24/01/2010 - 21:02

Mưu sinh giữa lưng trời

Trời chưa hửng sáng. Cây thốt nốt còn là những bóng đen xa xa dưới chân những rặng núi ở vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang. Thỉnh thoảng, một bóng người xuất hiện dưới gốc thốt nốt, lần theo thân cây hướng lên trời và mất hút trong tán lá xum xuê. Cứ thế, ngày này qua tháng khác, hình ảnh này được lặp đi, lặp lại, để rồi ra đời cái nghề mưu sinh giữa lưng trời rất đặc biệt ở vùng Thất Sơn huyền bí...

* NHỮNG NGƯỜI “CHÂN KHÔNG CHẠM ĐẤT”

Dù trời còn tối đen, nhưng chỉ sau 2 phút xuất phát từ gốc, lão Chau Tuốt đã vắt vẻo trên đọt thốt nốt. Nhìn cái “chân nhỏ, chân lớn”, có tật đi phải chống gậy ít ai nghĩ lão đã có thâm niên hơn 30 năm kiếm sống giữa lưng chừng trời. Lão Chau Tuốt nói: “Năm 3 tuổi, căn bệnh sốt bại liệt đã làm cho chân tôi mang tật, nhưng may mắn còn đi lại được. Vùng này còn nghèo, đất đai sản xuất khó khăn, chỉ có nghề leo thốt nốt là có thể kiếm sống tạm được. Vậy là năm 15 tuổi tôi bắt đầu đi leo thốt nốt”. Gọt xong và lấy nước 3 cùi thốt nốt, lão kể tiếp: “Đây là nghề của người nghèo. Nếu cuộc sống khá hơn thì không ai đi leo thốt nốt, vì nó nguy hiểm lắm. Nếu sơ suất là đổi cả tính mạng mình. Tuy nhiên, cũng nhờ nó mà tôi nuôi sống cả gia đình hơn 30 năm nay. Giờ nhớ lại thấy thăm thẳm, nhưng cũng có gì đó vui vui vì mình đang theo cái nghề truyền thống của ông bà...”.

Ông Chau Tuốt đang lấy nước thốt nốt. 

Vùng Bảy Núi tỉnh An Giang nổi tiếng với những rừng thốt nốt bạt ngàn. Cây thốt nốt là nguồn thu nhập chính của rất nhiều bà con Khmer nơi đây. Ngoài lấy nước nấu đường, cây thốt nốt còn có thể lấy trái để bán. Đường thốt nốt, trái thốt nốt là một đặc sản của vùng này. Tuy nhiên, để có những sản phẩm đặc sản đó, hàng trăm người phải ngày đêm mưu sinh giữa lưng trời để lấy nguyên liệu. Theo những bậc cao niên trong vùng, nghề này không phải làm quanh năm mà chỉ kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, một số nơi cây thốt nốt có trái nghịch thì mới làm thêm các tháng khác. Lão Chau Kên, ấp Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, cho biết: “Hầu hết những người leo thốt nốt đều thuê cây của người khác. Một cây thuê 50.000 đồng/năm hoặc 2-5kg đường tùy cây đực hoặc cái. Cây cái mướn mắc hơn vì ngoài lấy được nước còn thêm trái. Mỗi trái bán 1.000 đồng cũng kiếm thêm được thu nhập kha khá”.

Nghề kiếm ăn giữa lưng trời của nhiều bà con Khmer vùng Bảy Núi mạo hiểm, nhưng nó giúp nhiều hộ Khmer thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hơn 30 năm mạo hiểm với nghề, lão Chau Tuốt hãnh diện vì mồ hôi của ông đã giúp 3 con có tiền học hành. Ông nói: “Do mới đầu mùa, nên phải tốn khoảng 7 lít nước mới cho ra 1kg đường. Mỗi ngày từ 20 cây thốt nốt mướn, tôi lấy khoảng 50 lít nước nấu được khoảng 8 kg đường. Hiện nay giá đường khoảng 12.000 - 14.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 60.000 đồng. Tuy thu nhập không cao, nhưng vì vùng này mùa khô không thể làm rẫy hay làm lúa, nên nghề làm đường cũng bảo đảm cuộc sống hàng ngày. Mình vất vả, cố lo để các con không phải mạo hiểm như vầy. Chúng có chữ sẽ đỡ hơn trong tương lai”. 3 người con của ông, một đã vào đại học, 2 người còn lại đang học trung học phổ thông. Còn nhiều và rất nhiều cảnh đời đang sống bám vào lưng trời như lão Chau Kên, Chau Tuốt. Tuy nhiên, với bà con Khmer nơi đây, cuộc mưu sinh giữa lưng trời như là một nghiệp đã trót vương mang...

* “SINH NGHỀ, TỬ NGHIỆP”...

Sau 4 giờ mệt nhừ vì phải leo lên, leo xuống hơn 20 cây thốt nốt, toàn thân lão Chau Tuốt đã đẫm mồ hôi. Ông nói: “Sức mình leo thế là vừa. Nếu cứ tiếp tục ráng thêm sẽ rất nguy hiểm. Nếu có sơ suất gì thì ai nuôi vợ, nuôi con...”. Câu nói bỏ dỡ và ánh mắt ông đượm buồn khi nhắc đến sự nguy hiểm đang rình rập của cái nghề ông đang làm. Ông tâm sự: “Cách đây 4 tháng, ông lão mù Chau Dek Đây, ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trung bỏ mạng vì leo thốt nốt là một lời cảnh tỉnh cho chúng tôi. Giờ đây ai leo thốt nốt cũng ngán, chỉ mệt là nghỉ, hết mệt leo tiếp...”.

Với những người leo thốt nốt tại vùng Bảy Núi, lão Chau Dek Đây là biểu tượng của sự vượt lên số phận, biết sống bằng chính sức lao động của mình. Lão Chau Tuốt kể: “Ông Chau Dek Đây mù từ năm 3 tuổi. Tuy nhiên, ông vẫn không đầu hàng số phận mà cố gắng học leo thốt nốt để có cái nghề nuôi sống gia đình. Người khỏe, mắt sáng chỉ leo 20-25 cây, nhưng ông Chau Dek Đây leo khoảng 30 cây mỗi ngày. Có lẽ vì lao lực quá nên ông đã bị tai nạn. Hiện nay, vùng này có hàng chục người có thâm niên leo thốt nốt từ 30-40 năm, mặc dù có kinh nghiệm nhưng không thể tránh khỏi gặp tai nạn. Ai không cẩn thận sẽ phải rời khỏi cuộc đời vì chính cái nghề đang nuôi sống bản thân”.

Cũng mưu sinh giữa lưng trời, nhưng nghề leo thốt nốt tại vùng Bảy Núi mang một nét đặc thù rất riêng so với nghề leo dừa mướn tại đồng bằng. Người leo thốt nốt ngoài trang bị dao bén còn phải mang bên mình nhiều lon để đựng nước thốt nốt. Những ngày cận Tết đi đâu tại vùng Bảy Núi cũng nghe thoang thoảng hương đường. Một mùa nấu đường nữa lại về cũng là mùa của những người mưu sinh giữa lưng trời tại vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, cũng như bao nghề khác, nghề leo thốt nốt có sự nguy hiểm riêng, đã có rất nhiều trường hợp tai nạn nghề nghiệp khi kiếm sống giữa lưng trời. Nếu người nào may mắn thì chỉ trật chân, tay, còn người không may phải mang bệnh tật, hoặc bỏ cả tính mạng. Nhưng để có được những mẻ đường thốt nốt đặc sản ra thị trường, thì những người leo thốt nốt phải chấp nhận nguy hiểm. Khắp vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, nơi nào cũng có người do té thốt nốt mà tàn tật suốt đời hoặc vong mạng. Ông Chau Kên cho biết: “Tôi cũng nhiều lần té do cây tre cột vào thân thốt nốt để dễ leo, lâu ngày mục, gãy, nhưng may mắn chỉ trật chân. Tai nạn nhiều nên đã thành một cái lệ: cứ khoảng 8 - 9 giờ tối mà không thấy chồng đi leo thốt nốt về là các bà vợ la làng nhờ hàng xóm mang võng ra gốc thốt nốt tìm kiếm. Giờ đây tôi leo không dùng đến cây tre, tuy mệt hơn nhưng nếu thấy nguy là mình tuột xuống liền mà còn về được với vợ con”.

Tuy vất vả leo thốt nốt, ông Chau Kên vẫn tranh thủ giúp vợ nấu đường. 

Những ngày này đi khắp vùng Bảy Núi, nơi nào cũng thấy các lò nấu đường thốt nốt đỏ lửa. Bà con phấn khởi vì giá đường thô bán tại lò 14.000 đồng/kg, tăng 40% so với chính vụ năm trước. Giá đường cao nên cuộc mưu sinh giữa lưng trời vì thế càng thêm phần náo nhiệt. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là những người theo nghề leo thốt nốt không ai có được cây thốt nốt nào. Cứ thế, họ mướn thốt nốt để leo lấy nước quanh năm.

Tôi rời vùng Bảy Núi khi trời đã tối. Màn đêm bắt đầu tĩnh lặng, bóng thốt nốt đen dần sau những rặng núi. Đi ngang các phum, sóc của đồng bào Khmer, lửa của những lò đường cũng tắt. Tuy nhiên, lòng tôi nhẹ lại vì không có một âm thanh báo động, hay tiếng kêu cứu nào của những bà vợ. Vậy là một ngày của những người mưu sinh giữa lưng trời khép lại trong bình yên. Núi rừng Thất Sơn đang ru họ vào giấc ngủ để phục hồi sức lực và tiếp tục kiếm sống giữa lưng chừng trời vào bình minh hôm sau.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết