩy trắng cấp tốc: trộn bột và kem đánh cho thật kỹ, hòa tan hết bột thoa lên da chờ từ 15-20 phút sau rửa sạch, sẽ có làn da trắng và mịn” hoặc “Kem lột lạnh trong 2 giờ: trộn đều lên trước khi sử dụng, 1 hộp thoa được 2 cánh tay, thoa xong trùm bọc từ 2-3 tiếng, tháo bọc ra, lau sạch kem, 2-3 tiếng sau lột da”.

NHIỀU ĐẦU MỐI VẪN KHÔNG QUẢN LÝ NỔI

Tôi đem sự việc này kể lại với dược sĩ Trần Hữu Bình, Phó Chánh Thanh tra y tế (Sở Y tế TP Cần Thơ), Trưởng đoàn kiểm tra về tình trạng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm nhập lậu (từ ngày 20 đến 23-3-2007). Dược sĩ Bình bức xúc nói: “Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành tổ chức thanh tra chuyên đề nhằm tịch thu và tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra 14 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, chúng tôi phát hiện có đến 11 cơ sở vi phạm. Tại doanh nghiệp Khải Phương, ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, đoàn thanh tra phát hiện trên 500 hộp kem đã quá hạn sử dụng, gần 600 viên nang đựng trong hộp nhựa không có nhãn mác. Xét thấy doanh nghiệp này có khả năng chi phối thị trường nên chúng tôi đề nghị mức phạt hành chánh 5 triệu đồng. Còn týp Flifocinonide Ointment là thuốc có chứa corticoid được Bộ Y tế xếp vào nhóm độc bảng B, lại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ở các nhà thuốc Tây, nếu kiểm tra, phát hiện có loại thuốc này, sẽ bị phạt hành chánh 10 triệu đồng và xử phạt bổ sung theo Nghị định 45/CP là rút giấy phép kinh doanh. Hầu hết cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trong các chợ đều có bán “kem con én”, tiểu thương khó có thể thực hiện được mức phạt như các nhà thuốc Tây, nên Thanh tra y tế buộc các chủ cơ sở kinh doanh mỹ phẩm viết cam kết không vi phạm nhằm giáo dục, răn đe”.

Trên thực tiễn, ngoài nguồn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thị trường TP Cần Thơ còn có rất nhiều loại thuốc trị mụn, trị nám da, kem dưỡng da, sữa tắm... trên nhãn mác đều in dòng chữ “làm trắng da” bằng tiếng Việt và tiếng Anh thật bắt mắt. Để tiếp thị khách hàng, các chủ cơ sở kinh doanh mỹ phẩm đều giới thiệu do bác sĩ A., bác sĩ B. sản xuất- đây là những vị bác sĩ chuyên khoa da liễu nổi tiếng trong thành phố.

Dược sĩ Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm TP Cần Thơ (Sở Y tế TP Cần Thơ), cho biết: “Trên địa bàn TP Cần Thơ có 22 cơ sở sản xuất hóa, mỹ phẩm được cấp phép hoạt động. Về công tác quản lý, có đến 4 sở, ngành có liên quan quản lý. Cụ thể: Sở Kế hoạch – Đầu tư có chức năng cấp phép sản xuất kinh doanh; Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học – Công nghệ) chịu trách nhiệm giám định chất lượng; Chi cục Quản lý thị trường (Sở Thương mại) có chức năng kiểm tra, quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả mạo thương hiệu; Thanh tra y tế (Sở Y tế) có nhiệm vụ kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện hàng kém chất lượng. Từ năm 2006 đến nay, chỉ có 3 cơ sở mang mẫu mỹ phẩm đến Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm TP Cần Thơ kiểm tra. Kết quả: chất lượng đều không đạt so với tiêu chuẩn doanh nghiệp đã đăng ký. Nếu doanh nghiep cố tình cạnh tranh bằng biện pháp hạ chất lượng để giảm giá thành thì thanh tra y tế cũng bó tay. Vì theo quy định phải tổ chức đoàn thanh tra liên ngành để lấy mẫu mỹ phẩm tại cơ sở sản xuất và nơi bán để xét nghiệm, đối chứng. Trong đó, từng công đoạn đều phải có sự chứng kiến của chủ cơ sở và công an”.

HỆ LỤY

Cô Nguyễn Thị Ánh T., sinh năm 1985, ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng bị dị ứng da do dùng kem trộn, phần mặt, cổ, cánh tay nổi nhiều hột đỏ và mọng nước như bị nổi trái rạ. Khi người nhà đưa đến Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ thì cô T. đã có triệu chứng nóng sốt, bác sĩ phải điều trị cấp cứu vì có triệu chứng bị sốc do bội nhiễm. Cô T. phải điều trị nội trú đến 5 ngày (từ ngày 25 đến 29-3-2007). Khi cô T. xuất viện, phần hột nước không còn nhưng da mặt, cổ, cánh tay bị đỏ như vừa phỏng nước sôi. Bác sĩ Trần Công Bình, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Khám bệnh của Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 10 ca bị di ứng da do dùng mỹ phẩm hoặc hóa chất không rõ nguồn gốc. Sau điều trị bệnh nhân thường bị nám da. Trong đó, có hơn chục trường hợp bị bội nhiễm nghiêm trọng như cô T. Trường hợp này có thể bị di chứng rạn da, tức là da mặt sẽ giống như da bụng của phụ nữ vừa mới sanh, vừa bị nám lại vừa bị răn nứt nhăn nheo, không thể che lấp được vì đánh phấn hổng ăn!

Câu chuyện với bác sĩ Trần Công Bình làm tôi nhớ lại chuyện đã bị đứa cháu gái phản ứng quyết liệt khi tôi can ngăn nó đừng nên sử dụng bừa bãi các loại kem trộn. Cháu tôi nói: “Bây giờ ra đường thấy con gái mặc áo dây, quần lửng, đứa nào tay, chân cũng trắng nõn, số người không xức kem trộn để làm trắng da chắc đếm chưa đủ đầu ngón tay?”. Công bằng mà nói, dùng mỹ phẩm để trang điểm thường giúp cho phụ nữ đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng mỹ phẩm cũng là dược phẩm, không thể sử dụng bừa bãi. Thời gian gần đây, tình trạng ngày càng có nhiều phụ nữ bị dị ứng da do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được thông tin trên nhiều báo, đài chính là lời cảnh báo, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng ý thức tự phòng tránh. Phần còn lại là bản thân phái đẹp. Thị trường mỹ phẩm ngày càng phát triển đa dạng, hàng hóa phong phú đa dạng, thật – giả, xấu- tốt khó lường. Nếu chỉ biết ham “làm đẹp” một cách vộ tôi vạ, làm đẹp với bất cứ giá nào thì có khi “rước họa vào thân!”.

ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết