11/09/2020 - 08:30

"Mua láng giềng gần" 

Ông bà ta có câu "Bán bà con xa, mua láng giềng gần" để nhắc nhở con cháu về giá trị của tình làng nghĩa xóm. Bà con trong hẻm 170, đường Hoàng Quốc Việt, phường An Bình, quận Ninh Kiều cũng từng ngày "mua láng giềng gần" nhưng không phải bằng tiền bạc, mà qua những việc làm thiện nguyện.

Bà con hẻm 170 làm bánh mì chay phát miễn phí dịp lễ Vu Lan vừa qua.

Ngày 13 và 14 tháng Bảy âm lịch vừa qua, nhà của chị Lâm Thị Kiều Oanh trong hẻm 170 nhộn nhịp chẳng khác nào đang có đám tiệc. Hơn chục người quây quần để làm bánh mì chay phát cho bệnh nhân và người nuôi bệnh ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Thức ăn chay là món khìa trộn với thính tỏa mùi thơm. Các cô, các chị vừa làm vừa rôm rả kể chuyện xóm làng, chuyện những đứa con đứa cháu, rồi cả chuyện đi chợ, "thời sự địa phương"... Có lẽ không khí vui vẻ như vậy nên làm từ sáng đến hơn 9 giờ tối ngày 13, mọi người vẫn không thấy mệt. Sáng ngày 14, buổi lao động bắt đầu từ 2 giờ, mọi người tụ họp chế biến bánh mì chay từ nguyên liệu đã làm sẵn để hơn 4 giờ thì cánh thanh niên, đàn ông trong hẻm chở đi phát ở các bệnh viện.

Chị Lâm Thị Kiều Oanh cho biết: Hoạt động làm bánh mì chay bắt đầu từ khoảng 5 năm trước, do chị và người thân trong gia đình làm với quy mô nhỏ. Bà con lối xóm thấy gia đình chị làm việc ý nghĩa thì góp sức, góp tiền, dần dà mở rộng quy mô. Hiện nay mỗi năm, chị Oanh cùng bà con trong xóm làm bánh mì phát miễn phí vào các ngày Rằm lớn trong năm. Mỗi lần như thế, có khoảng 1.500 ổ bánh mì chay được phát đến tay người cần. "Lúc đầu cũng không dám làm nhiều vì sợ không xuể, nhưng bà con trong xóm quá nhiệt tình nên số bánh mì làm ra ngày càng tăng thêm", chị Oanh kể.

Chị Oanh có sổ thu chi hoạt động làm bánh mì chay rõ ràng, như cách để tri ân tấm lòng của bà con chòm xóm. Hôm chúng tôi có mặt, thỉnh thoảng lại có bà con trong xóm lại gọi: "Oanh ơi, cho chị góp chút tiền phụ làm bánh mì chay". Bà con còn chân tình lý giải rằng, nhà có con nhỏ hoặc mẹ già nên không thể lại phụ giúp được, nên góp "chút đỉnh gọi là". Lần nào làm bánh mì chay cũng đều có mặt, cô Nguyễn Thị Ngọc Khỏe, ngụ hẻm 170, nói: "Thấy các em, các cháu làm việc có ích nên tham gia ngay. Công việc đâu cực nhọc gì, mà còn vui nữa". Còn chị Huỳnh Thị Kiều Diễm, cũng là một người dân trong xóm thì lại suy nghĩ, chính từ những buổi gặp gỡ, đông vui như vầy, bà con láng giềng mới có dịp hiểu nhau, thân thiết nhau hơn. "Người ta vẫn nói "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau" mà!", chị Kiều Diễm cười nói.

Mới 4 giờ sáng, chúng tôi tháp tùng cùng các thanh niên trong xóm đi trao bánh mì tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Những chuyến xe lăn bánh khi trời còn sương giăng nhưng mọi người rất xông xáo, vui vẻ. Hàng trăm ổ bánh mì phát hết rất nhanh. Có người xin thêm một vài ổ cho người bệnh nằm chung phòng không thể đi được hay xin để trưa ăn, tất cả đều được đáp ứng bằng nụ cười đồng ý. Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, quê ở Cái Bè, Tiền Giang, đang chăm sóc đứa cháu tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, nói: "Nhờ những phần quà miễn phí mà cô đỡ phần chi phí. Cám ơn nhiều lắm tấm lòng của mọi người".

Ngoài làm bánh mì chay vào các ngày Rằm lớn trong năm, bà con trong hẻm 170 vẫn thường xuyên quyên góp tiền, nhu yếu phẩm, quần áo để làm quà từ thiện tặng những nơi cần. Có những điểm nhận từ tỉnh An Giang nhưng đã trở thành "mối ruột", thỉnh thoảng lại đến Cần Thơ, tìm về hẻm 170 để đón nhận những món quà từ tâm. Tết Trung thu sắp đến, một kế hoạch thật "hoành tráng" cho các em nhỏ trong xóm đã được bà con chuẩn bị. Xóm nhỏ mà niềm vui và tình thương thật lớn!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết